Đại Lộc gặp khó trước dịch tả heo châu Phi

NGUYỄN SỰ 14/06/2019 14:42

Mặc dù mầm bệnh chưa xuất hiện tại địa phương nhưng trước thông tin dịch tả heo châu Phi đang bủa vây tứ phía, những ngày qua việc tiêu thụ heo thịt trên địa bàn Đại Lộc gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù chưa bị dịch gây hại nhưng những ngày qua việc tiêu thụ heo thịt ở Đại Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: VĂN SỰ
Mặc dù chưa bị dịch gây hại nhưng những ngày qua việc tiêu thụ heo thịt ở Đại Lộc gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: VĂN SỰ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn huyện Đại Lộc là hơn 40.000 con, trong đó có 10.000 con heo nái, 10.000 con heo thịt, còn lại là heo sữa và heo choai. Hôm qua 12.6, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, đến thời điểm này tại địa phương vẫn chưa xuất hiện vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, hiện Đại Lộc đã bị dịch bao vây nhiều phía, bởi ở các huyện, thị xã giáp ranh với Đại Lộc gồm Nam Giang, Duy Xuyên, Điện Bàn và huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đã bị loại dịch nguy hiểm này gây hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Thanh, trước thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành tại rất nhiều nơi của tỉnh và các địa phương khác, gần 1 tháng nay việc tiêu thụ heo thịt ở Đại Lộc bị ảnh hưởng lớn khiến người chăn nuôi của địa phương lâm vào tình cảnh khó khăn. Mặc dù các cơ quan chuyên môn liên tục khẳng định bệnh dịch tả heo châu Phi không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng thực tế cho thấy thời gian gần đây sức tiêu thụ thịt heo trên địa bàn Đại Lộc giảm mạnh. Khi Quảng Nam chưa xuất hiện dịch, bình quân mỗi ngày đêm các điểm và cơ sở giết mổ gia súc ở Đại Lộc giết thịt khoảng 300 - 400 con heo để cung ứng ra thị trường. Thế nhưng, từ giữa tháng 5 dương lịch đến nay, số lượng heo giết mổ đã giảm ít nhất 50% so với trước đây. Sức tiêu thụ ngày càng yếu khiến giá heo hơi ở Đại Lộc cũng tụt giảm sâu. Cách đây hơn 1 tháng, giá heo thịt tại nhiều nơi của huyện luôn dao động ở mức 45 - 46 nghìn đồng/kg hơi, còn hiện này thì đã giảm xuống còn 32 - 34 nghìn đồng/kg hơi.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, do tại địa phương chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi nên thời điểm này việc mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên phạm vi toàn huyện vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, trước sức tiêu thụ thịt heo trên thị trường quá yếu, đầu ra của 10.000 con heo thịt đến kỳ xuất chuồng ở Đại Lộc đang gặp nhiều khó khăn vì thương lái thu mua với số lượng ít và giá bán sản phẩm giảm mạnh.

Theo ông Mẫn, trong những ngày qua lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc liên tục yêu cầu các đơn vị liên quan và chính quyền 18 xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nhận biết bệnh dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Từ đó, hy vọng sức tiêu thụ thịt heo trên địa bàn huyện sẽ cải thiện hơn và người chăn nuôi ở địa phương thuận lợi hơn trong việc xuất bán 10.000 con heo thịt.

Khi chúng tôi đề cập đến giải pháp thu mua heo thịt, tổ chức giết mổ và cấp đông để giải cứu người chăn nuôi, ông Hồ Ngọc Mẫn chia sẻ: “Thời gian qua, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành ở Trung ương và chính quyền các tỉnh, thành phố bị dịch tả heo châu Phi gây hại nghiên cứu thực hiện nhanh giải pháp đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc triển khai không hề dễ dàng. Riêng đối với huyện Đại Lộc nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung rất khó khả thi vì hiện nay trên địa bàn không có nhà máy nào chuyên giết mổ và cấp đông thịt heo. Muốn đầu tư xây dựng nhà máy cũng không phải là chuyện một sớm một chiều”.

Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết thêm, bên cạnh việc tập trung mọi nỗ lực thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác phòng bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn, hiện nay lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng yêu cầu ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực khuyến cáo người chăn nuôi trên địa bàn không đầu tư tái đàn hoặc tăng số lượng heo thả nuôi trong thời điểm này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại nếu thời gian tới vi rút gây bệnh xuất hiện, giá bán sản phẩm tiếp tục giảm sâu...

Thêm 1 xã ở Núi Thành công bố bệnh dịch tả heo châu Phi

Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Nguyễn Văn Thịnh vừa ký ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn xã Tam Thạnh, kể từ ngày 9.6.2019. Theo đó, các xã thuộc vùng uy hiếp là Tam Sơn, Tam Hiệp, Tam Anh Bắc; xã thuộc vùng đệm là Tam Xuân 1. Như vậy, đến nay, UBND huyện Núi Thành đã ban hành 4 quyết định công bố bệnh dịch tả heo châu Phi ở 4 xã là Tam Mỹ Tây, Tam Mỹ Đông, Tam Anh Nam và Tam Thạnh. Trong thời gian có dịch, các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ heo ở các xã nêu trên thực hiện theo Hướng dẫn số 3708 của Bộ NN&PTNT về một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo châu Phi; khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy ngay toàn bộ số heo mắc bệnh, chết, không để các hộ nuôi tự ý bán chạy làm dịch lây lan. (VĂN PHIN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc gặp khó trước dịch tả heo châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO