Dấu ấn "tam nông"

NGUYỄN SỰ 28/07/2020 05:44

Nhờ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo phương thức hàng hóa và an toàn dịch bệnh, kinh tế nông nghiệp của Điện Bàn gặt hái nhiều thành quả. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng chuẩn nông thôn mới (NTM).

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp nông dân Điện Bàn yên tâm về đầu ra của nông sản. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp nông dân Điện Bàn yên tâm về đầu ra của nông sản. Ảnh: VĂN SỰ

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Mỗi vụ, nông dân Điện Bàn gieo sạ 5.460ha lúa. Ngoài tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nhà nông nhiều khâu trọng yếu nhằm nâng cao năng suất lúa và chất lượng gạo. Vụ đông xuân 2019 - 2020, năng suất lúa bình quân của Điện Bàn đạt gần 65 tạ/ha, tăng 4 - 5 tạ/ha so với năm 2015.

Ông Nguyễn Chánh Thiện - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn nói: “Hằng năm, người dân liên kết với các doanh nghiệp tổ chức canh tác 750ha hạt giống lúa thuần và 200ha lúa thương phẩm chất lượng cao trên những cánh đồng mẫu theo phương thức sản xuất hàng hóa, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Mô hình này giúp thu nhập tăng thêm 25 - 30% so với làm lúa thường”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông phát triển sản xuất, nhất là xây dựng những vùng chuyên canh - xen canh các loại cây trồng cạn trên 4.500ha đất màu theo hướng tập trung, thị xã huy động nhiều nguồn lực làm thủy lợi hóa đất màu.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, nông dân được hỗ trợ để chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, xây dựng những vùng luân canh - xen canh - gối vụ các loại hoa màu, rau củ quả theo phương thức hàng hóa tập trung.

“Nhờ bố trí sản xuất những loại cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, ớt, đậu xanh, dưa hấu và rau mồng tơi, bồ ngót, cải, măng tây xanh... phù hợp với điều kiện canh tác, đặc biệt là đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Bình quân hằng năm mỗi héc ta đất màu của Điện Bàn cho thu nhập khoảng 153 triệu đồng. Riêng ở các xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong hay Điện Minh có mức thu nhập 200 - 250 triệu đồng” - ông Chơi nói.

Nông dân Điện Bàn còn đầu tư phát triển chăn nuôi theo phương thức hàng hóa và an toàn dịch bệnh, với hơn 200 mô hình nuôi bò thâm canh (mỗi mô hình ít nhất 10 con) và 90 mô hình nuôi gà lấy trứng, gà thịt cho mức lãi ròng hơn 100 triệu đồng/năm/mô hình.

Nâng chuẩn NTM

Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Từ khi được công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2015) đến nay, Điện Bàn tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều khâu nhằm nâng cao chất lượng bộ 19 tiêu chí của toàn bộ 13 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Lâu nay, Điện Quang được xem là “hình mẫu” của mô hình NTM ở Điện Bàn nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, năm 2014 địa phương được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trước 1 năm so với lộ trình đặt ra. Từ đó đến nay, xã tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, vùng sản xuất, cụm chăn nuôi tập trung... đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Huy động nhiều nguồn vốn, giai đoạn 2015 - 2020 Điện Quang đầu tư thêm hơn 20,4 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh nhằm giữ và nâng chuẩn NTM.

Theo dự tính, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 50,34 triệu đồng, tăng 14,34 triệu đồng so với nghị quyết đề ra. Điện Quang hiện không còn hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội) và tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 0,91%.

“Cả 6 thôn của xã đã được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm 2019, Điện Quang được công nhận lại sau 5 năm đạt chuẩn và phấn đấu năm 2021 sẽ được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu” - bà Thoa chia sẻ.

Ông Trần Quang Hải - cán bộ chuyên trách NTM Điện Bàn cho hay, các xã khác của Điện Bàn đều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giữ chuẩn và nâng chuẩn NTM. Từ năm 2016 - 2020, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các kênh vốn, thị xã đã đầu tư thêm 657 tỷ đồng xây mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng cũng như hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân phát triển sản xuất, nhất là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Đức Chơi nói: “Cuối năm 2019, Điện Bàn có 39 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Năm nay dự kiến có thêm 23 thôn đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ 94 thôn của 13 xã NTM đều đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Ngoài xã Điện Quang, mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2023 có thêm 2 xã Điện Trung, Điện Phong đạt chuẩn xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của 13 xã NTM đạt 42,39 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,56%”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn "tam nông"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO