Dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại Phú Ninh: Căng mình dập dịch

VINH ANH 03/07/2019 14:50

Trong vòng chưa đầy một tháng, dịch tả lợn châu Phi đã liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Ninh. Các ngành chức năng, địa phương và nhân dân Phú Ninh đang tập trung cao độ công tác chống dịch.  

Lực lượng chức năng huyện Phú Ninh phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện. Ảnh: A.Đ
Lực lượng chức năng huyện Phú Ninh phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện. Ảnh: A.Đ

Gần 200 con heo bị tiêu hủy

Huyện Phú Ninh ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 29.5 tại hộ ông Phan Văn Đức (thôn An Mỹ, xã Tam An), khi cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm trên 1 con heo nái (trong tổng đàn heo 5 con của gia đình ông Đức) với trọng lượng 167kg bị chết bất thường. Ngay sau đó, ngành chức năng của địa phương đã lập tức tiêu hủy toàn bộ đàn heo của gia đình ông Đức theo quy định.

Sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, liên tiếp những ngày sau đó, xã Tam An tiếp tục ghi nhận, phát hiện các ổ dịch tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Trong đó có ổ dịch tại hộ bà Nguyễn Thị Phúc (thôn An Thọ) với tổng số heo phải tiêu hủy là 55 con, tổng trọng lượng 2.658kg. Đây được xem là hộ chăn nuôi có số lượng heo phải tiêu hủy lớn nhất đến thời điểm hiện tại được ghi nhận trên địa bàn huyện.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, sau các ổ dịch xuất hiện tại xã Tam An thì đến lượt các xã Tam Lộc, Tam Đàn, Tam Dân, Tam Vinh, Tam Lãnh, Tam Thái, Tam Phước cũng ghi nhận các trường hợp heo bị nhiễm vi rút gây dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Đặc biệt, kể từ ngày 10.6, sau khi huyện Phú Ninh công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện với vùng dịch gồm các xã Tam An, Tam Đàn, Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thái, Tam Dân, Tam Vinh, các địa phương này tiếp tục có heo chết bất thường với triệu chứng tương tự. Để ngăn ngừa dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng, cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu hủy số heo chết bất thường cũng như có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, số lượng heo phải tiêu hủy nhiều nhất là xã Tam Dân với tổng trọng lượng 3.669kg.

Cũng tại xã Tam Dân, ngành chức năng lấy 5 mẫu để giám sát dịch bệnh này trên đàn heo của hộ Nguyễn Công Lộng (thôn Kỳ Tân) với kết quả âm tính bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó tạo điều kiện để gia đình xuất bán 45 con heo thịt ra thị trường. Như vậy, tính đến ngày 20.6, huyện Phú Ninh đã tổ chức tiêu hủy 196 con heo với tổng trọng lượng 11.183kg.

Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, qua điều tra sơ bộ, dịch tả lợn châu Phi thường xảy ra ở những nơi nuôi heo chủ yếu là lấy thức ăn thừa từ các nhà trọ và Khu công nghiệp Tam Thăng, các nhà hàng tại TP.Tam Kỳ hoặc xung quanh có nhiều hộ đang kinh doanh giết mổ, hoặc vị trí chăn nuôi nằm gần điểm giao cắt giữa các tuyến đường giao thông lớn...

Theo đó, một trong những khó khăn trong công tác phòng chống dịch là hoạt động mua bán và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn huyện khó kiểm soát. Một số xã có đường quốc lộ 1, đường sắt Bắc Nam đi qua dẫn tới nguy cơ dễ lây lan mầm bệnh từ những vùng có dịch. Việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung xã Tam Dân chậm trễ cũng gây ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, quản lý giết mổ tại các xã Tam Dân, Tam Thái, Tam Đại, Tam Vinh…

Căng mình chống dịch

Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để tránh lây lan nhanh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ thú y các địa phương sẽ tăng tần suất tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi và các khu vực lân cận. Tại các xã đã xuất hiện dịch bệnh, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được thực hiện hàng ngày.

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã tiếp tục cấp phát 1.200 lít hóa chất, gồm 480 lít Benkocid và 720 lít Iodine cho các địa phương tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Ngoài ra, Phú Ninh còn áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, như: tăng cường kiểm soát nguồn gia súc tại các lò mổ, tránh tình trạng tiêu thụ thịt có mầm bệnh, lây lan cho những đàn gia súc khác, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ tác hại của dịch bệnh để chủ động có biện pháp phòng, chống...

Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh đề nghị Đội liên ngành tỉnh, các cơ quan cấp trên cần tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo trên quốc lộ 1 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện. Đồng thời đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ thú y cấp xã; điều chỉnh tăng mức hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ tiêu hủy vật nuôi…

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ thịt heo an toàn trong thời điểm này, ông Đạo cho biết, theo quy định tại Hướng dẫn số 3708 của Bộ NN&PTNT, trước khi xuất bán, giết mổ phải lấy mẫu xét nghiệm; kết quả âm tính mới được giết mổ. Nhưng thực tế, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 1 - 5 con trên địa bàn huyện khá nhiều. Trong khi đó, chi phí cho 1 mẫu xét nghiệm khoảng 600 nghìn đồng phải do chủ vật nuôi chi trả. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến người chăn nuôi và khi triển khai trên thực tế là không khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng tại Phú Ninh: Căng mình dập dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO