Hiệu quả từ cơ giới hóa trong sản xuất

THU SƯƠNG - MINH TÂN 25/02/2020 10:36

Những năm gần đây, nông nghiệp ở xã Bình Chánh, Thăng Bình, đã có bước chuyển đáng kể. Không chỉ xuất hiện những mô hình theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch mà người nông dân đã ứng dụng máy móc vào trong sản xuất. Nhờ đó, góp phần giảm thiểu công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nông dân xã Bình Chánh tiết kiệm thời gian, công lao động. Ảnh: M.T
Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nông dân xã Bình Chánh tiết kiệm thời gian, công lao động. Ảnh: M.T

Nhiều năm trước, mỗi khi gieo sạ vụ đông xuân, anh Đặng Văn Hương (ở thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh) lại thấp thỏm lo lắng. Bởi, những đợt mưa kéo dài có thể phũ bỏ công sức làm đất, gieo sạ gần cả tháng trời của gia đình anh. Những năm trở lại đây, vấn đề thời tiết không còn trở thành câu chuyện làm anh lo lắng, khi áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Anh Hương cho hay, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trên cánh đồng ở một đám lớn, không phải ban bờ, nhờ đó thời gian gieo sạ và thu hoạch vào cuối vụ ngắn hơn. “Trước kia, cánh đồng của nhà tôi thu hoạch nửa tháng, bây giờ chỉ cần 1 tuần. Còn gieo sạ thì máy lớn thực hiện chỉ trong một tuần trở lại nên không lo bị ngập úng, cây lúa phát triển tốt” - anh Hương nói.

Với thâm niên làm ruộng hàng chục năm, bây giờ, tưởng như tuổi cao, sức yếu, ông Hồ Văn Mai (ở thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh) không thể tiếp tục gắn bó với ruộng đồng. Nhưng không, cứ đến đúng lịch thời vụ, ông cùng bà con trong làng lại xuống giống gieo sạ. Sở dĩ công việc đồng áng trở nên dễ dàng đối với lão nông như ông Mai là bởi, làm ruộng bây giờ đã khác xưa rất nhiều. “Vụ lúa bây giờ, khâu làm đất thì dùng máy móc, dặm lúa dùng cuốc 3 răng chứ không lom khom như ngày xưa. Khi thu hoạch thì có máy liên hợp, dù lúa ngã cũng gặt được” - ông Mai chia sẻ.

Và để áp dụng được cơ giới hóa vào sản xuất, người dân không còn e dè với phong trào tích tụ tập trung ruộng đất. Ông Lê Đức Mật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh chia sẻ, thời gian đầu địa phương thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, việc vận động nhân dân rất khó khăn. Bởi, người dân sợ mất đất và một phần đã quen với kiểu sản xuất manh mún, truyền thống. Thế nhưng, khi triển khai thực hiện, chính những kết quả đạt được đã giúp nông dân ngày càng mặn mà hơn với tích tụ tập trung ruộng đất. Mà rõ nhất, từ phong trào này đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, người dân tiết kiệm được công lao động, giảm chi phí, giảm thiểu sự tác động của thời tiết. Đến nay, xã Bình Chánh đã hình thành cánh đồng tích tụ tập trung ruộng đất ở cánh đồng Muồng với diện tích 54ha, đang thực hiện tích tụ ruộng đất tổ 2, 3 thôn Ngũ Xã với diện tích 25ha.

Cũng theo ông Mật, ngoài việc vận động nhân dân thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, Hội Nông dân xã còn phối hợp với Ban Nông nghiệp xã tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất, cơ cấu giống, quản lý dịch hại cây trồng; thông báo về tình hình dự báo sâu, bệnh hại, biện pháp phòng trừ để bà con nông dân nắm bắt, phòng trừ hiệu quả. Ngoài ra, ở vụ hè thu 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Chánh đã làm cầu nối liên kết hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất giống sản xuất 40ha, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, giá trị kinh tế tăng 10% so với sản xuất lúa thương phẩm; triển khai dịch vụ phân bón NPK trả chậm đến hội viên nông dân...

Năm 2019, toàn xã Bình Chánh sản xuất 1.199ha lúa, năng suất đạt 57,7 tạ/ha, sản lượng 6.925 tấn. Đây là kết quả rất phấn khởi đối với nông dân địa phương. Hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Chánh một phần có được là nhờ hiệu quả từ cơ giới hóa trong sản xuất. Hình ảnh của chiếc máy cày mỗi khi mùa vụ bắt đầu hay máy gặt đập liên hợp vào dịp thu hoạch và cả âm thanh rộn ràng cả một vùng đồng đã không còn xa lạ đối với người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệu quả từ cơ giới hóa trong sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO