HTX Nông dược xanh Tiên Phước: Áp dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất

HOÀNG LIÊN 05/02/2020 11:27

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông dược xanh Tiên Phước nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ đầu tư máy móc, công nghệ, là điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác.

HTX Nông dược xanh Tiên Phước nỗ lực mua sắm, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
HTX Nông dược xanh Tiên Phước nỗ lực mua sắm, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cải tiến công nghệ

HTX Nông dược xanh Tiên Phước là một trong những điển hình về HTX kiểu mới, chú trọng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm tinh dầu từ các loại dược liệu bản địa như quế, sả và tạo nhiều dòng sản phẩm tinh dầu từ bưởi, cây mần trầu, hương nhu, nghệ, chanh… vốn có nhiều ở vùng quê Tiên Phước nói riêng và xứ Quảng nói chung.

Theo ông Võ Duy Ân, người trực tiếp quản lý khâu sản xuất của HTX, nhận thấy việc chiết xuất tinh dầu ở Quảng Nam còn thô sơ, lạc hậu, khó đáp ứng được năng lực cạnh tranh, ông và các thành viên HTX đã lặn lội ra tận miền Bắc để lựa chọn dây chuyền công nghệ chiết xuất tinh dầu và công nghệ này giúp HTX có thể tận thu được tinh dầu quế, sả, cho phép lấy tinh dầu ở các giai đoạn khác nhau để tạo ra được nhiều loại sản phẩm từ cao cấp tới bình dân. Tinh dầu cao cấp tạo ra nước hoa, tinh dầu cao cấp cung ứng cho chuỗi khách sạn, villa, các cơ sở massage, xông hơi trị liệu; tinh dầu tận thu tạo ra các loại nước lau sàn, nước xịt phòng tắm, nhà vệ sinh, nước rửa chén, nước tẩy trang, nước khử mùi…

“Từ máy móc, công nghệ nhập về, tôi bắt đầu nghiên cứu cách cải tiến lại bằng cách tra vào các bộ phận thu tinh dầu có thể lấy tinh dầu ở các giai đoạn theo ý đồ của mình, tùy theo mức độ đặc hay loãng của tinh dầu. Nhờ việc cải tiến sản xuất mà HTX vẫn sống được, sản phẩm bán ra nhiều” - ông Võ Duy Ân nói.

Bên cạnh đó, HTX đã bỏ hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chứa nước có dung tích 60m3 để làm mát hệ thống máy móc nấu tinh dầu, giúp làm mát máy, giúp cho công đoạn nấu tinh dầu được tiện lợi, xuyên suốt. HTX còn chủ động tạo “không gian xanh” với quầy trưng bày sản phẩm đẹp mắt, thân thiện trên diện tích 50m2 và phòng trưng bày nằm trên không gian của hồ chứa nước làm mát máy, tạo cảnh quan hài hòa.

Đa dạng sản phẩm

Chia sẻ về quy trình sản xuất tinh dầu, ông Ân cho hay, để cho ra một sản phẩm tinh dầu chất lượng cần trải qua một quy trình khép kín và bảo đảm vệ sinh. Lá quế, sả sau khi thu hoạch về đem phơi khô, dùng máy cắt và băm nhỏ lá quế, sả cho vào kho ủ trong vòng 1 tháng để lên men. Khi quá trình lên men kết thúc, tiến hành chưng cất để thu tinh dầu. Quá trình chưng cất được tiến hành bằng cách đun sôi nước và lá quế, sả hơi bay lên được dẫn qua ống dẫn và được làm lạnh bằng cách cho qua bồn nước để ngưng tụ tinh dầu. Dung dịch thu được có màu vàng là tinh dầu quế, có màu trắng là tinh dầu sả. Sau khi chưng cất xong thu được 1 lượng tinh dầu lẫn lộn cùng nước, để tách tinh dầu khỏi nước phải cho qua 1 bộ lọc, phân li để tách tinh dầu ra khỏi nước. Cuối cùng, khi lọc xong cho tinh dầu vào bồn chứa, sau đó chiết rót ra chai, lọ đã thiết kế sẵn có dán tem nhãn, truy xuất mã vạch.

Những năm qua, HTX đã nỗ lực nghiên cứu, chế tạo các dòng sản phẩm chính từ tinh dầu quế, sả cùng tinh dầu các loại dược liệu vốn có nhiều như nha đam, bồ kết, hương nhu, cây mần trầu, bạc hà, nghệ... với hơn 40 chủng loại sản phẩm. Để nâng cao năng suất, đa dạng sản phẩm hơn nữa, ông Ân còn chủ động mua sắm một số loại máy móc khác phục vụ sản xuất như hệ thống máy vận chuyển nguyên liệu gồm lá, cành quế đưa vào nồi nấu tinh dầu, hệ thống có thể giúp mở, đậy nắp nồi nấu nguyên liệu tinh dầu nhờ hệ thống ròng rọc.

“Khi chưa đầu tư cải tiến một số công đoạn nhỏ, tôi buộc phải thuê và trả lương cho 2 nhân công để làm những việc đơn giản đóng, đậy nắp nồi nấu nguyên liệu công suất lớn, đưa nguyên liệu vào nồi nấu mỗi ngày, vốn là các giai đoạn nặng nhọc” - ông Ân cho biết thêm.

Đề nghị đưa vào vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” gần 12.300ha

Đến nay, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã hoàn thiện đầy đủ bộ hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ theo đúng quy định và đã được Cục Sở hữu trí tuệ xét duyệt, ban hành Quyết định số 2465/QĐ-SHTT năm 2018 về việc sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00049 theo hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi CDĐL. Trong tổng số diện tích 12.494ha đất vùng nghiên cứu bổ sung, diện tích đất đề xuất thích hợp cho sâm Ngọc Linh và đề nghị đưa vào mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL là 9.435,44ha. Qua đó, đưa tổng diện tích đề nghị bảo hộ lên 12.291ha trên khu vực 7 xã thuộc huyện Nam Trà My. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cũng đề xuất diện tích ưu tiên phát triển trồng sâm là 5.325,35ha, chiếm 42,63% diện tích vùng trồng sâm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, diện tích phát triển chuyển tiếp là 5.092,74ha, chiếm 40,76%; diện tích phát triển di thực là 1.661,04ha, chiếm 13,29%; diện tích phát triển tạo vùng đệm là 414,87ha, chiếm 3,32%. (TRIÊU NHAN)

VNPT tham gia triển khai xây dựng chính quyền điện tử cho 53/61 tỉnh/thành phố

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Quảng Nam bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia do VNPT xây dựng. Theo đó, Tập đoàn VNPT đã hợp tác với 53 tỉnh, thành phố triển khai chính quyền điện tử. Ngoài ra, VNPT cho biết, đơn vị còn cung cấp nhiều dịch vụ quản lý giáo dục; xúc tiến hợp tác, tư vấn triển khai đô thị thông minh cho khoảng 28 tỉnh/thành phố, trong đó có 21 tỉnh, thành phố đã có đề án triển khai tổng thể, chưa kể các dự án trong lĩnh vực giao thông thông minh, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh... Sản phẩm “Hệ thống báo cáo quốc gia” thực hiện theo Nghị định 09 của Chính phủ năm 2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước được Văn phòng Chính phủ tin tưởng giao cho VNPT xây dựng đã triển khai xong tại Văn phòng Chính phủ. Hệ thống phần mềm báo cáo đã triển khai thông suốt từ huyện tới xã, trung ương. VNPT sẵn sàng triển khai các dịch vụ mà Quảng Nam chưa thực hiện như: nền tảng tích hợp dữ liệu LGSP, trung tâm điều hành thông minh IOC, hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp... (B.LIÊN)

Phê duyệt 5 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2020

Ngày 3.2, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 306/QĐ-UBND phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2020 (đợt 1) gồm 5 nhiệm vụ. Cụ thể: nghiên cứu đa dạng sinh học và các hệ sinh thái điển hình, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng hợp lý lưu vực hồ Sông Đầm (TP.Tam Kỳ); nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học khu hệ thực vật tỉnh Quảng Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng sâm và ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, quảng bá và thương mại hóa chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh; nghiên cứu ứng dụng Chatbot trong Cổng dịch vụ Hành chính công và Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; đánh giá chất lượng đất và xây dựng bản đồ nông hóa trên vùng đất lúa kém hiệu quả nhằm phục vụ cho việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng tư vấn giao trực tiếp hoặc tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; phối hợp với Sở Tài chính thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh bố trí trong kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2020 để thực hiện; tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đúng quy định hiện hành.  (CHÂU NỮ)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
HTX Nông dược xanh Tiên Phước: Áp dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO