Khẩn cấp ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò

NGUYỄN SỰ 28/05/2021 05:21

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về thực hiện cấp bách những biện pháp phòng chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò, do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua 27.5. Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và đại diện các ngành liên quan.

Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn kiểm tra những con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở xã Quế Trung. Ảnh: VĂN SỰ
Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn kiểm tra những con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở xã Quế Trung. Ảnh: VĂN SỰ

Dịch lây lan mạnh

Tính đến đầu năm 2021, tổng đàn trâu bò của Quảng Nam là 231.644 con (59.316 con trâu, 172.328 con bò), chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ (chiếm 99,04%). Toàn tỉnh mới chỉ có 35 trang trại nuôi trâu, bò với số lượng vừa và lớn (chiếm 0,96%).

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, tại Quảng Nam ổ dịch VDNC trên trâu bò xuất hiện đầu tiên ở xã Điện Phước (Điện Bàn) vào ngày 5.3.2021.

Đến nay bệnh VDNC đã phát sinh, lây lan ra 99 xã, phường, thị trấn của 13/18 huyện, thị xã, thành phố (trừ 5 huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang). Hơn 2 tháng qua bệnh VDNC làm 1.005 con bò của 773 hộ chăn nuôi ở 264 thôn bị mắc bệnh, trong đó có 65 con bò (trọng lượng 9.284kg) bị chết, phải tiêu hủy bắt buộc.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, nguy cơ dịch bệnh VDNC ở trâu, bò phát sinh và lây lan ra diện rộng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, việc chăm sóc và nuôi dưỡng không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh, phần lớn người chăn nuôi chưa chủ động diệt côn trùng - yếu tố trung gian chính lây truyền bệnh.

Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là bê, bò, trong đó việc cách ly đối với bê mắc bệnh gặp khó khăn do đang còn giai đoạn bú sữa mẹ. Hầu hết địa phương trong tỉnh chưa quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi trên địa bàn theo đúng quy định; công tác kiểm dịch vận chuyển động vật còn nhiều bất cập; hầu hết đàn trâu bò của tỉnh chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC…

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, bệnh VDNC trên trâu bò bùng phát ở Việt Nam vào tháng 10.2020. Đến ngày 25.5.2021, loại bệnh này đã xảy ra tại 2.306 xã của 32 tỉnh, thành phố với tổng số 60.176 con gia súc mắc bệnh và 9.539 con gia súc chết, phải tiêu hủy bắt buộc. Hiện nay, cả nước có 1.419 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 201 địa phương cấp huyện của 27 tỉnh, thành phố.

“Thời gian tới nguy cơ dịch bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng là rất cao. Sở dĩ chúng tôi nhận định như vậy vì thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng... phát triển.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; chưa thực hiện nghiêm việc công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; chưa có kế hoạch, chưa bố trí kinh phí phòng chống dịch, đặc biệt là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng bệnh VDNC; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin VDNC thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vắc xin mới có đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả” - ông Nguyễn Văn Long nói.

Quyết liệt ngăn chặn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay, ngay sau khi phát hiện vi rút gây bệnh VDNC trên trâu bò xâm nhiễm vào địa bàn Quảng Nam, các cấp, ngành của tỉnh nỗ lực triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng chống.

Khi có ổ dịch phát sinh, ngân sách tỉnh đã cấp mua 15.000 liều vắc xin Lumpyvac để phân bổ cho các địa phương tiêm phòng khẩn cấp trên đàn trâu bò. Khi dịch có chiều hướng lây lan, tỉnh đã cấp kinh phí cho ngân sách cấp huyện để chủ động mua vắc xin tiêm phòng trên địa bàn quản lý.

Tỉnh cũng đã sử dụng nguồn dự trữ cấp cho các địa phương 1.417 lít hóa chất để xử lý ổ dịch khi mới phát sinh; đồng thời phê duyệt kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để mua 2.500 lít hóa chất diệt côn trùng.

Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT.

Hiện nay, số lượng hóa chất đang bảo quản tại kho của Chi cục Chăn nuôi & thú y tỉnh là 12.841 lít (trong đó có 10.000 lít do Trung ương hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia) để thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Tỉnh còn in và cấp phát đến hộ chăn nuôi trâu bò ở các địa phương đang có dịch và vùng nguy cơ cao hơn 30.000 tờ rơi hướng dẫn những biện pháp phòng chống bệnh VDNC...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương, đơn vị cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp phòng chống dịch bệnh VDNC trên trâu bò.

Theo đó, cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng chống dịch như mua vắc xin tiêm phòng (bảo đảm tỷ lệ đạt tối thiểu 80% số gia súc thuộc diện tiêm), mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng... tại các địa phương đang có dịch và những vùng có nguy cơ cao.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch. Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu bò, sản phẩm từ trâu bò; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu bò và sản phẩm từ trâu bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Thú y hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh VDNC; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin để tiêm phòng khẩn cấp chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn cấp ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO