Lan tỏa gương nông dân giỏi

HOÀNG LIÊN 25/08/2020 13:47

Trên đất Núi Thành, từ sự nỗ lực, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương kết hợp với nuôi cá bớp, cá chang cu, cá kình của bà Trần Thị Nhung, xã Tam Hải cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: H.L
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương kết hợp với nuôi cá bớp, cá chang cu, cá kình của bà Trần Thị Nhung, xã Tam Hải cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: H.L

Hàng chục năm trước, ông Lê Minh Khuê (thôn An Khuông, nay là thôn Vĩnh An Bắc, xã Tam Xuân 2) đã nỗ lực đắp đê bao, cải tạo và hình thành vùng nuôi tôm và các loại cá nước lợ. Trên 5ha mặt nước ven sông, ông Khuê mở các cửa ao để nguồn nước lưu thông thường xuyên, cho ao nuôi sạch và trong, để các loại tôm bạc, tôm thẻ chân trắng, tôm sú sông và cua tự nhiên vào vùng ao, đầm sinh đẻ, phát triển, giúp tận dụng con giống tự nhiên sạch bệnh tại chỗ, có sức đề kháng tốt.

Ông còn thả thêm một ít con giống tôm, cua vào các ao riêng để đa dạng nguồn thu. Tôm, cua tự nhiên được gia đình ông dưỡng nuôi và khai thác chọn lọc, chỉ thu hoạch tôm lớn với trọng lượng từ 20 - 50 con/kg và thả về môi trường nếu chưa đạt. Cua biển, cua nước lợ được khai thác quanh năm cho thu nhập đều và chỉ tập trung khai thác ở vụ chính có giá cao.

“Tôi nhận thấy mô hình nuôi thâm canh như trước tuy hiệu quả cao, song ao nuôi dễ xảy ra dịch bệnh khiến tôm mắc bệnh chết hàng loạt, chưa kể hóa chất tồn dư trong con tôm cũng lớn. Tôi muốn biến 5ha này trở thành vùng nuôi an toàn, sạch bệnh nên chọn hình thức nuôi quảng canh” - ông Khuê chia sẻ.

Được biết, chục năm về trước, ông Khuê từng là gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương. Nay ở tuổi đã 63, ông Khuê vẫn duy trì mô hình làm kinh tế giỏi với doanh thu ổn định.

Mô hình nuôi tôm, cua quảng canh theo hướng sinh thái của ông Lê Minh Khuê, xã Tam Xuân 2. Ảnh: H.L
Mô hình nuôi tôm, cua quảng canh theo hướng sinh thái của ông Lê Minh Khuê, xã Tam Xuân 2. Ảnh: H.L

Núi Thành còn rất nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình. Đó là, hộ ông Phạm Quang Vũ (thôn An Long, Tam Nghĩa) với mô hình trồng rừng (80ha), trồng cây ăn quả kết hợp dịch vụ vận tải, chăn nuôi cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm. Là chủ cơ sở chế biến nước mắm và nhà máy nước đá, ông Nguyễn Văn Ngãi (thôn Diêm Điền, Tam Tiến) có lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 15 lao động. Hay như ông Lê Văn Việt (thôn Trung Lương, Tam Mỹ Tây) là một chủ hộ trồng rừng kết hợp kinh doanh dịch vụ vận tải cho thu nhập 600 - 800 triệu đồng/năm. Ông Việt còn trồng 30ha rừng keo lá tràm, góp phần tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng...

Theo ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Núi Thành có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, phổ biến ở các lĩnh vực, ngành nghề như: đánh bắt xa bờ; sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi an toàn; kinh tế vườn rừng, vườn nhà. Một số mô hình kinh tế mới xuất hiện như trồng nấm linh chi, cây dược liệu, trồng rau an toàn, hồ tiêu, nuôi gà Đông Tảo... cho thu nhập tốt. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, rất nhiều lượt nông dân được hỗ trợ vay vốn với tổng dư nợ hàng trăm tỷ đồng, tạo đà cho nông dân mở rộng sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Toàn huyện thành lập mới 6 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Huyện hội còn tích cực phối hợp với các đơn vị hỗ trợ nông dân mua 175 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Minh, giai đoạn 2014 - 2019, toàn huyện có 7.731 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; trong đó cấp trung ương là 7 hộ, cấp tỉnh 230 hộ. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Núi Thành xây dựng được 2 câu lạc bộ chăn nuôi tại xã Tam Hiệp và Tam Giang với 45 thành viên. Không chỉ làm kinh tế giỏi, nhiều nông dân còn giúp ích cho cộng đồng, xã hội, giúp đỡ hội viên nông dân thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lan tỏa gương nông dân giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO