Liên kết sản xuất vì những vụ mùa thắng lợi

DUY BÌNH 25/05/2020 14:02

Những năm qua huyện Duy Xuyên tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tích cực hỗ trợ cơ giới hóa và đặc biệt là đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp người nông dân ổn định đầu ra nông sản cũng như nâng cao được thu nhập.

Ngoài cây ớt, trong hai năm qua người dân ở Duy Châu được hỗ trợ khôi phục diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Ảnh: DUY BÌNH
Ngoài cây ớt, trong hai năm qua người dân ở Duy Châu được hỗ trợ khôi phục diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Ảnh: DUY BÌNH

Cánh đồng ớt tại thôn Thanh Châu, xã Duy Châu với diện tích khoảng 15ha được thực hiện theo mô hình liên kết sản xuất. Ông Ngô Đình Nam - nông dân địa phương này cho biết, những năm trước bà con đầu tư cây ớt nhưng giá cả bấp bênh, tư thương ép giá. Từ năm 2019 đến nay, nhiều hộ tham gia theo chuỗi liên kết nên đầu ra được đảm bảo ổn định, nhờ vậy bà con nông dân thôn Thanh Châu yên tâm sản xuất, tích cực chăm sóc nên năng suất không dưới 1,6 tấn quả tươi/sào. Nếu bán cho đơn vị liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH Thương mại & Xuất nhập khẩu Việt thì tổng giá trị đạt ít nhất 7,5 triệu đồng/sào.

Ông Ngô Đình Nam nói: “Cây ớt cho năng suất rất cao nhờ trồng theo hướng chuyên canh tập trung trên một cánh đồng lớn. Thứ hai, khi tham gia liên kết sản xuất, nông dân được Nhà nước đầu tư cây giống chất lượng, hỗ trợ phân bón, điện chiếu sáng và phun tưới… Về đầu ra, chúng tôi đã ký cam kết với công ty thu mua theo giá cao hoặc bằng với thị trường”.

Ngoài cây ớt, trong hai năm qua người dân ở Duy Châu còn được hỗ trợ nhiều mặt để khôi phục diện tích trồng dâu, tăng quy mô nuôi tằm trong từng hộ gia đình. Hiện HTX trồng dâu nuôi tằm Lệ Bắc đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã tìm lại được vị trí và giá trị của mình. Được UBND xã giao diện tích đất 5%, HTX Lệ Bắc với 28 hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hệ thống điện, hệ thống vòi tưới tự động để bà con thuận lợi trong khâu chăm sóc. Một thuận lợi mang tính nền tảng đó là HTX ký kết hợp đồng với Công ty Hoàng Mai - Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, HTX thu được hơn 1,6 tấn kén. Lượng kén được công ty tiêu thụ với giá rất cao, tạo sự khích lệ cho nông dân địa phương đang khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. HTX đã mở rộng diện tích trồng dâu hơn 16ha ở thôn Lệ Bắc.

Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Lệ Bắc chia sẻ: “Sản xuất theo chuỗi giá trị này rất có hiệu quả, HTX được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Các công ty liên kết thì uy tín, đầu tư cho bà con một cách căn cơ, khoa học. Nhờ vậy nông dân yên tâm sản xuất khi tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị này”.

Các mô hình liên kết sản xuất đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng, cho ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đây là cơ sở để huyện Duy Xuyên tiếp tục liên kết cùng doanh nghiệp mở rộng diện tích tại những vùng trọng điểm sản xuất nông sản. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

“Hiện các công ty liên kết trồng dâu nuôi tằm như Hoàng Mai, Thần Kỳ, An Phú bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho nông dân của huyện. Với Công ty Việt Thắng thì ký kết hợp đồng sản xuất 30ha ớt tại xã Duy Châu, Duy Tân và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nhờ vậy, tạo điều kiện cho bà con nông dân tăng thu nhập. Toàn huyện Duy Xuyên đã xây dựng được 24 chuỗi giá trị. Theo đó, Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên đã chi hỗ trợ các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo Quyết định 4129/QĐ-UBND của UBND tỉnh với nguồn vốn đầu tư 8 tỷ đồng để bà con phát triển sản xuất” - ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết sản xuất vì những vụ mùa thắng lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO