Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp: Cần doanh nghiệp đầu tàu

TRUNG LỘ 18/05/2020 15:23

Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững, ngành nông nghiệp Quảng Nam đang định hướng các địa phương tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò chủ đạo của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Lệ Bắc liên kết với Công ty Thương mại Việt Thắng tổ chức cho nông dân xã Duy Châu sản xuất ớt theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ảnh: T.L
HTX Nông nghiệp Lệ Bắc liên kết với Công ty Thương mại Việt Thắng tổ chức cho nông dân xã Duy Châu sản xuất ớt theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ảnh: T.L

Hình thành chuỗi giá trị

Trên các cánh đồng sản xuất nông nghiệp của huyện Duy Xuyên vài năm trở lại đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như dưa chuột, ớt, bí đỏ phục vụ cho xuất khẩu... mang lại giá trị kinh tế cao. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm trước đây đã được thay thế bằng sản xuất quy mô lớn để tạo vùng nguyên liệu tập trung, chú trọng đến chất lượng, giá trị gia tăng, bước đầu đảm bảo ổn định đầu ra cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, hình thành mô hình liên kết giữa DN với nông dân thông qua các HTX không chỉ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao mà còn xây dựng được chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ an toàn và bền vững. Điều quan trọng nhất là giải bài toán “được mùa, mất giá”.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều HTX ở Quảng Nam gặp khó khăn trong sản xuất. Tuy nhiên, nhờ liên kết sản xuất với DN theo phương thức bao tiêu sản phẩm, HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu - Duy Xuyên) luôn giữ được ổn định. Ngay từ năm 2017, HTX tiến hành ký kết với Công ty Thương mại Việt Thắng sản xuất ớt, dưa chuột trên các cánh đồng hoa màu tại địa phương. Riêng vụ sản xuất ớt năm nay, HTX đã liên kết với Công ty Thương mại Việt Thắng tổ chức cho nông dân xã Duy Châu sản xuất 35ha theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Ông Trần Hai (thôn Lệ Bắc) cho biết, gia đình đang thu hoạch ớt bán cho công ty với mức giá bình quân 5 nghìn đồng/kg, dự tính vụ này sẽ thu về ít nhất 16 triệu đồng từ 2 sào ớt, trừ chi phí sẽ lãi ròng 10 triệu đồng. Liên kết sản xuất với DN thông qua HTX có nhiều thuận lợi, nhất là không phải lo chuyện đầu ra sản phẩm.

Gần đây, nhiều địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc... cũng tổ chức nhiều mô hình liên kết theo các chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Trong mô hình này, DN đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả vai trò đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Điển hình như Công ty Giống Thái Bình liên kết với các HTX nông nghiệp ở huyện Đại Lộc sản xuất trên diện tích tập trung hơn 100ha lúa giống BC15;  Công ty Thương mại Việt Thắng liên kết với các HTX ở huyện Duy Xuyên sản xuất dưa leo Nhật Bản, bí đỏ, ớt trên diện tích khoảng 50ha để xuất khẩu sang Nhật...

Hay mới đây, Liên minh HTX tỉnh hợp tác với Tổ chức Agriterra (Hà Lan) xây dựng và phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa tại 4 HTX gồm HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc), HTX Hiệp Thuận (Hiệp Đức), HTX Điện Quang (Điện Bàn), HTX Nông nghiệp Duy  Sơn (Duy Xuyên) tập trung phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, gắn liên kết với DN theo chuỗi giá trị.

Tín hiệu khả quan

Theo ông Lê Muộn (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), hình thành chuỗi giá trị có ý nghĩa to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa còn hướng tới xuất khẩu, do đó nông dân hoặc HTX nhỏ lẻ khó có thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu mà phải liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX, và sau đó liên kết, kết nối với các DN lớn thì mới có thể đủ năng lực đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Với việc đầu tư sâu vào ngành nông nghiệp như Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố quan trọng để dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập. Là một “ông lớn” trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô, khi đầu tư vào nông nghiệp, Thaco đang triển khai chiến lược cơ giới hóa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến và phân phối. Thaco đang xúc tiến triển khai xây dựng khu công nghiệp nông lâm nghiệp rộng 450ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng hơn 8.000 tỷ đồng.

Thaco cũng thành lập Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi chuyên sản xuất, chế biến nông, lâm nghiệp, trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị từ nghiên cứu - sản xuất cây ăn quả, trồng trọt - sản xuất chế biến - phân phối.

Thadi đang sở hữu tổng diện tích đất 29.600ha trồng cây ăn trái và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt. Mới đây, Thadi đã ký kết hợp đồng chiến lược liên doanh với Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Theo đó, Thadi sẽ nắm 35% vốn HVG, rót 65% vốn trong liên doanh với HVG trong mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trị giá đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch HĐQT Thadi: “Mục tiêu Thadi đang hướng đến là tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, nhân rộng mô hình trồng trọt quy mô lớn đến tiêu thụ sản phẩm thông qua xuất khẩu. Thadi sẽ phấn đấu trở thành DN đầu mối, dẫn dắt thị trường. Tương lai sẽ có nhiều DN, nông dân cùng liên kết với Thadi xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và phân phối ra thị trường quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp: Cần doanh nghiệp đầu tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO