Nông nghiệp Phú Ninh vượt khó

VINH ANH 22/12/2020 04:36

Đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng nhờ sự vào cuộc đồng bộ nên kết quả sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên địa bàn huyện Phú Ninh năm 2020 vẫn cơ bản đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Lực lượng chức năng huyện Phú Ninh phun tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: HẢI CHÂU
Lực lượng chức năng huyện Phú Ninh phun tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: HẢI CHÂU

Hoàn thành chỉ tiêu

Theo kế hoạch gieo sạ trong vụ đông xuân 2020 - 2021 của Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, thời gian gieo sạ diễn ra từ ngày 30.12.2020 - 10.1.2021. Dự kiến, thời gian thu hoạch vụ đông xuân hoàn thành trước ngày 5.5.2021. Huyện chủ trương không sử dụng giống dài ngày (hơn 115 ngày) để gieo sạ...

Chia sẻ về những khó khăn trong SXNN năm 2020, ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, đầu vụ đông xuân 2019 - 2020, do ảnh hưởng các đợt không khí lạnh gây mưa vừa, mưa to khiến nhiều diện tích phải sản xuất chậm hơn so với lịch thời vụ.

Cuối vụ đông xuân 2019 - 2020 và trong suốt vụ hè thu 2020 thời tiết nắng nóng kéo dài, nước tưới phục vụ sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng khiến nhiều diện tích sản xuất lúa và bắp hè thu bị giảm 30 - 70% năng suất và bị mất trắng do hạn hán.

Đặc biệt, từ tháng 10.2020, tình hình bão lũ dồn dập gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông lâm nghiệp, nhất là cơn bão số 9. Nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng; hạ tầng phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bờ thửa, đất sản xuất bị xói lở, rửa trôi; cây lâm nghiệp bị gãy đổ...

Trước những khó khăn trên, ngành nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn của Phú Ninh đã chủ động ứng phó, triển khai nhiều giải pháp cấp thiết khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất... Cùng với sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành, hội đoàn thể trong chỉ đạo và tuyên truyền vận động nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, nông dân đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phục hồi sản xuất nên kết quả SXNN trên địa bàn huyện cơ bản vẫn đạt được các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Tổng giá trị nông - lâm - ngư nghiệp năm 2020 (giá hiện hành) đạt hơn 1.109,5 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); trong đó sản lượng lương thực ước đạt 43.901 tấn (đạt 97,06% kế hoạch). Đến cuối năm, toàn huyện có khoảng 11.000 con trâu, 14.000 con bò cùng 17.500 con heo và khoảng 1 triệu con gia cầm.

Trong năm, huyện tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với gần 750ha lúa giống hàng hóa, cung ứng ra thị trường hơn 4.500 tấn giống lúa hàng hóa các loại. Đồng thời triển khai mô hình các cánh đồng thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm với hơn 1.300ha (đạt 100% kế hoạch)…

Tính cho năm 2021

Xã Tam Lãnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và mưa lũ đối với SXNN năm 2020. Ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, từ tháng 6 đến tháng 8.2020, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ hè thu trên địa bàn xã. Qua thống kê toàn xã có 52ha lúa bị mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão số 9, toàn xã có 2.220ha rừng trồng bị thiệt hại ước tính hơn 75 tỷ đồng.

“Hạn hán và mưa lũ gây thiệt hại nặng cho SXNN và đời sống nhân dân. Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên hỗ trợ để nhân dân sớm khôi phục sản xuất. Trước mắt xã chỉ đạo, triển khai sản xuất vụ đông xuân đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống; hỗ trợ và vận động nhân dân sản xuất trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con giống có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm để phục vụ nhu cầu trước mắt và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới” - ông Tuấn chia sẻ.

Năm 2021, Phú Ninh phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư đạt 1.150,7 tỷ đồng (giá thực tế), tăng hơn 3,73% so với năm 2020. Trong đó giá trị trồng trọt và lâm nghiệp đạt 342,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 42,3%); chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đạt 466,6 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 57,7%). Huyện phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác cây hằng năm là 72,2 triệu đồng/ha/năm.

Để thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, giải pháp được huyện Phú Ninh vạch ra và xây dựng kế hoạch thực hiện là, tập trung chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng kỹ thuật gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch SXNN được duyệt, quy hoạch những cánh đồng sản xuất theo mô hình có thu nhập cao, sản xuất công nghệ cao an toàn; chủ động chuyển đổi một số diện tích đất lúa không chủ động nước, thiếu nước sang cây trồng cạn. Nâng cao chất lượng, giá trị đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh chăn nuôi bò lai, gà thịt, gà lấy trứng, xem đây là hướng để nâng cao giá trị chăn nuôi; khuyến khích chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông nghiệp Phú Ninh vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO