Nông nghiệp thông minh

HOÀNG LIÊN 07/10/2020 21:17

Tại các xã Đại Minh, Đại Tân (Đại Lộc), mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) triển khai trên cây lúa và cây màu do Dự án WB7 hỗ trợ bước đầu cho kết quả khả quan.

Mô hình CSA trên cây trồng cạn ở xã Đại Tân bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: T.N
Mô hình CSA trên cây trồng cạn ở xã Đại Tân bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: T.N

Vào vụ hè thu, nhiều diện tích trồng lúa tại thôn Mỹ Nam (xã Đại Tân) do nằm cuối kênh thủy lợi nên không thể lấy đủ nước tưới, dẫn đến năng suất, sản lượng bấp bênh. Đầu năm 2020, từ sự hỗ trợ của Hợp phần 3, Dự án WB7 (do Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư), nhiều hộ dân canh tác vùng “treo” nước đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây bắp lai, áp dụng phương thức canh tác CSA.

Với sự hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc, mô hình cây bắp lai CSA đã giúp người dân địa phương khắc phục được hai yếu tố là ít sử dụng nước tưới và phân bón. Người dân tham gia mô hình được dự án hỗ trợ 100% giống bắp lai, được hỗ trợ máy làm đất, dụng cụ rọc hàng, phân bón phục vụ sản xuất.

Theo bà Phạm Thị Bảy (xã Đại Tân): “Chúng tôi được cán bộ kỹ thuật tập huấn rất kỹ, từ cách thức gieo trồng cho tới bón phân phù hợp, cây bắp phát triển tốt, ít sâu bệnh. Bà con còn được tập huấn cách tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh từ phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu”.

Ông Huỳnh Bốn, người dân vùng dự án chia sẻ: “Những ruộng bắp của tôi nhờ áp dụng CSA cho hiệu quả rõ rệt, cây phát triển nhanh, khỏe mạnh, mập mạp, năng suất cao. Bình quân mỗi héc ta bắp trồng theo mô hình CSA cho năng suất 7 tấn, cao hơn nhiều so với các canh tác thông thường và cao gấp nhiều lần so với cây lúa”.

Vụ hè thu 2018, được sự hỗ trợ của dự án WB7, mô hình cánh đồng lớn luân canh cây lúa - cây màu triển khai trên diện tích 53ha, tại thôn Phú Mỹ, thu hút 250 hộ tham gia. HTX đã mua 24 công cụ sạ hỗ trợ nông dân và cung ứng 255 ống đo mực nước trên ruộng để cấp phát cho dân theo dõi mực nước trên ruộng. HTX còn cung ứng hơn 18,4 tấn vật tư các loại cho người dân, hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Thái Bình sản xuất giống lúa HT1 nguyên chủng để sản xuất hạt giống xác nhận cho công ty. Dự án cũng hỗ trợ hơn 100 hộ dân thôn Phước Bình triển khai trồng đậu xanh, bắp lai trên đất lúa chuyển đổi theo mô hình CSA.

Vụ hè thu 2019, dự án WB7 tiếp tục hỗ trợ triển khai mô hình CSA tại Đại Minh với diện tích 53ha lúa và 30ha cây màu. Vụ hè thu 2020, mô hình CSA trong canh tác cây lúa với diện tích 50ha tại thôn Tây Gia và mô hình CSA chuyên canh cây màu với 30ha được triển khai tại thôn Lâm Yên. Dự án hỗ trợ hơn 200 triệu đồng kinh phí triển khai mô hình, gồm giống lúa, đậu xanh, phân bón, dụng cụ sạ hàng, công cụ gieo hạt...

Theo ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh, mô hình CSA trên cây lúa và cây trồng cạn đem lại thu nhập cao cho người dân, năng suất, hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ rệt. Về mặt xã hội mô hình đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nông dân về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây lúa, cây màu phù hợp với biến đổi khí hậu, việc áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ đã tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm thiểu tình trạng phun thuốc phòng trừ dịch hại trên đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông nghiệp thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO