Phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Phải vào cuộc quyết liệt

VĂN SỰ 14/10/2019 17:16

Chiều qua 10.10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT có chuyến kiểm tra thực tế tại thị xã Điện Bàn và làm việc với lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh cuộc làm việc chiều qua 10.10. Ảnh: VĂN SỰ
Quang cảnh cuộc làm việc chiều qua 10.10. Ảnh: VĂN SỰ

Thiệt hại nặng

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại Quảng Nam vào ngày 14.5.2019. Gần 5 tháng qua, đã có 133.393 con heo của 31.203 hộ dân ở 16/18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh (trừ 2 huyện Đông Giang và Tây Giang) bị mắc bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 7.828 tấn heo hơi. Trong số heo bị tiêu hủy vừa nêu, có 43.613 con heo nái và heo đực giống, chiếm tỷ lệ 63,45% tổng đàn heo nái và đực giống đang khai thác trên toàn tỉnh. Từ thực tế đó, nguy cơ thiếu nguồn cung heo con giống trong thời gian tới là rất cao.

“Theo ước tính sơ bộ ban đầu, ngân sách tỉnh phải chi cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi là hơn 231,4 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ cho chủ vật nuôi có heo bị tiêu hủy bắt buộc gần 226 tỷ đồng, hơn 4 tỷ đồng mua hóa chất hỗ trợ chính quyền các địa phương thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng và 1,5 tỷ đồng phục vụ các hoạt động khác” - ông Nguyễn Thành Nam nói.

Lỗ hổng phòng chống dịch

Ông Nguyễn Thành Nam nhìn nhận, mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thực tế cho thấy công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Quảng Nam trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ khá nhiều bất cập. Theo đó, chính quyền các địa phương thiếu kiểm tra, giám sát trong công tác phòng chống dịch, để người dân vứt xác heo chết trên các tuyến kênh, sông suối mà không kịp thời xử lý, gây không ít khó khăn cho khâu tiêu hủy, xử lý môi trường và ngăn chặn mầm bệnh lây lan. Nhiều nơi để người dân tự tiêu hủy hoặc thuê nhân công tiêu hủy heo bệnh không đảm bảo quy trình do ngành chuyên môn hướng dẫn.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, nhiều địa phương thiếu cán bộ chuyên môn cấp huyện để kiểm tra, hướng dẫn xử lý heo mắc bệnh tại hộ chăn nuôi. Chẳng hạn như, tại Thăng Bình, vào thời điểm “đỉnh cao” của dịch (từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8.2019) bình quân mỗi ngày ở 22 xã, thị trấn của huyện có ít nhất 600 hộ dân có heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy khẩn cấp, trong khi đó số cán bộ chuyên môn của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình chỉ có 8 người nên không đủ lực lượng để đi đến các hộ dân kiểm tra, xác định heo mắc bệnh và lập hồ sơ tiêu hủy. Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển heo trái phép từ những tỉnh có dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn Quảng Nam giết mổ còn khá nhiều.

Cần tích cực vào cuộc

Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian đến nhiều khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục phát sinh tại các địa phương chưa xảy ra dịch và những nơi có dịch đã qua 30 ngày hoặc mầm bệnh tiếp tục xâm nhập vào những cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn. Bởi hiện vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan của cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Trong khi đó, hầu hết cán bộ kỹ thuật cấp huyện còn yếu về năng lực và không tự trang bị bảo hộ tối thiểu để phòng tránh việc “vận chuyển” vi rút gây bệnh trong quá trình kiểm tra, hướng dẫn chống dịch...

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y Trung ương, do hiện nay vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi nên thời gian tới Quảng Nam cần duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế nguy cơ mầm bệnh phát tán.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, muốn công tác phòng chống dịch mang lại hiệu quả, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn. Quảng Nam cần nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ cán bộ thú y ở cơ sở, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. “Về lâu dài, Quảng Nam cần giảm dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ và thực hiện việc quy hoạch, xây dựng những khu chăn nuôi heo theo phương thức tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra” - ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Phải vào cuộc quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO