Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Cần kiểm soát tốt việc vận chuyển gia súc

NGUYỄN SỰ 20/06/2019 14:48

Chiều qua 18.6, ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương có cuộc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo các ngành liên quan về công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn Quảng Nam. Trước đó, vào buổi sáng, ông Cao Đức Phát cùng đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương có chuyến kiểm tra việc phòng chống dịch tại xã Bình Phục (Thăng Bình).

Cần thường xuyên thực hiện khâu phun tiêu độc, khử trùng để hạn chế mầm bệnh phát tán. Ảnh: N.S
Cần thường xuyên thực hiện khâu phun tiêu độc, khử trùng để hạn chế mầm bệnh phát tán. Ảnh: N.S

Lượng heo tiêu hủy liên tục tăng

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, ông Lê Thông – Chủ tịch UBND xã Bình Phục (Thăng Bình) cho biết, ổ bệnh dịch tả heo châu Phi đầu tiên bùng phát tại địa phương vào ngày 27.5. Mặc dù chính quyền địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cấp bách nhưng thời gian qua vi rút gây bệnh vẫn lây lan mạnh và hiện nay cả 4 thôn của xã gồm Ngọc Sơn Đông, Ngọc Sơn Tây, Tất Viên, Bình Hiệp đều bị loại dịch này gây hại. “Trong 20 ngày qua, số heo bị nhiễm dịch phải tiêu hủy bắt buộc ở Bình Phục liên tục tăng lên, đến nay tại 4 thôn vừa nêu đã có 170 con heo của 120 hộ chăn nuôi bị tiêu hủy. Hiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chững lại” – ông Thông nói.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, từ ổ dịch đầu tiên xảy ra tại 1 hộ dân ở thôn Tây Sơn Đông (Duy Hải, Duy Xuyên) vào ngày 14.5, hơn 1 tháng qua dịch tả heo châu Phi đã lây lan từ vùng biển đến đồng bằng rồi tới khu vực miền núi. Đến nay dịch đã xuất hiện tại 948 hộ chăn nuôi ở 173 thôn, khối phố của 77 xã, phường thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Hiệp Đức, Nam Giang, Bắc Trà My, Tiên Phước, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Nam Trà My, Quế Sơn, Núi Thành, Nông Sơn, Điện Bàn, Tam Kỳ. “Tại những địa phương trên đã có 3.782 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 186,8 tấn heo hơi. Tính đến thời điểm này, tổng thiệt hại do dịch bệnh gây ra là hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi là hơn 7,1 tỷ đồng, số tiền mua hóa chất cấp cho các địa phương phun tiêu độc khử trùng hơn 4 tỷ đồng...” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, thời gian qua mặc dù các ngành, các cấp của huyện đã tích cực triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi nhưng hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn rất khó kiểm soát bởi hầu hết các hộ chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Việc tổ chức thực hiện khâu vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất chưa đạt hiệu quả do người chăn nuôi chưa vệ sinh sạch sẽ trước khi phun thuốc nên không đảm bảo tiêu diệt mầm bệnh.

Ngoài những tồn tại nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng nhìn nhận, hiện nay Quảng Nam có quá nhiều điểm giết mổ động vật trái phép nhưng chính quyền các địa phương không thể kiểm soát được. Trong khi đó, mặc dù những năm gần đây Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung nhưng đến nay số cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh được xây dựng đảm bảo theo quy định còn quá khiêm tốn (chỉ có 15 cơ sở).

Đây là một trong những khó khăn lớn của tỉnh trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là thực hiện việc kiểm soát giết mổ heo khỏe mạnh, không mang mầm bệnh dịch tả heo châu Phi trong vùng dịch để tiêu thụ theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ NN&PTNT... “Hiện nay, chế độ phụ cấp cho đội ngũ nhân viên thú y cấp xã quá thấp. Ngoài hệ số hỗ trợ 1.0 hằng tháng thì nhân viên thú y xã không được hưởng thêm chế độ nào khác như BHXH, BHYT, phụ cấp 0,3 theo quy định tại Nghị định số 35/NĐ - CP (ngày 15.5.2016) của Chính phủ. Trong khi đó, nhiệm vụ của lực lượng này rất nặng nề, vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro do tiếp xúc với nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm. Thực tế cho thấy, tại không ít nơi, có nhiều nhân viên thú y xã đã bỏ việc nhưng UBND cấp xã vẫn chưa tìm được người thay thế, vì vậy công tác phòng chống dịch ở cơ sở gặp nhiều khó khăn...” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Ông Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc xin tiêm phòng và chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do loại dịch này gây ra thì việc chủ động phòng chống dịch được xem là khâu hết sức quan trọng.

Theo ông Cao Đức Phát, nhằm hạn chế và sớm dập tắt sự lây lan của vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi, bên cạnh việc duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật thì nhất thiết phải siết chặt khâu kiểm soát, kiểm dịch việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo. Đặc biệt, phải ngăn chặn được việc vận chuyển heo mắc bệnh từ nơi này sang nơi khác hoặc đưa heo nhiễm bệnh trong vùng dịch ra khỏi địa bàn. Các cơ sở chăn nuôi, nhất là những trang trại và gia trại thả nuôi heo với số lượng lớn phải thực hiện triệt để việc cách ly với bên ngoài nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm. “Để công tác phòng chống dịch mang lại hiệu quả cao, bên cạnh việc tập trung củng cố, kiện toàn đội ngũ thú y, nhất là ở cấp cơ sở thì các ngành, các cấp của Quảng Nam cần tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện, hóa chất, vật tư... đảm bảo phục vụ tốt các khâu trọng yếu” – ông Phát nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Cần kiểm soát tốt việc vận chuyển gia súc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO