Thăng Bình tập trung gia cố kênh mương

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 07/12/2020 10:22

Sạt lở đến đâu, khắc phục đến đó là ưu tiên của Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình đối với kênh mương ở thời điểm này, sẵn sàng phục vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021.

Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình huy động lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở kênh mương do mưa bão vừa qua. Ảnh: G.B
Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình huy động lực lượng để khắc phục các điểm sạt lở kênh mương do mưa bão vừa qua. Ảnh: G.B

Tại tuyến kênh N22 đoạn qua thị trấn Hà Lam có rất nhiều điểm sạt lở do mưa lớn. Những ngày qua Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình đã huy động lực lượng của chi đoàn thanh niên và tiểu đội tự vệ của đơn vị tập trung bảo dưỡng, sửa chữa những đoạn bị hư hỏng. Đến nay, đoạn kênh này cơ bản đã được khắc phục xong.

Tại đập dâng Bình Giang, sau bão số 9 đoạn bờ kè bị sạt lở đến 30m. Trước yêu cầu cấp bách điều tiết nước cho 400ha của 2 xã Bình Phục và Bình Giang vụ đông xuân tới, Chi nhánh Thủy lợi huyện đã huy động xe múc nạo vét đắp bờ, cùng lực lượng công nhân lao động khắc phục sạt lở phục vụ trữ và điều tiết nước.

Ông Lê Anh Đức (thôn Bình Túy, xã Bình Giang) cho hay: “Lực lượng của Chi nhánh Thủy lợi ra quân khắc phục kênh mương, người dân rất an tâm. Đối với những diện tích ruộng bị bồi lấp do mưa lũ vừa qua, người dân đã tiến hành cải tạo, san bằng mặt ruộng để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân”.

Theo thống kê, toàn huyện Thăng Bình sạt lở kênh mương 1.500m3 đất, bồi lấp hơn 2.500m3 đất và khối lượng bê tông gần 20m3. Theo ông Nguyễn Thanh Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình, hiện nay đơn vị ưu tiên khắc phục, đắp lại các điểm sạt lở lớn, tiến độ thực hiện đạt gần 70%. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành công tác khắc phục trước ngày 10.12, phục vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021.

“Thời gian qua, đơn vị đã triển khai sửa chữa kịp thời một số hạng mục công trình để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ năm 2020. Bao gồm cầu máng kênh chính Phước Hà, cầu máng kênh N22, nâng cấp đoạn kênh N22-5-1, sửa chữa công trình trên kênh chính Thạch Hoa, điều tiết đập dâng Bình Giang, điều tiết trên kênh N22-5-1, nâng cấp đầu mối đập dâng đập Cồn Thầy, đập Đồng Hòe… với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, các hồ chứa Phước Hà, Đông Tiển, Cao Ngạn hiện nay đều tích đủ dung tích thiết kế, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian gần đây, thì khả năng nắng nóng kéo dài ở vụ hè thu là rất lớn. Vì thế công tác tiết kiệm nước ngay từ vụ đông xuân là hết sức cần thiết” - ông Nguyễn Thanh Thảo cho hay.

Dự kiến vụ đông xuân đến, nông dân Thăng Bình xuống giống trên 8.000ha. Trước đó huyện đã tiến hành họp triển khai sản xuất vụ đông xuân, triển khai tích tụ tập trung ruộng đất, đặc biệt thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra về chất lượng và giá cả đối với các cơ sở, đại lý buôn bán lúa giống để đảm bảo cung ứng cho nông dân sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Sau bão lũ xảy ra, huyện đã thống kê, phân lập các tuyến kênh mương thuộc Chi nhánh Thủy lợi huyện và địa phương quản lý. Trên cơ sở đó, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo cao nhất không làm ảnh hưởng đến vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 do kênh mương hư hỏng hay các công trình thủy lợi. Theo đó, công trình thuộc Chi nhánh Thủy lợi huyện thì đơn vị phải khắc phục; những công trình của địa phương vượt quá mức kinh phí, UBND huyện hỗ trợ, ổn định phục vụ nhân dân sản xuất”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình tập trung gia cố kênh mương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO