Thấp thỏm bên vựa ớt xuất khẩu

TRIÊU NHAN 25/02/2020 15:30

Qua nhiều cánh đồng ở xã Duy Châu (Duy Xuyên), xã Đại Minh, Đại Nghĩa (Đại Lộc), xã Điện Quang (Điện Bàn), dễ bắt gặp những ruộng ớt đìu hiu cùng nỗi niềm của nông dân. Năm nay vụ ớt tươi rớt giá, đầu ra sản phẩm lại nhỏ giọt.

Cây ớt giống Phù Sa 138 tại thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu được mùa nhưng giá mỗi ký ớt tươi chín đỏ chỉ được mua 4 - 5 nghìn đồng. Ảnh: TRIÊU NHAN
Cây ớt giống Phù Sa 138 tại thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu được mùa nhưng giá mỗi ký ớt tươi chín đỏ chỉ được mua 4 - 5 nghìn đồng. Ảnh: TRIÊU NHAN

Rớt giá

Cánh đồng Phú Tây, Văn Ly (xã Điện Quang) từng là vùng chuyên canh cây ớt tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc với diện tích lên tới vài chục héc ta. Mỗi héc ta trồng ớt nếu trúng mùa có thể cho năng suất 30 tấn/ha trái tươi. Nhiều năm trước, việc trồng cây ớt xuất khẩu quả tươi hoặc khô được giá đã giúp nhà nông thu nhập khá trên các cánh đồng màu mỡ ven sông. Nếu trúng mùa, được giá, mỗi sào ớt chuyên hái bán xanh, bán tươi có thể cho thu nhập 30 triệu đồng, trong khi cây bắp, cây đậu phụng chỉ cho thu nhập 4 triệu đồng/sào.

Nhưng cây ớt chủ lực cũng rơi vào cảnh “được mùa mất giá” như bao cây trồng khác khi chuyện giá cả, đầu ra hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái địa phương lẫn thương lái thu gom xuất khẩu sang thị trường chủ yếu là Trung Quốc. Như vụ ớt tươi đông xuân 2019 - 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, con đường xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó, nên thị trường ách tắc.

Trên cánh đồng Văn Ly, Phú Tây, nếu năm trước, nhiều hộ trồng trúng đậm bởi giá ớt tươi đầu mùa là 20 nghìn đồng/kg rồi sau còn 10 nghìn đồng/kg. Với giá trên, lại trúng mùa, sau khi trừ chi phí, mỗi sào ớt có thể giúp nông dân lãi ròng 15 - 20 triệu đồng. Nhưng vụ này, hiện giá ớt tươi chỉ được thương lái trong vùng thu mua với giá 3.500 đồng/kg.

Ông Lê Thương (thôn Phú Văn, xã Điện Quang) cho biết: “Tôi trồng 1 sào ớt Ấn Độ 138, trái vừa, săn chắc, rất cay, bán tươi rất chuộng. Giống này cũng có thể để chín hái phơi khô đẹp màu hơn các giống khác. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn bán tươi để có năng suất hơn, bởi càng hái nhiều, càng chăm, càng tươi thì cây sẽ phát triển, đẻ nhánh, trổ hoa, kết trái nhiều, sẽ hái được nhiều lứa. Còn nếu không hái thì cây sẽ không phát triển và không cho nhiều trái. Nhưng giá này thì hái chỉ đủ tiền công, chẳng có lời gì nên nhiều người cũng không muốn hái. Vì vậy, không chỉ mất giá, mà có nguy cơ sẽ suy giảm năng suất, nếu tình hình giá cả không ấm lên vào thời điểm tới”.

Chờ thị trường hồi phục

Vụ này ông Hồ Viết Quang (thôn Phú Văn) cũng trồng 2 sào ớt, chủ yếu là giống hái bán tươi, trái to, phổng ruột, màu xanh thẫm. Ông Quang cho biết, với loại ớt này hái rất nhanh được ký nên bán tươi rất khỏe. Năm trước cũng 2 sào ớt ông đã trúng mùa, trúng giá rất phấn khởi nhưng năm nay 2 sào ớt chưa hái được trái nào vì lo không đủ tiền trả công, và thương lái cũng mua nhỏ giọt chứ không xôn xao như trước vì xuất khẩu không thuận lợi.

Ông Quang nhẩm tính, với 2 sào ớt, nếu tập trung thu hái lứa xanh đầu mùa phải cần tới 5 công/ngày, giá mỗi ngày công lao động là 150 nghìn đồng, trong khi chỉ hái được 4 tạ trái với giá bán chỉ 1,5 triệu đồng, số còn lại là đầu tư tưới, vun gốc, bón phân trở lại. Nếu chăm sóc, vun xới, tưới thì mới có lứa ớt tiếp để bán, còn bỏ bê không chăm thì chẳng được mấy trái, cây sớm cỗi gốc.

“Chúng tôi cũng nắm bắt thực tế qua báo đài là xuất khẩu Trung Quốc gặp khó nên cũng không buồn gì. Làm nông mà, được mùa thì mất giá chuyện thường. Cây này có lãi đập qua cây khác thôi. Năm ni ngoài đậu cô ve thì bán bắp nếp rất được giá, 5 triệu đồng/sào. Nhưng nói gì thì nói, không cây gì có giá trị bằng cây ớt. Chỉ cần giá ớt tươi 8 - 10 nghìn đồng/kg thì có lãi rồi. Ai cũng chỉ mong chừng nớ thôi mà đầu ra khỏe thì cây ớt ăn đứt các cây khác. Cũng vì rứa mà dù không có lãi tôi cũng cố gắng chăm cây, lỡ giá lại lên có mà bán xoay xở chứ không thể bỏ” - ông Quang nói.

Trên cánh đồng Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên), những ruộng ớt xanh đang thời kỳ trĩu trái, bước vào vụ thu hoạch. Giống chủ lực được bà con vùng này gieo trồng là Phù Sa 138 có trái to, đẹp, màu xanh thẫm đẹp mắt, cây sum sê. Bà Ngô Thị Lâm (thôn Lệ Bắc) cho biết, hiện giá mỗi ký ớt xanh đầu vụ được thu mua 4 - 5 nghìn đồng nhưng cũng chỉ rất ít người bán vì quá rẻ.

“Tôi sẽ để ớt chín rồi mới hái bán tươi, có giá hơn ớt hái xanh thời điểm này vì ớt chín có thể chế biến nhiều thứ, còn ớt xanh chỉ có con đường xuất khẩu. Nhưng giá 5 nghìn đồng/kg, tính ra so với giá giống, tiền thuê người trồng, tiền phân bón, thuốc, công tưới, rồi công hái thì chẳng còn mấy đồng. Nhờ vừa rồi tôi tận dụng xen vào cây ớt đậu cô ve, thu xong đậu, tôi lại chăm ớt nên vẫn bù qua sớt lại chút ít” - bà Lâm nói.

Thời điểm này mấy năm trước, vụ ớt xanh bán tươi cũng giúp nông dân vùng Ấp Bắc, Phước Bình (xã Đại Minh) và các thôn Phiếm Ái 1, Phiếm Ái 2, Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) có nguồn thu nhập khá. Diện tích trồng ớt Ấn Độ 403, Ấn Độ 433, Phù Sa 138, Chánh Phong... trên các cánh đồng trên lên tới 50ha. Mỗi sào ớt chỉ hái bán tươi cũng giúp nông hộ thu về cả chục triệu đồng tiền lãi thì vụ này giá rớt thê thảm, lại chẳng có người thu mua, hoặc có mua cũng rất ít. Ai nấy đang thấp thỏm trông chờ tình hình thị trường khởi sắc, giá cả bớt ảm đạm để cải thiện nguồn thu. Bởi tại các vùng này, cây ớt luôn là cây trồng chủ lực trong vụ đông xuân và kỳ vọng vào cây ớt của nông hộ các vùng này rất lớn. Ai cũng mong chờ tín hiệu khởi sắc từ nền kinh tế nông nghiệp vốn lệ thuộc vào con đường xuất khẩu sang Trung Quốc…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấp thỏm bên vựa ớt xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO