Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Doanh nghiệp cần thêm động lực

NGUYỄN SỰ 23/08/2019 13:51

Cuối tuần qua, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì hội nghị hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, để việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh mang lại kết quả khả quan hơn, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các cấp cần tạo thêm điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có động lực xúc tiến dự án.

Thời gian tới, cần chú trọng khâu tích tụ đất đai để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn. Ảnh: VĂN SỰ
Thời gian tới, cần chú trọng khâu tích tụ đất đai để tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn. Ảnh: VĂN SỰ

Tạo quỹ đất đủ đáp ứng

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, phải làm tốt khâu tạo nguồn quỹ đất phục vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bởi nếu doanh nghiệp có nhiều tiền nhưng chính quyền không tìm ra quỹ đất để giao cho họ phát triển sản xuất - kinh doanh thì việc đầu tư xem như... bể. Theo ông Chơi, những năm qua trên địa bàn thị xã Điện Bàn, nhất là ở các phường thuộc vùng đông, có không dưới 100ha đất sản xuất lúa, đậu, bắp... bỏ hoang hoặc suy giảm thâm canh nghiêm trọng dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Trước tình trạng trên, UBND thị xã đã yêu cầu chính quyền cơ sở tập trung rà soát tình hình sản xuất nông nghiệp ở từng vùng và khẩn trương xây dựng cụ thể kế hoạch khắc phục tồn tại này.

“Hướng xử lý chúng tôi đưa ra là, trước mắt vận động những hộ dân bỏ hoang đất nông nghiệp kéo dài cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê để tổ chức sản xuất hàng hóa theo thỏa thuận giữa hai bên. Trong trường hợp các hộ dân bỏ đất hoang nhưng vẫn chây ỳ không chịu giao lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thuê theo đề nghị của chính quyền địa phương thì các cơ quan liên quan sẽ tiến hành lập thủ tục thu hồi đất sản xuất lại cho Nhà nước theo Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013 để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng” - ông Chơi nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tình trạng nông dân bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp hoặc suy giảm thâm canh cũng đang xảy ra tại một số địa phương khác trong những năm gần đây. Để có quỹ đất phục vụ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của tỉnh, ngay từ bây giờ ngành liên quan cùng chính quyền các cấp phải tích cực phối hợp rà soát thực tế sản xuất và nhất là khâu quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời sớm đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm thực hiện hiệu quả việc tích tụ đất đai ở cả 3 khu vực là miền núi - đồng bằng - ven biển để hình thành những vùng sản xuất tập trung trên các lĩnh vực lâm nghiệp - dược liệu, trồng trọt - chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

 

Trong khi đó, ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nói rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và tập trung, tích tụ đất đai, thời gian tới tỉnh cần quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho chính quyền các địa phương đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông... nhằm tạo “nền móng” thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Bởi, nếu hạ tầng quá yếu kém, chắc chắn sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là ở các huyện trung du và miền núi...    

Đề xuất nhiều giải pháp

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sắp đến cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. “Chúng ta phải đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhất là các khâu như thành lập doanh nghiệp, quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng và các thủ tục về thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp... Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công. Cạnh đó, phát triển kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo” - ông Tấn đề xuất.

Tăng cường giám sát, kiểm tra sau khi dự án đi vào hoạt động

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị cần sớm điều chỉnh “Quy định hướng dẫn và quản lý hoạt động đầu tư trên địa bàn Quảng Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 4575/QĐ-UBND (ngày 28.12.2017) của UBND tỉnh. Theo đó, bổ sung trình tự thực hiện dự án đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn theo quy trình liên thông và rút gọn quy định tại Điều 16, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (ngày 17.4.2018) của Chính phủ; bổ sung nội dung giám sát, kiểm tra sau khi dự án đi vào hoạt động để kịp thời có biện pháp xử lý, thu hồi nếu dự án sử dụng không đúng mục tiêu và hiệu quả. Ngoài ra, bổ sung phụ lục quy định cụ thể thời gian giải quyết của từng thủ tục hành chính liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư các dự án vào nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn Quảng Nam (như thủ tục về thỏa thuận nghiên cứu đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng...). Cạnh đó, ban hành một bộ mẫu hóa tất cả văn bản liên quan đến thủ tục đầu tư để thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới các ngành, các cấp cần xúc tiến mạnh việc hỗ trợ công tác khởi nghiệp - sáng tạo trong nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án cùng với cơ chế, chính sách của Chính phủ và tỉnh để hỗ trợ cho công tác khởi nghiệp. Đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ và hỗ trợ kết nối sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Về công tác tổ chức hỗ trợ xúc tiến đầu tư, ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính (Sở NN&PTNT) cho rằng, cần củng cố và thành lập các tổ xúc tiến đầu tư ở các địa phương cấp huyện để làm đầu mối giúp doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ đầu tư, đất đai, tín dụng... “Cùng với đó, nên tập trung xúc tiến đầu tư các lĩnh vực chế biến nông sản, dược liệu, thủy sản, ngành nghề mới để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là ưu tiên các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít đất đai” - ông Thành nói thêm.

Cũng theo ông Phạm Đình Thành, thời gian tới cần tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Từ đó, tăng cường vốn cho sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

“Các ngân hàng nên quan tâm thực hiện đầu tư cho vay hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhằm tăng khả năng liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến để nâng cao giá trị gia tăng” - ông Thành nói. Nhiều ý kiến khác đề nghị ngành liên quan và chính quyền các cấp phải kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tín dụng của ngân hàng với chính sách khuyến công - khuyến nông của Nhà nước tại khu vực nông thôn...

Một số ý kiến cho rằng, thời gian tới cũng cần tổ chức xây dựng mô hình khu nông nghiệp, cụm nông nghiệp để kêu gọi nhà đầu tư. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, trên cơ sở định hướng và quy hoạch đã có của các địa phương, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với khâu tổ chức giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên đầu tư vào khu vực thí điểm này giống như mô hình của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Qua đó, sẽ tiết kiệm được thời gian cho các nhà đầu tư, dễ dàng bố trí đất đai và đồng thời thuận lợi trong công tác định hướng phát triển ngành.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người dân, doanh nghiệp nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt, nhất thiết phải xúc tiến việc tổ chức các diễn đàn, tiếp tục duy trì hội nghị tiếp xúc - đối thoại với các doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: Doanh nghiệp cần thêm động lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO