Tiêu thụ thực phẩm xanh mùa dịch

HOÀNG LIÊN - QUỐC TUẤN 12/08/2020 08:21

Trong khi nông dân các huyện Đại Lộc, Nông Sơn bế tắc giải quyết đầu ra cho nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì các vùng rau sạch ở thị xã Điện Bàn, TP.Hội An đảm bảo cung ứng rau, củ, quả cho TP.Đà Nẵng, người dân địa phương và vùng lân cận.

Nhiều ruộng đu đủ ở Đại Lộc bị “tắc” đầu ra do dịch. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nhiều ruộng đu đủ ở Đại Lộc bị “tắc” đầu ra do dịch. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đại Lộc và Nông Sơn bế tắc

Tại vựa rau quả Bàu Tròn (Đại Lộc), những ngày qua, nhiều thửa ruộng đu đủ, mướp, bí đao, đậu bắp, bắp nếp đến kỳ thu hoạch nhưng việc bán mua vẫn đìu hiu. Các con đường xuất nông sản Bàu Tròn đi Đà Nẵng và các nơi bị lực lượng chức năng chốt chặn để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong khi hơn 80% nông sản ở Bàu Tròn chủ yếu xuất đi các chợ đầu mối tại Đà Nẵng.

Thương lái Nguyễn Thị A. (ở Đại An) cho hay, bình thường mỗi ngày có 3 - 5 chuyến xe thu mua bắp nếp, dưa hấu, đu đủ, mướp, đậu bắp... ở Bàu Tròn và vùng lân cận đưa đi chợ đầu mối Đà Nẵng tiêu thụ. Từ khi dịch bùng phát, các ngã đường bị chốt chặn, chợ đầu mối ở Đà Nẵng cũng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, hoạt động mua bán bị ngưng trệ...

Thương lái không tới hỏi, nông sản chỉ có cách chạy chợ, nhưng sức mua tại các chợ nhỏ lẻ vì trước đó người dân đã chủ động dự trữ thực phẩm phòng chống dịch.

Nông sản ở Đại Lộc đang “tắc” đầu ra do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nông sản ở Đại Lộc đang “tắc” đầu ra do dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Bà Dương Thị Năm (thôn Bàu Tròn) cho biết vừa xuất bán ruộng bắp nếp ngọt chỉ với giá 25.000 đồng/chục (12 trái tươi), trong khi bình thường giá 35 - 40.000 đồng/chục. Riêng ruộng đu đủ xanh vẫn chưa ai mua.

Ở các vùng Trung An, Đại Bình (Quế Trung, Nông Sơn) cũng gặp cảnh tương tự. Khoảng 10 ngày qua hầu như các vườn phải đóng cửa để phòng chống dịch, song các nhà vườn ai nấy đứng ngồi không yên. Nhiều chủ vườn trồng bưởi trụ trên đất gò đồi, bưởi chín sớm trúng thời điểm dịch không tiêu thụ được nên trái rụng đầy gốc.

Bà Trần Thị Bảy (thôn Trung An) trồng cả trăm gốc bưởi và trăm gốc hường trên 7.000m2. “Thời điểm này năm trước, ngoài thương lái tới mua sỉ; mỗi ngày vườn tôi đón hàng chục lượt khách đến thăm vườn, mua bưởi, thu về cả triệu đồng. Bây giờ vườn đóng cửa vì dịch, chỉ còn cách bán cho mối quen nhỏ lẻ để gỡ gạc phần nào thiệt hại” - bà Bảy chia sẻ.

Tại vùng cây ăn quả Hồ Lộc (Đại Minh), Đại Hiệp (huyện Đại Lộc), tình hình cũng không mấy khả quan. Đợt dịch trước, nông dân thiệt hại cả trăm triệu đồng do các vườn ổi đang kỳ xuất bán chín đồng loạt mà việc tiêu thụ bị “đứng bánh”. Đợt này, dù các chủ vườn chỉ dám cho 1/3 số cây ổi ra trái, số còn lại cắt tỉa cành, dưỡng cây, nhưng thiệt hại về nguồn thu vẫn khiến các chủ vườn xót xa.

Hoạt động sản xuất ở làng rau Trà Quế (Hội An) vẫn diễn ra ổn định và cung cấp khoảng 2 tấn rau ra thị trường mỗi ngày. Ảnh: Q.T
Hoạt động sản xuất ở làng rau Trà Quế (Hội An) vẫn diễn ra ổn định và cung cấp khoảng 2 tấn rau ra thị trường mỗi ngày. Ảnh: Q.T

Điện Bàn và Hội An linh hoạt đầu ra

Trong bối cảnh TP.Đà Nẵng phải tiến hành cách ly xã hội, nhu cầu nhập các mặt hàng thực phẩm thiết yếu nhất là rau, củ, quả của thành phố tăng lên rõ rệt. Đã có lấn cấn trong thời gian đầu thực hiện cách ly khiến một số mặt hàng từ các địa phương khác về Đà Nẵng gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hoang - Phó ban Nông nghiệp xã Cẩm Hà (TP.Hội An) cho biết: “Hôm đầu tiên thực hiện giãn cách, việc vận tải rau Trà Quế ra Đà Nẵng cũng bị trì trệ. Nhưng ngay sau đó chúng tôi chủ động làm việc, xin giấy thông hành, khai báo y tế cho tài xế và được các trạm kiểm soát cho chuyển hàng đến các siêu thị, chợ phục vụ người dân Đà Nẵng. Đến nay, làng rau Trà Quế vẫn duy trì cung cấp mỗi ngày khoảng 2 tấn rau cho TP.Đà Nẵng và một số chợ lân cận nhằm đảm bảo không khan hiếm nguồn cung”.

Đặc biệt, để đảm bảo vận chuyển, giao nhận thực phẩm xanh an toàn trong mùa dịch đối với cư dân TP.Hội An, trong tuần hệ thống rau hữu cơ Hội An sẽ nhận đơn hàng trực tuyến của khách vào thứ Ba, thứ Năm, Chủ nhật, sau đó tổ chức giao hàng vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Các túi rau, củ sẽ được treo trước cổng, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa nhân viên giao hàng và người nhà; các túi đựng rau sẽ được khách hàng hoàn lại sau đó cũng với hình thức treo trước cổng nhà.

Ông Lê Nhương - thành viên tổ sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An) cho hay, dù không còn các đơn hàng từ nhà hàng, khách sạn tại Đà Nẵng, nhưng với sự linh hoạt trong tạo đầu ra cho sản phẩm, rau do tổ sản xuất làm ra vẫn chưa đủ cung ứng cho người dân Hội An.

“Do số lượng có hạn nên chúng tôi ưu tiên khách hàng trên địa bàn thành phố và phải đặt hàng sớm, chúng tôi mới phục vụ đúng các loại rau, củ theo yêu cầu” - ông Nhương nói.

Điện Bàn cũng là vùng cung ứng rau, củ quan trọng cho đô thị Đà Nẵng. Trước yêu cầu kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19, trên các tuyến đường giữa Đà Nẵng và Quảng Nam lập các trạm, chốt kiểm soát nghiêm ngặt, tiểu thương buôn bán rau củ trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã nghĩ ra giải pháp khác đơn giản nhưng hiệu quả. Họ chủ động kết nối với bạn hàng, người thân tại Đà Nẵng để nắm nhu cầu rồi gom hàng chở đến các chốt kiểm soát ở ranh giới hai địa phương. Tiểu thương phía Đà Nẵng cũng theo giờ hẹn đến nhận hàng tại chốt kiểm soát và vận chuyển về các khu vực trung tâm thành phố để phân phối lại.

Chị Lương Hoàng Giang - đại diện đơn vị sản xuất rau hữu cơ Ecovic (Điện Phong, Điện Bàn) chia sẻ, trong khoảng một tuần qua đơn vị đã tăng sản lượng cung ứng lên gấp 3 - 5 lần so với thường ngày và vẫn đang cố gắng duy trì nguồn cung ổn định đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Đà Nẵng để phục vụ người dân trong thời điểm khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiêu thụ thực phẩm xanh mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO