Về làng Thi Phương

MAI LINH 16/02/2021 08:09

(Xuân Tân Sửu) - Trên các xứ đồng Gò Vịt, Lục Vạn, Gò Đa, Đồng Lăng... nông dân hối hả bón phân, tưới nước cho những ruộng lúa và rau đậu xanh ngút ngàn trước thềm xuân.

Tại hầu hết khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, người dân hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: M.L
Tại hầu hết khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, người dân hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: M.L

Về lại thôn Thi Phương (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) hôm nay, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay của vùng quê này. Dọc các trục đường bê tông rộng thoáng, sạch sẽ được quy hoạch xây dựng theo ô bàn cờ, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát. Khu công viên và thể dục - thể thao đang đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng cũng như các trang thiết bị để đưa vào sử dụng trước thời khắc chào đón năm mới Tân Sửu.

Làng kiểu mẫu

Thi Phương là thôn được hình thành từ hai làng Thi Lai và Phương Trà. Toàn thôn hiện có 468 hộ dân với 2.059 nhân khẩu, trong đó 80% sống bằng sản xuất nông nghiệp. Bên tách trà ấm, ông Phan Phước Thăm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thi Phương túc tắc kể, những năm qua, nhất là từ khi triển khai xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, cán bộ và nhân dân địa phương tích cực tham gia nhiều phần việc.

Theo ông Thăm, ngoài số tiền 600 triệu đồng do tỉnh và thị xã Điện Bàn hỗ trợ, từ đầu năm 2020 đến nay người dân trong thôn đã đóng góp 153 triệu đồng và 1.500 ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự nguyện hiến 3.056m2 đất, phá dỡ 27 tường rào cổng ngõ và các vật kiến trúc kiên cố để phục vụ việc thi công những hạng mục công trình.

Ông Phan Phước Thăm cho biết, với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp”, đến nay toàn bộ 16,6km giao thông nông thôn và 12km giao thông nội đồng của thôn Thi Phương đã được mở rộng, nâng cấp, đổ bê tông. Ấn tượng hơn là 64 tuyến đường trục chính, ngõ xóm trên địa bàn đã được lắp đặt tên đường, số nhà, biển báo giao thông và phủ kín mạng lưới điện chiếu sáng vào ban đêm. Bên cạnh tích cực ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng... thời gian qua 100% hộ dân trong thôn đều tham gia dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt và nhiều gia đình tiến hành di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Nhờ vậy, môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp.  

Đa dạng sản phẩm nông nghiệp

“Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, một trong những dấu ấn đậm nét ở Quảng Nam là xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2020 Quảng Nam có khoảng 180 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 47 thôn so với mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 đề ra. Bây giờ, nhiều làng quê đã khoác lên mình “tấm áo mới” tinh tươm với cơ sở hạ tầng khang trang, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, vườn tược được chỉnh trang và bố trí nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế khá cao..., thực sự trở thành những miền quê đáng sống”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Xác định nông nghiệp là hướng chủ lực trong phát triển kinh tế hộ, những năm qua thôn Thi Phương nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để tăng giá trị sản xuất.

Ông Phan Phước Thăm cho biết, toàn thôn có 39ha đất lúa. Ngoài tập trung dồn điền đổi thửa để xây dựng những mô hình cánh đồng mẫu lớn, nông dân địa phương đưa nhiều loại giống chất lượng cao vào gieo sạ đại trà và ứng dụng hiệu quả các gói kỹ thuật canh tác tiên tiến nên vụ lúa nào cũng thắng lớn. Năm 2020 năng suất lúa bình quân của thôn đạt 70 tạ/ha, tăng ít nhất 4 tạ/ha so với cách đây 5 năm.

Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, đến nay toàn bộ 57ha đất màu trên địa bàn thôn đã được thủy lợi hóa. Nước tưới chủ động, nhà nông chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng nên thôn Thi Phương đã hình thành được hàng loạt mô hình chuyên canh, xen canh gối vụ các loại cây như đậu phụng, ớt, dưa hấu, bắp, dưa gang, rau bồ ngót, khổ qua, bầu bí... Bình quân hằng năm mỗi héc ta đất màu mang lại cho nhà nông khoảng 150 - 170 triệu đồng, có một số vùng đạt 200 - 250 triệu đồng. Đáng ghi nhận, toàn thôn hiện có không dưới 120 hộ nuôi bò thịt vỗ béo theo phương thức thâm canh với số lượng từ 5 con trở lên, trung bình mỗi mô hình cho thu 100 - 150 triệu đồng/năm.

“Nhờ kinh tế chuyển biến rõ nét, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015. Nếu không tính 7 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, hiện giờ địa phương không còn hộ nghèo. Mừng là, mặc dù mới triển khai trong vòng 10 tháng nhưng đến cuối năm 2020 thôn Thi Phương đã hoàn thành cả 10 tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và đang chờ UBND thị xã Điện Bàn thẩm định, công nhận đạt chuẩn” - ông Thăm chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về làng Thi Phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO