Xây dựng mô hình nuôi heo đen bản địa

VĨNH LỘC 13/08/2020 10:26

Với mục đích cải thiện sinh kế thông qua phát triển chuỗi giá trị từ heo đen, dự án “Nông nghiệp liên kết hướng đến thu nhập bền vững cho đồng bào thiểu số” được triển khai tại Nam Giang, góp phần giúp người dân địa phương xói đói giảm nghèo trong thời gian đến.

Heo đen sẽ là con vật được triển khai tại huyện Nam Giang trong thời gian tới. Ảnh: V.L
Heo đen sẽ là con vật được triển khai tại huyện Nam Giang trong thời gian tới. Ảnh: V.L

Heo đen còn gọi là heo cỏ vùng núi Quảng Nam, đây được xem là loài vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Giang. Thông thường heo trưởng thành khi đạt trọng lượng khoảng 30kg là thịt ngon nhất. Do heo nuôi thả trong môi trường tự nhiên bán hoang dã nên chậm phát triển, bù lại giá thịt tương đối cao (khoảng 150 - 200 nghìn đồng/kg).

Mới đây, một dự án hỗ trợ nuôi heo đen dành cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có trẻ em (khoảng 2.400 người) thuộc 5 xã, thị trấn gồm Thạnh Mỹ, Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ và Chà Vàl (Nam Giang). Nguồn kinh phí dự án hơn 550 nghìn euro do Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thông qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Dự kiến, sau 3 năm thực hiện (2020 - 2022) dự án sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm heo đen từ khâu chọn giống, phát triển chăn nuôi, chế biến thành phẩm có bao bì, nhãn mác đến khâu phân phối và tiêu thụ.

Ông Ngô Công Thành - Giám đốc Các chương trình vùng khu vực miền Trung (thuộc Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam) chia sẻ, sở dĩ dự án chọn heo đen vì người dân địa phương đã có kinh nghiệm nuôi heo đen từ nhiều năm nay.

“Giá trị thực chất của con heo rất cao, chưa kể nếu chúng ta kết nối được với doanh nghiệp kinh doanh đưa heo đen ra bên ngoài sẽ nâng cao giá trị sản phẩm lên. Tuy nhiên, để tham gia dự án, người dân phải đáp ứng một số tiêu chí: là đồng bào dân tộc thiểu số, là hộ nghèo có trẻ em hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bởi sứ mệnh của chúng tôi là vì an sinh của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ được đi học, phát triển lành mạnh, có sức khỏe, có kỹ năng sống…” - ông Thành nói.

Dự án không chỉ cấp giống cho các hộ dân tham gia mà còn hỗ trợ người dân năng lực tìm kiếm kết nối doanh nghiệp, hướng tới lan tỏa sản phẩm để nhiều người dân cùng hưởng lợi.

Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, mô hình rất phù hợp với đặc thù miền núi và tập quán chăn nuôi của người dân, heo đen cũng rất được thị trường ưa chuộng. Cách đây 3 năm, huyện đã đề xuất dự án này và giao cho các ngành liên quan xây dựng đề án nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như giúp bảo tồn loại heo cỏ bản địa. Hiện dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt giao cho chủ đầu tư cùng huyện Nam Giang triển khai.

Ông Ngô Công Thành cho rằng, dự án hướng đến nhiều mục đích như xây dựng năng lực cho cộng đồng về mặt tổ chức; hiểu biết, tiếp cận, kết nối thị trường… Dự kiến, khi dự án kết thúc sẽ hình thành mô hình phát triển chuỗi giá trị địa phương, giúp người dân biết cách phát triển chuỗi giá trị địa phương của một sản phẩm. Với con heo đen khi đã có thương hiệu, người dân đủ năng lực sản xuất, tôi tin rằng sẽ phát triển bền vững.

Theo ông Trương Quang Hoàng - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông lâm Huế), sau khi dự án được phê duyệt, trung tâm đã hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong suốt quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, thách thức hiện nay chính là giống và dịch bệnh, nên vấn đề phòng chống dịch bệnh rất quan trọng. Về giống, cách tiếp cận của dự án là vừa phát triển sản xuất vừa bảo tồn được giống bản địa. Do đó, dự án sẽ tập trung vào sử dụng, tận dụng nguồn giống tại chỗ, nếu nguồn giống chưa đủ có thể chọn lọc ở một số địa điểm ngoài huyện nhưng với điều kiện phải là giống bản địa Quảng Nam hoặc các vùng của đồng bào dân tộc Quảng Ngãi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng mô hình nuôi heo đen bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO