Bao giờ trở lại "như xưa"

TƯỜNG MINH 26/09/2020 08:26

Sau những “sống chung với lũ” và những ẩn dụ ngoài “lũ”, không còn cách nào khác, người dân Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều vùng dịch khác trong cả nước buộc phải làm quen với một khái niệm mới là sống chung với dịch Covid-19. “Chúng ta buộc phải sống chung ít lắm là 2 năm nữa, cho đến khi có vắc xin” - một lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng thừa nhận. Và điều này có nghĩa là còn lâu mới có thể trở lại cuộc sống bình thường “như xưa”…

Những khu chợ ở Đà Nẵng thời sống chung với dịch. Ảnh: KIM LIÊN
Những khu chợ ở Đà Nẵng thời sống chung với dịch. Ảnh: KIM LIÊN

Thói quen mới, khái niệm mới

“Uống cà phê ở nhà hoặc nằm bệnh viện” – “bề trên” dọa nhưng thật ra là “lệnh bà” với ánh mắt nghiêm khắc khi thấy tôi động đậy muốn hòa mình vào đám đông đúng nghĩa đang ồn ã như thể ăn mừng trong quán cà phê bên kia đường sau ngày nới lỏng cách ly.

“Em vừa ngang qua đó và thấy người ta ngồi chen chúc nhau và chẳng có khẩu trang cũng như khoảng cách một mét nào như quy định cả. Ngồi như thế, chẳng may có một ca dương tính thì người có mà chật cứng trung tâm cách ly”. Tất nhiên là tôi nghe “lệnh bà” bởi ra quán mà còn một mét với khẩu trang thì cà phê ở nhà cùng với mấy con rùa đang nuôi còn hơn. Với lại, gần 2 tháng ngồi nhà tự kỷ với rùa, theo như nghiên cứu khoa học là đã quá thời gian cần thiết để hình thành một thói quen mới.

 

Bạn tôi, một bác sĩ đang “trần mình” trong bệnh viện chống dịch ví von, đại ý để sống chung với dịch, trước hết, chúng ta phải tự hình thành cho mình thói quen cũng như biết thích nghi với những khái niệm mới đầy sự trái khoáy. Kiểu như các bản tin trên truyền thông về bệnh nhân Covid-19 tử vong thường được diễn đạt kiểu: “Tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân viêm phổi do Covid-19”. Hoặc “Bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do viêm phổi Covid-19 trên bệnh nền suy thận mạn”.

Nhà văn Phạm Thị Hoài “u mua”, gọi đó là “bệnh nhân tử vong trên bệnh nhân”. Bởi trường hợp thứ nhất có thể đoán là bệnh nhân mắc Covid-19, dẫn đến viêm phổi, rồi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và chết. Trường hợp thứ hai, bệnh nhân vốn có bệnh lý nền là suy thận mạn, rồi mắc Covid-19, từ đó sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và chết. Phạm Thị Hoài bảo “tôi không có tham vọng làm chủ ngôn ngữ y khoa, tuy nhiên thấy rất khó ở với cách diễn đạt “bệnh nhân tử vong trên bệnh nhân” như vậy. Tóm lại là mỗi lần như thế có bao nhiêu bệnh nhân tham gia một vụ tử vong?”. Và rốt cuộc thì đó không phải là văn chương. Đọc câu thơ: “Rồi một ngày tôi chết trên tôi”, độc giả nào cũng hiểu cùng lắm chỉ có một người chết tượng trưng. Nhưng đọc những câu trên báo như vừa dẫn, ta buộc phải tính ra là có hai người khác nhau…

 

Không hẹn mà gặp, cả ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cùng bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng khi trả lời phỏng vấn của tôi đều có chung ý tưởng là tới đây khi khởi động lại, du lịch của Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ được kích cầu bằng tiêu chí an toàn thay cho giảm giá và ưu đãi về dịch vụ. Ông Nguyễn Thanh Hồng gọi đó là giải pháp để du lịch sống chung với dịch. Còn bà Trương Thị Hồng Hạnh thì cho biết Sở Du lịch Đà Nẵng đang có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng một nền du lịch an toàn trong tương lai gần.

Theo bà Hạnh thì tới đây, các địa phương sẽ không còn cạnh tranh nhau về giá, về dịch vụ như truyền thống nữa mà sẽ cạnh tranh về sự an toàn cũng như kỹ năng ứng phó đối với dịch bệnh. “Chúng tôi đang báo cáo UBND TP.Đà Nẵng cũng như làm việc với ngành y tế để tới đây mỗi khách sạn trên địa bàn sẽ có một lực lượng y tế chuyên trách hoặc lực lượng tình nguyện viên đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nhân viên các khách sạn, khối dịch vụ, vận chuyển, các điểm đến... cũng sẽ được tập huấn, trang bị kỹ năng phòng chống dịch để làm sao bảo đảm được an toàn cao nhất cho du khách nếu chẳng may có sự cố” - bà Hạnh nói.

Bà Hạnh còn dẫn nguồn từ Bộ Y tế, nói “cũng giống như thị trường du lịch quốc tế, khi chúng ta xác định sống chung an toàn với dịch thì chính sách du lịch cũng phải thay đổi với tầm nhìn ít nhất là 2 năm nữa, đến khi chính thức có vắc xin phòng ngừa”.

“Xê dịch an toàn” để nuôi nhau

Quảng Nam thì đã bình thường trở lại từ trước đó sau khi đã khống chế được dịch bệnh, còn Đà Nẵng vừa mở cửa sân bay và sinh hoạt trở lại bình thường, tuy nhiên, nói trắng ra là chẳng bao nhiêu du khách đến hai địa phương này trong những ngày qua. Khách không đến bởi đây đang là mùa thấp điểm, là bước vào năm học mới, vì cuộc sống khó khăn còn nhiều thứ phải ưu tiên chi tiêu hơn là du lịch… Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tâm lý sợ dịch bệnh. Đã xác định sống chung với dịch thì không nên sợ. Và thực tế của gần 2 tháng qua ở tâm dịch Đà Nẵng cho thấy, dịch chỉ nguy hiểm thật sự đối với những “bệnh nền”, tức là “bệnh nhân tử vong trên bệnh nhân”. Còn lại với những người khỏe mạnh thì không đến mức như hình dung của những ngày đầu.

Dịch đã đi qua những ngày cao điểm. Và bây giờ tâm điểm trên mặt báo không còn là “bệnh nhân tử vong trên bệnh nhân” nữa mà thay vào đó là những tin buồn kiểu “Đua nhau rao bán khách sạn trăm tỷ”, “Nhiều khách sạn tại Đà Nẵng rao bán sau mùa dịch”, “Cá mú bị bỏ đói vì... không bán được”…

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng dự báo rằng nếu ngay lập tức không có các biện pháp và những liều thuốc đủ mạnh để “cứu doanh nghiệp” thì nhãn tiền là hàng trăm đơn vị du lịch và dịch vụ liên quan tại Đà Nẵng phải tuyên bố dừng hoạt động, phá sản. Áp lực dịch bệnh với du lịch Đà Nẵng và Quảng Nam cũng như hoạt động kinh tế nói chung ở các địa phương này đang là cơn sóng tàn phá trực tiếp! Và rằng chưa lúc nào, nguy cơ đổ bể kinh doanh, lại đe dọa trực tiếp các doanh nghiệp như hiện nay, khi mọi điều kiện kết nối trong ngoài, mọi tích lũy vốn có, mọi khả năng huy động của họ đều bị “gạch sổ”…

Đã có những lời kêu gọi, từ lãnh đạo các cấp trung ương đến địa phương, rằng chúng ta hãy “xê dịch an toàn” để nuôi nhau trong cơn khốn khó này. Rằng còn nhiều người e ngại đến Đà Nẵng ngay sau dịch vì thành phố này là nơi bùng dịch lần hai, nhưng ở nhiều địa phương khác rất an toàn, vậy thì không có lý do gì để quay lưng? Rằng phòng dịch là việc đương nhiên, nhưng không nên quá cực đoan đến mức tê liệt nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Rằng tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ như thế nào nếu như mọi người cứ co cụm một chỗ, không ai dám bước ra khỏi nhà. Chắc ai cũng có thể hình dung được những hệ lụy do thất nghiệp, tệ nạn xã hội… cuộc sống sẽ đầy khó khăn và bất an…

Sống chung với dịch, là còn phải học cách chấp nhận thực tế vô cùng khắc nghiệt kiểu doanh nghiệp đóng cửa vì dịch vẫn bị ngân hàng đòi nợ “theo quy định” như chuyện của một doanh nghiệp “tiêu biểu”. Mặt dài như cái bơm là hình dung khá chính xác khi tôi gặp ông T.V.D. - Giám đốc một công ty điện máy tại Đà Nẵng khi ông liên tục lắc đầu ngao ngán kể về chuỗi ngày các cửa hàng của mình phải đóng cửa. “Khi đợt dịch 1 kết thúc, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01 về việc giãn nợ những khoản vay trước ngày 23.1.2020. Nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp tại vùng dịch như Đà Nẵng chưa nhận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào. Thậm chí, do thời gian giãn nợ ở đợt 1 đã hết, những ngày qua, chúng tôi bị ngân hàng gọi đòi nợ liên tục. Họ nói là dù biết doanh nghiệp đang đóng cửa vì cách ly xã hội nhưng họ cũng phải làm theo quy định, quy trình vì Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về giãn nợ”.

Những ngày cao điểm của dịch đợt 2, tôi từng “khiếu nại” đại ý thứ công bằng nhất trong cuộc sống là không khí thì có người được thở bình thường, có người lại phải thở bằng máy. Còn giờ đây, khi chúng ta buộc phải sống chung với dịch, thì một câu hỏi cứ day dứt trong tôi: bao giờ trở lại “như xưa”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bao giờ trở lại "như xưa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO