Chờ Cổ Cò... thẳng

TRUNG VIỆT 29/02/2020 08:59

Rục rịch luận bàn, họp hành mấy năm liền, đến nay sông Cổ Cò nối Đà Nẵng - Quảng Nam vẫn chưa thông được. Cổ Cò một thời thủy đạo song suốt, giờ cơ hội để nó sống lại, vực dậy tiềm năng kinh tế, văn hóa là có, thì phải làm, nhưng làm thì phải coi trọng hệ sinh thái của sông, chứ đừng lấn sông, bê tông hóa, giết chết hết sinh vật, nguồn nước...

Đập Hà My đang chờ phá.Ảnh: T.V
Đập Hà My đang chờ phá.Ảnh: T.V

1. Tôi chạy xe tới chỗ đập ba ra Hà My thuộc Hà My Đông A (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), gặp một ông giữ trâu gần đó, vừa dò hỏi chuyện mặn ngọt của con nước, ông e hèm: “Khai thông là mặn lên liền, cấy hái chi được”. Vấn đề nạo vét khai thông Cổ Cò, dấy lên lo ngại từ phía Đà Nẵng, là sẽ khiến nước sinh hoạt ở Đà Nẵng bị đẩy vào thế nguy hiểm, nhiễm mặn. Chính luận thuyết này đã khiến ai đặt bút ký phá các đập ngăn, khai thông nối Cổ Cò từ Đà Nẵng đi Hội An, ngần ngại.

Theo kế hoạch, đến tháng 9.2020, toàn tuyến sông Cổ Cò sẽ được khơi thông. Một đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ TNMT đưa ra cảnh báo, là nước mà chảy lại được như xưa, thì nguy cơ xâm nhập mặn rất cao, không chỉ với sông Cổ Cò, mà tác động cả tới sông Cầu Đỏ, nơi có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng.

Từ phía Điện Bàn, thông tin từ UBND thị xã cho hay, nếu tháo đập ngăn mặn Hà My thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, bởi quanh khu vực đập Hà My hiện có khoảng 1.000 hộ dân sử dụng nước ngầm, 10ha nuôi tôm.

Con đập, phía trên là dừa, cỏ lác, rác chiếm kín, dưới đập là ngang dọc ao tôm. Một thời quá dài theo lở bồi của tháng năm, rồi không ai quản lý, nên dòng Lộ Cảnh Giang xưa trong sử sách trở thành lạch bởi kẹt cứng đủ thứ. Người ta ví nó như mạch máu bị các cục máu đông làm nghẹt cứng, khiến cơ thể chết. Sông dài 28km, thì phía Đà Nẵng với chiều dài 9km đã khai thông xong, kéo ra một loạt dự án du lịch, xây dựng hai bên sông ra đời. Còn phía Quảng Nam, đứng sựng.

Theo ĐTM sông Cổ Cò, ở khu vực thượng lưu đập Hà My (phía nam) thuộc phạm vi tỉnh Quảng Nam độ mặn từng thời điểm tăng so với hiện trạng +3,5÷+16‰. Ở khu vực hạ lưu đập Hà My (phía bắc) độ mặn từng thời điểm tăng so với hiện trạng 0÷+9‰, đạt ngưỡng mặn tại từng thời điểm từ 5÷16‰.

Năm ngoái, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh khi đọc ĐTM này từng nêu băn khoăn: tại sao phía Đà Nẵng lại cao hơn Quảng Nam trong khi nước thì từ Cửa Đại chảy về? Điều này cần phải nghiên cứu lại. Tuy nhiên khai thông sông Cổ Cò là quyết định quan trọng mang tầm chiến lược của hai địa phương, dứt khoát phải làm. Lộ trình là tháng 9.2020 là khớp nối hai bên.

2. Anh Trang Quốc Đông, nhà gần con đập Hà My, phẩy tay: “Thôi anh ơi, mặn với ngọt chi, tôi làm ruộng, sắm hai xe máy cày, nên quá biết, đất sát đập bị mặn, phèn, ruộng xấu như quỷ, mỗi năm làm một vụ, lỡ theo ruộng rồi chứ giàu có chi mấy đám lúa. Đất tốt thì phải cách đây chừng mấy trăm mét phía hạ nguồn. Chừ dân đang chờ đền bù trớt cho rồi, chẳng ai phàn nàn đâu”. “Có giá đền bù chưa?”. “Chưa nghe chi hết”. “Nếu đền thì đất nông nghiệp, được mấy hột đâu…”. “Ao tôm mới đắt thôi”.

Anh Đông làm chừng 12 sào tôm và mấy sào lúa. Năm ngoái mùa đầu thì được, sau về… “mo” vì dịch. “Như đánh bạc mà anh. Năm ni vụ đầu, có ông mới thu đêm qua, tôm được lắm, nhưng cái dịch corona bất nhơn, tôm mình bán chủ yếu cho trường học, công nhân các xí nghiệp, chừ nghỉ hết vì dịch, nên mỗi tấn mất 20 triệu chứ không ít vì mấy người thu mua hạ giá”. “Bà con mình mong khai thông sông không?”. “Có khùng mới không mong! Làm cho thông thì du lịch, buôn bán, xây dựng mới phát triển, đất có giá, thêm công ăn chuyện làm, dân trí mới lên được”. Trước nhà anh, ngay trên con đường dẫn tới đập, cán bộ địa chính đang đo đạc, bởi một con đường nối từ cầu Cẩm Kim phóng tới đây, đang được lên kế hoạch mở.

Hai bên sông, ngằn ngặt một màu xanh của dừa, cỏ và  lúa.  Nhìn, chẳng ai thấy sông nếu đứng từ xa, bởi bị chặn kín. Dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa bàn Quảng Nam được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương.

Theo kế hoạch, ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90m cho đồng bộ với đoạn tuyến tại Đà Nẵng, thì Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng hai bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ đông - tây của sông Cổ Cò. Số tiền bỏ ra không nhỏ, nhưng vấn đề không phải là tiền mà lại cái chuyện mặn kia, bởi khoa học là khoa học, đụng đến nguồn nước là mệt lắm, chứ không phải là lòng dân không thuận.

Ông Đinh Văn Tới cắm cây đuổi chuột.
Ông Đinh Văn Tới cắm cây đuổi chuột.

Ông Đinh Văn Tới, khối phố phó khối phố Hà My Đông A ôm một đống cây bông trang đỏ rực, xuống ruộng. Lạ. “Có chi mô anh, chuột kinh luôn, làm ruộng nở hoa dọa hắn”. Khối phố này có 558 hộ, đất dọc sông làm lúa, màu là 70ha, tôm là 20ha. “Không biết bao giờ mới thông được dù sát sông, cắm mốc rồi. Cũng có một vài hộ phàn nàn về mặn, rồi sử dụng nước ngầm, nhưng Nhà nước làm đều tính toán hết. Tôi nói thiệt đất đây thì tốt, mùa nào cũng 45 - 50 tạ/sào, nhưng chỉ làm một vụ. Chừ đi làm du lịch, xây dựng sướng hơn. Lứa tôi mới bám ruộng dù chẳng thiết tha chi, chứ thanh niên chẳng đứa nào ham”.

3. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn thị xã Điện Bàn, nơi có khối lượng cần nạo vét sông Cổ Cò nhiều nhất, đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất của 468 hộ với 1.057 thửa. Hiện đã phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân.

Muốn khơi thông Cổ Cò, ngoài nạo vét, thì phải phá đập ngăn mặn. Không thể dừng lại được, bởi câu chuyện quy hoạch đô thị, nối dòng chảy, phát triển du lịch, kết nối giao thông đường thủy Đà Nẵng - Hội An để vùng này phát triển, là chuyện đương nhiên. Để triển khai đề án này, phải hạn chế thấp nhất tác động môi trường. Câu hỏi đặt ra, mấy năm rồi, đập Hà My rồi Đồng Nò, Bờ Quang ở Ngũ Hành Sơn không bị phá, sao mặn vẫn làm Đà Nẵng khốn đốn?

Về phía Quảng Nam, khi khai thông, lãnh đạo tỉnh cho rằng sẽ tính giải pháp cho việc sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tạm thời nếu bị nhiễm mặn, khi toàn bộ khu vực này không được quy hoạch nông nghiệp. Cứ lấn cấn mãi chuyện mặn ít mặn nhiều, rồi sẽ ảnh hưởng ra sao, sẽ khiến câu chuyện này cứ lần quần trên giấy.

Tôi hỏi một số người thông thạo chuyện này, họ nói rằng, những thông số ĐTM kia cần phải coi lại. Mặn có thể làm nước sông Cầu Đỏ tăng cao lên, là có sự dốc sức từ phía triều cường xâm nhập ở Cửa Hàn, chứ không thể đổ cho phía Cửa Đại. Bài toán này ngoài quyết tâm chính trị của hai địa phương, thì câu chuyện khoa học thuyết phục cần tính tới. Cổ Cò một thời thủy đạo song suốt, giờ cơ hội để nó sống lại, vực dậy tiềm năng kinh tế, văn hóa là có, thì phải làm, nhưng làm thì phải coi trọng hệ sinh thái của sông, chứ đừng lấn sông, bê tông hóa, giết chết hết sinh vật, nguồn nước.

Mới vào năm 2020 mà cảnh báo hạn mặn đã loạn lên rồi, cho nên việc phá các đập ngăn mặn trên là chuyện không thể thực hiện bây giờ. Nhưng nếu không phá, thì chuyện nạo vét cũng sẽ gặp khó khăn, cũng như cả dòng sông phía Quảng Nam cứ để mãi thế thì mình tự dứt bỏ đi một lợi thế mà tự nhiên cho mình. Một ý kiến rằng hãy trả sông về lại cho sông, tự nhiên sẽ tự mình điều hòa, vấn đề bắt đầu từ con người đừng can thiệp xấu hơn để sông bớt hạn mặn, ô nhiễm từ thượng nguồn. Cổ Cò không phải một mình một chợ mà nó kết nối hai đầu. Giải bài toán này ngoài khoa học còn có quyết tâm và bản lĩnh nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ Cổ Cò... thẳng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO