Đâu chỉ là máu xương

THÀNH CÔNG 25/03/2020 06:10

Mỗi khoảng lặng lại là một cuộc lần tìm rưng rưng về miền ký ức, nơi không chỉ có tuổi trẻ và máu xương đã gửi lại cho chiến trường Quảng Đà. Tuổi đôi mươi đi cùng ngày tháng ác liệt của chiến tranh, những cựu chiến binh của xứ Thanh vẫn khôn nguôi niềm thương đau đáu, về chốn cũ…

Mô hình Chùa Cầu Hội An tại Công viên Thanh - Quảng (Thanh Hóa). Ảnh: THÀNH CÔNG
Mô hình Chùa Cầu Hội An tại Công viên Thanh - Quảng (Thanh Hóa). Ảnh: THÀNH CÔNG

1. Cứ thấy nhẹ tênh trong từng lời kể của cựu chiến binh Lê Hữu Hưng (SN 1947, thôn Phúc Triền 2, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), khi ông nhắc về những miền đất cũ. Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, người lính cũ của Sư đoàn Bộ binh 324 đã cùng đồng đội đặt dấu chân lên biết bao mỏm núi, triền cát.

Cựu chiến binh Lê Hữu Hưng vẫn nhớ nhiều địa danh ở chiến trường Quảng Nam, nơi ông từng chiến đấu.
Cựu chiến binh Lê Hữu Hưng vẫn nhớ nhiều địa danh ở chiến trường Quảng Nam, nơi ông từng chiến đấu.

Ông nhớ từng khoảnh rừng cháy nồng thuốc pháo ở Hòn Tàu, Đèo Le, nhớ cái nóng rẫy dưới hầm bí mật ở xứ cát Bình Dương, nhớ cả những đêm phục địch lao xao gió lạnh sương đồng. Ngày rời quê hương hành quân Nam tiến, ông chưa từng có hình dung nào về nơi tiền tuyến. Mệnh lệnh của tuổi trẻ cứ thế thôi thúc ông cùng đồng đội lên đường.

“Vào Quảng Đà từ năm 1969, sáu năm ở chiến trường này, ác liệt không kém gì Quảng Trị hay Huế, những vùng mà sư đoàn đã đi qua. Tiểu đoàn chúng tôi hành quân xuyên rừng, dừng chân nghỉ, đếm quân số thì thấy thiếu mất 2 người. Anh em quay lại tìm, thấy đồng đội ngồi tựa gốc cây, nhưng đã hy sinh tự lúc nào, vì sốt rét. Có lúc, hai mươi người chỉ được phát một séc lon gạo, nấu cháo loãng cùng với môn thục. Không nhờ các má, các anh ở đó chia cho từng bát cháo, sẻ từng củ khoai, che giấu qua mỗi trận càn, chắc tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường” - ông Hưng kể.

Một đoạn đời tuổi trẻ cứ thế trở lại, nhẹ như mây, mà rưng rức.

Những cái tên lần lượt trở về theo hồi ức. Ông Hưng nhớ má Tiến ở Quế Phong (Quế Sơn) người vá từng chiếc áo cho bộ đội, nhớ anh Hồ Tâm, người nấu từng bát cháo chuyển xuống hầm bí mật, nhớ cả từng khoảnh rừng, góc núi nơi tiểu đoàn đóng chân. Sau giải phóng, ông có mặt trong đoàn quân bộ đội tình nguyện Việt Nam sang chiến trường Campuchia, đến năm 1984 mới rời quân ngũ. Đó cũng là lần hiếm hoi ông được ghé lại chiến trường xưa, thăm má Tiến, anh Hồ Tâm…

“Thời đó không có điện thoại, chỉ gặp nhau một lần rồi mất liên lạc. Má chắc đã mất rồi, còn anh Tâm, nếu còn sống, chắc cũng ngoài chín mươi tuổi. Vì sức khỏe, vì điều kiện, thật tiếc, tôi không còn có dịp trở lại đó” - ông Hưng kể, mắt vẫn nhìn ra khoảng sân, nơi nắng tháng Ba chan chứa.

2. Bước qua lằn ranh sinh tử, trở về với vết thương chiến tranh vĩnh viễn khắc trên hình hài, ông Lê Quang Phúc cất giữ cho mình biết bao niềm nhớ, với Quảng Đà.

Ông Lê Quang Phúc - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn (Thanh Hóa).
Ông Lê Quang Phúc - Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn (Thanh Hóa).

Ngày ấy, từ quê hương Thiệu Hóa, ông giã từ mái trường phổ thông, cùng những người đồng hương tham gia lực lượng thanh niên xung phong, tình nguyện vào chiến trường miền Nam khốc liệt. Năm 1967, ông tham gia Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn - đơn vị có thành phần chủ lực là con em tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa, tăng cường chiến đấu trên mặt trận Quảng Đà. Bị thương nặng sau trận pháo kích tại xã Điện Hồng (Điện Bàn), ông được chuyển ra Bắc điều trị, rồi trở về cuộc sống đời thường với thương tật vĩnh viễn 65%...

Căn nhà nằm nép mình trong một ngõ nhỏ ở phố Cửa Hữu, phường Tân Sơn (TP.Thanh Hóa) trở thành chốn gặp gỡ của bao cựu chiến binh Tiểu đoàn Lam Sơn, khi ông Phúc trở thành Trưởng ban liên lạc của tiểu đoàn. Câu chuyện của những người lính, bao giờ cũng quay về với đất Quảng Nam, Đà Nẵng, với những hồi ức về cuộc chiến.

“Chúng tôi ngày ấy là lính đặc công, chỉ có đánh, không biết về. Tôi bị thương, nhưng còn may mắn, vì có biết bao đồng đội, đồng hương của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có anh em đến nay gia đình vẫn chưa tìm được mộ. Ngày mới đặt chân vào Quảng Đà, đơn vị đóng chân ở Đại Lộc, tôi nhớ má Kham đã cho anh em tôi ở, cho chúng tôi ăn. Lúc xuống đánh ở Điện Bàn, có một bà má Quảng Nam đã ôm lấy chúng tôi mà khóc. Má nói, chiến trường Quảng Nam ác liệt, gian khổ lắm, mấy đứa con vào đây làm gì. Tôi nhớ mãi câu nói ấy đến bây giờ. Chúng tôi đã chiến đấu vì Quảng Đà ngày ấy, vì miền Nam ruột thịt, vì nghĩa tình Thanh - Quảng, điều mà khi tham gia Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn anh em đều ghi khắc” - ông Phúc kể.

Nhiều năm nay, ông cùng ban liên lạc đã kết nối những chuyến đi để đồng đội được trở về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông vẫn giữ nhiều hình ảnh của mỗi chuyến đi, giữ lại những kỷ niệm với đất và người Quảng Nam, như một thứ “tài sản” đặc biệt của người lính đặc công từ miền đất anh em Thanh Hóa…

3. “Những ngày tháng này, tôi sẽ trở về Quảng Nam và về nhiều hơn nữa khi mình có thể. Đó luôn là nơi mà tôi hằng nhớ, là tuổi trẻ của tôi ở chiến trường, và cũng là miền đất mà tôi luôn ghi ơn những bà má Quảng Nam đã giúp mình còn sống được đến ngày hôm nay” - cựu chiến binh Nguyễn Hữu Ngoãn (SN 1947, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Ông Nguyễn Hữu Ngoãn đọc bài thơ của ông viết năm 2007 khi về thăm má Doãn Thị Trọng.
Ông Nguyễn Hữu Ngoãn đọc bài thơ của ông viết năm 2007 khi về thăm má Doãn Thị Trọng.

Năm 1967, ông “khai gian” một tuổi, để đủ tuổi vào bộ đội, tình nguyện có mặt cùng những cái tên đầu tiên của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn. Với ông, đó là niềm vinh dự lớn của cả đời mình, khi địa bàn hoạt động là Quảng Đà, địa phương kết nghĩa với Thanh Hóa.

Ông Ngoãn cùng đồng đội, bao con em xứ Thanh ngày ấy, “Nam tiến” với đích đến của tuổi trẻ quê hương, của niềm tin giải phóng. Chiến tranh, là ác liệt. Năm 1969, ông bị sốt rét, phải ở lại nhà má Kham, tên thật là Doãn Thị Trọng ở xã Đại Hồng (Đại Lộc). Những bát cháo của má ngày ấy đã nuôi sống ông, cả gia đình má bao lần che giấu, giúp ông thoát khỏi nhiều trận càn.

“Tháng 8.1969, địch ném bom chợ Phú Thuận. Tôi may mắn luồn được qua mưa đạn của máy bay “tàu rọ”, tìm đường về nhà má. Trận đó người chết nhiều lắm, má sai con gái chạy đi tìm tôi nhưng không thấy. Tôi về đến nhà, má òa lên khóc. Những bà má Quảng Nam sao mà thương thế, thương chúng tôi như con ruột của mình” - ông Ngoãn kể, đáy mắt chừng như đã ướt…

Trong niềm nhớ của người cựu chiến binh, nhà má Kham nằm bên biền sông Thu, nóng rẫy những mùa hè. Gót chân của má nứt nẻ, tảo tần dành dụm từng củ khoai, củ sắn độn cơm nuôi bộ đội từ triền sông ấy. Đi khắp Quảng Đà, là một trong 4 người của Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn có mặt trong trận chiến cuối cùng tiến công giải phóng Đà Nẵng năm 1975, ông Ngoãn đã gặp biết bao bà má như má Kham, những ân tình của người lính xứ Thanh cũng đong đầy lặng lẽ.

Nhiều năm sau này, có lúc đi cùng đồng đội, có lúc một mình trên chiếc xe máy của con gái đang sống ở Đà Nẵng, ông lặn lội tìm về Đại Hồng, Đại Minh, tìm lại má. Con gái của má, người đã dẫn ông luồn khắp làng trốn giặc càn ngày nào mới chín, mười tuổi, nay đã già, còn má Kham thì đã mãi mãi đi xa.

Má Diêu, một bà má khác đã nuôi giấu ông cùng đồng đội trong nhiều năm tháng ấy như má Kham, may mắn còn sống. Lần hạnh ngộ, ông khóc như một đứa trẻ, còn má thì ân cần hỏi han những đồng đội của ông, những “đứa con” đặc biệt từ xứ Thanh đã không tiếc tuổi trẻ, máu xương của mình để giải phóng quê hương Quảng Nam ngày ấy.

Tin tức thường xuyên hơn nhờ điện thoại, nhờ internet, nhưng cứ mỗi khi có dịp, ông vẫn lặng lẽ tìm về, dù chỉ để thắp nén nhang lòng cho má Kham hay ngồi lại với má Diêu vài tiếng, nghe má hỏi han đủ điều về quê hương, về gia đình. Lúc nào, cũng bịn rịn niềm riêng, cũng luyến thương, không nỡ chia tay má…

*           *
*

Tuổi trẻ gửi lại chiến trường. Những người lính xứ Thanh còn dành lại bao câu chuyện riêng chung về đồng đội đã ngã xuống trên mặt trận Quảng Đà, vĩnh viễn để máu xương hòa cùng đất Quảng. Đong đếm làm sao hết ân tình Thanh - Quảng, kể sao trọn đầy nghĩa anh em của hai miền quê hương đi suốt cuộc trường chinh. Những cựu chiến binh còn hiện hữu hôm nay, là chứng nhân cho cả chặng đường dài. Thứ họ gửi lại, đâu chỉ là máu xương trên chiến trường, mà còn có những thương yêu, đang mãi đắp bồi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đâu chỉ là máu xương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO