Dép không thể một chiếc

TRUNG VIỆT 22/01/2020 07:10

(Xuân Canh Tý) - Vẫn mưa không ngớt. Trước mặt nhà điều hành Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (thôn Mực, Thạnh Mỹ, Nam Giang có mấy ngôi nhà đang xây ngổn ngang. Đó là nhà của những thanh niên cuối cùng trong số 60 hộ được tuyển vào làng, họ mới chân ướt chân ráo vào nên cấp  tốc dựng nhà.

Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ trong dịp tổ chức lễ hội thể thao văn hóa huyện Nam Giang. Ảnh: T.VIỆT
Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ trong dịp tổ chức lễ hội thể thao văn hóa huyện Nam Giang. Ảnh: T.VIỆT

Ba mùa mưa rồi, thung lũng này không hoang vắng, khi quả đồi được bạt xuống, đường mòn được hạ độ cao, những im lặng thật sâu của rừng có thêm ánh điện và tiếng cười khi sức sống mới thực sự đã xuất hiện. Từ đây, một câu chuyện khác, không mới nhưng chưa từng cũ, đeo bám bao nhiêu năm, lại về...

Bài toán ấm no

Từng có mặt từ lúc khởi thủy của Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ bên Đông Giang đến lúc nó hạ màn, nên tôi biết, câu chuyện tồn tại của một làng thanh niên lập nghiệp tại miền núi, không hề dễ.

Chủ trương là đúng, nhân văn và có tầm nhìn, nhưng thực hiện là câu chuyện khác, mà thực hiện thắng hay thua, phụ thuộc vào rất nhiều thứ.

Ở Làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ mà tôi đến năm ngoái cũng vậy. Hãy hình dung đi, cây, con, đất, kỹ thuật - Nhà nước hỗ trợ hết; việc còn lại là anh có làm hay không, có chịu khó học, làm, hay lười biếng? Đói hay no, do anh, nhưng chừng đó chưa đủ. Lưu ý, ở đây hầu hết là thanh niên dân tộc thiểu số, khổ, đói, không đất sản xuất, nên mới vào xin lập nghiệp, mà đã xuất thân như thế thì với họ, hoặc là có tất cả, hoặc là không có gì cả.

Câu chuyện với Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong Quảng Nam Bùi Thành Vinh, vẫn là đau đáu cho câu hỏi “làm gì”? Bây giờ thì đã làm rồi. “Ở đây có mấy mô hình bán chăn nuôi (vừa thả vừa giữ) heo, gà; bưởi da xanh, chuối, mít” - anh Vinh kể.

Mọi thứ ở đây, dẫu mới khởi động, nhưng xem ra đã... ghi bàn, khi Hà Xuân Bình (một đội viên của làng) cho hay, bây giờ ở thị trấn Thạnh Mỹ, gà của làng lập nghiệp là… thương hiệu, thịt  chắc, thơm, không cần ăn thử, bán sạch. Anh đã bán khá nhiều lứa, vừa bán 200 con, thu 18 triệu đồng; 300 con còn lại, nhà hàng ngoài thị trấn đã đặt cọc mua hết trong dịp tết. Anh tính sẽ mở rộng mô hình bằng cách hỗ trợ kỹ thuật cho anh em, chứ thương lái họ cần số lượng lớn quá.

Anh Arất Bước (cũng là một thành viên của làng) có đàn heo đen 7 con, đàn gà hơn 100 con, tết này sẽ bán. Dịch tả lợn châu Phi không bén mảng tới đây nổi, dù ngoài kia chết hàng loạt.

Hà Xuân Bình, hội viên của làng, được xem là có tư duy làm ăn khá nhất ở đây.
Hà Xuân Bình, hội viên của làng, được xem là có tư duy làm ăn khá nhất ở đây.

Theo lãnh đạo Tổng đội Thanh niên xung phong, năm 2020 sẽ làm trang trại nuôi gà quy mô lớn theo mô hình OCOP, vì nhu cầu thị trường lớn quá; trồng đủ 2ha bưởi da xanh; sẽ trồng cây sả nguyên liệu, trồng cây bản địa lâu năm... Đầu tư sẽ tập trung, không chạy theo đủ thứ, sẽ nhắm vào anh em có năng lực khá, lấy họ làm đầu tàu cho cả làng.

“Mình nói với anh em, rằng có muốn làm giàu không? Ai cũng muốn. Vậy, không cách nào khác là ham làm, ham học. Mình cầm tay chỉ việc xong, họ sẽ làm, mình không làm thay. Cái được nhất là anh em chịu khó, thi đua làm ăn, tuân thủ hướng dẫn, ý thức được không thể làm tùy tiện như khi ở nhà. Nói thì ngắn vậy, chứ chúng tôi mệt chết luôn, đâu phải họ chuyển biến ngay, nhưng đó là cách duy nhất để thoát nghèo. Áp lực kinh khủng khi mọi người đang nhìn vào, huyện thì kỳ vọng là làng kiểu mẫu cho thanh niên, bà con học tập. Nhưng dù gì, thực chất lẫn là trên hết” - anh Vinh nói. 

Ý thức và chính sách

Miền núi, bao nhiêu năm vẫn là câu hỏi “sao vẫn cứ nghèo?”. Muốn thoát nghèo, thì vẫn là câu hỏi “mô hình sản xuất nào hiệu quả?”.

Tôi hỏi ông Kapu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, rằng cái làng lập nghiệp ở ngay trên địa bàn, có phát tín hiệu chi tốt cho địa phương không? Ông gật, rằng thanh niên ở đó về lại nhà, kể ở làng bày làm như thế như thế, tốt lắm. “Họ đã thay đổi tư duy làm kinh tế”. “Vậy Nhà nước đổ biết bao nhiêu tiền, sao cứ làm ăn trầy trật, hết đói thì nghèo?”. “Ý thức thôi, đây, hộ được xét hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, khi cho bò, họ nghĩ ngay không phải bò mình; gặp lúc có đám, thế là giết thịt, lúc kiểm tra thì họ nói lỡ rồi, không lẽ bắt họ, đền thì họ không có tiền”. “Thị trấn có bao nhiêu hộ nghèo?”. “298/2.067hộ, nhưng vừa rồi có mấy hộ xin vào hộ nghèo” - ông nói.

“Ý thức bà con không cao, nhưng đó không phải là tất cả. Chủ trương có bất cập không?”. “Có chứ. Chương trình 135, mỗi hộ được 4,5 triệu đồng, tôi hỏi anh, thoát nghèo kiểu gì? Con bò 20 triệu đồng, họ nuôi kiểu đó, bán, chết, giết thịt, sao giàu nổi? Đó là nói riêng hộ, còn cả thị trấn, mỗi năm được cấp 200 triệu đồng làm mô hình chi đó. Năm 2019 thì được cấp hơn 140 triệu, mua mấy ngàn cây keo giống là hết. Có chuyện này, ông Phó Viện trưởng Viện Cây trồng miền Nam hỏi lãnh đạo huyện, là mỗi năm cấp cho mỗi xã bao nhiêu tiền để làm mô hình sản xuất cho bà con, khi nghe con số 200 triệu, ông nói, các anh có biết tôi làm 1 mô hình bao nhiêu tiền không? 300 triệu!”. “Dàn trải là thất bại”. “Phải thay đổi cơ chế đầu tư, quan niệm về đầu tư, không thì thua”.

Vấn đề sinh tử ở ý thức. Không phá được thành lũy này, không bao giờ khác đi được. Thanh niên miền núi bao thế hệ đã được đi học. Họ phóng xe máy vèo vèo, lướt điện thoạt cảm ứng nói chuyện quốc tế như bắp rang, nhưng kêu đi làm đúng kỹ thuật để thoát nghèo thì làm biếng, chỉ thích nhậu.

Làng Thanh niên lập nghiệp từng mời Công ty Âu Cơ chuyên làm tre mây mỹ nghệ xuất khẩu đến chuyển giao kỹ thuật, người trong làng làm cho họ, mỗi tháng kiếm thêm hơn 1 triệu đồng. Ai muốn học thì đến đăng ký, nhận làm; đăng ký hơn 10 người, nhưng chẳng ai đến. Có cách nào buộc họ phải thay đổi? Có, hỗ trợ họ, nhưng đặt điều kiện, nếu không làm tốt, không hỗ trợ. Nhưng khó, bể, không lẽ bắt đền? Nhà nước thì sợ họ này nọ nên cứ bao cấp cái ăn, từ đó bao cấp cả tư duy. Chừng nào làm cho họ thấy giàu hay nghèo là do anh chứ không phải do Nhà nước, thì may ra mới thay đổi.

Vấn đề cuối cùng là cán bộ làm gương. Chừng nào đặt trách nhiệm cán bộ với chuyện thay đổi tư duy bà con, là sinh mệnh chính trị của họ, có giám sát hẳn hoi, lúc đó may ra họ xuống dân thực chất. Ngay cán bộ cũng bỏ cho được thói ỷ lại cái mác... miền núi. Tôi không tin miền núi không thoát nghèo được; không tin bà con nhận thức cứ kém miết. Một chiến lược nghiêm túc, cụ thể, có đánh giá hẳn hoi về tính khả thi, bắt đầu từ thực tiễn, thực tiễn là trên hết, sẽ khiến câu chuyện thoát nghèo không phải đi một chân; bởi mang dép phải mang một đôi chứ không phải một chiếc!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dép không thể một chiếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO