Đường ô tô qua bản

NGUYỄN TRUNG HIẾU 04/04/2020 08:18

Đường Hồ Chí Minh từ cầu Xuân Sơn (Quảng Bình) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) gần nghìn cây số, cùng với hàng vạn cây số đường xương cá, đã được láng nhựa êm ru, băng ngang biết bao làng bản của người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu, Co, Xê Đăng… trăm năm dưới bóng đại ngàn.

Những ngôi nhà trệt, vách ván mái tole như ở xã La Êê đang dần thay thế những ngôi nhà sàn quen thuộc ở vùng cao Quảng Nam.
Những ngôi nhà trệt, vách ván mái tole như ở xã La Êê đang dần thay thế những ngôi nhà sàn quen thuộc ở vùng cao Quảng Nam.

Từ ngày đường ô tô qua bản, đời sống đồng bào các dân tộc đã văn minh hơn trước nhiều lắm. Thanh niên cưỡi xe máy đi làm rẫy vù vù; sáng cà phê, tối bia bọt… Rồi tivi, video, cả karaoke đã đến những góc rừng xa, vốn trước đây chỉ có tiếng con chim triêng, chim grooc. Những ama (bố), amế (mẹ) không còn đi bộ vài ba ngày đường để đổi hột muối, cái rìu như xưa... Nhưng rồi cũng theo đó, trật tự dưới những nếp nhà sàn cũng đang thay đổi; ranh giới giữa sự lai căng và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc cũng trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết.

Một niềm vui

Tôi trở lại vùng cao huyện Nam Giang lần này là đúng 35 năm từ ngày trở về xuôi nhận công việc mới. Năm 1985, vừa ra trường, tôi đi thẳng lên miền núi nhận nhiệm sở, theo Nghị quyết 25 của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ. Tên lúc này của Nam Giang là Giằng. Vì sao nó tên đó thì ngay cả trong bộ ngôn ngữ của người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng là những dân tộc bản địa không thấy nói. Hay có lẽ do chỗ hình thế ngã ba sông Thanh đổ về Đắk Mi giống như chiếc giằng cắt lúa, nên thương lái người Kinh gọi vậy, thành địa danh.

Và nó cũng không có gì đáng để nhắc nhớ, nếu không có làng Rô, địa danh nổi tiếng trong trường ca “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi làng Rô nhỏ của tôi ơi/ cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ trăm năm ta nhớ ơn làng/ cánh tay che chở bước đàng gian nguy...”. Làng Rô bây giờ không còn nằm sâu trong rừng như ngày nuôi giấu nhà thơ. Sau nhiều lần định cư, làng bây giờ tiến hẳn ra định cư ven đường Hồ Chí Minh và không xa trung tâm huyện lỵ là mấy.

Từ Đà Nẵng, đến thôn Chơ Chun, xã La Ê, chỉ mất hơn ba giờ đã đến dốc B’Lan. Alăng Bột, cán bộ địa phương tự hào nói với tôi, bây giờ từ trung tâm huyện ở xã Cà Dy lên vùng cao biên giới Lào, cũng chỉ mất chưa đầy một giờ, chứ không còn đi bộ ba bốn ngày đường như thời anh công tác. Bấy giờ giao thông là một nỗi ám ảnh của bất kỳ cán bộ phong trào nào. Chưa đầy 80km, từ Đà Nẵng đến Nam Giang mất nguyên một ngày trầy trật trên những chiếc xe đò cà tàng cũ kỹ. Còn lên các xã vùng cao như Chàvàl, La Dêê, La Êê thì phải chờ lập đoàn 5 - 7 người cùng với lương thực, thực phẩm cho 3 - 4 ngày đường đi bộ. Trên đường thỉnh thoảng gặp tấm bảng cảnh báo “cẩn thận - thú dữ”.

Tôi nhớ lúc ấy có một lần Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam bấy giờ là anh Hoàng Minh Thắng trên đường công tác đến huyện, gặp một già làng. Đoán là cán bộ to vì đoàn tuỳ tùng khá đông, ông già bảo: “Thời Pháp về đóng đồn bốt sít (đồn số 6) đi gùi muối cũng mất ba ngày đường; bây giờ giải phóng đã bao nhiêu năm, đường cũng dài bằng chừng ấy thời gian”. Nói như vậy để biết đồng bào khao khát con đường thông thương thuận tiện biết bao nhiêu.

Xe máy hiện là phương tiện phổ biến ở các gia đình miền núi Quảng Nam, khi đường ô tô đi qua bản.
Xe máy hiện là phương tiện phổ biến ở các gia đình miền núi Quảng Nam, khi đường ô tô đi qua bản.

Và bây giờ giao thông đã có, không những tốt mà đi lại được cả hai mùa. Đường đến đâu, điện cũng theo đó mà về. Như xã Tà Bhing huyện Nam Giang, thì cũng đã có đến hơn 2/3 gia đình đồng bào có xe máy. Nạn thiếu cơm, lạt muối gần như lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng đáng kể nhất ở đây có xưởng dệt thổ cẩm do các tổ chức tài trợ mở ở thôn Zơra tập huấn cho một nhóm chị em người Cơ Tu về phương pháp nhuộm màu tự nhiên, thiết kế mẫu mã, đường nét hoa văn... Nhờ đường xá thuận lợi, nhiều sản phẩm từ thổ cẩm như: túi xách, ví cầm tay, tấm khố, rèm treo tường... bán tận Hà Nội, Hội An…

Hai nỗi buồn

Tôi nhớ có lần trên đường về xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, người bạn quá cố là Nguyễn Tri Hùng, nguyên Phó Ban dân tộc và miền núi Quảng Nam đã nhận xét có hai nỗi buồn ở vùng cao. Hùng với tôi đều có tuổi thanh xuân sống với đồng bào các dân tộc miền núi cao Quảng Nam, nền tảng để sau này anh trở thành chuyên gia dân tộc học. Anh trao cho tôi cuốn sách Cổ tích các dân tộc Quảng Nam mà giọng buồn buồn: “Cái được từ các con đường mới mở lớn lắm, nhưng tôi chỉ nói về hai nỗi buồn vẫn làm tôi day dứt lâu nay. Đó là sự thâm nhập rất nhanh những thói hư tật xấu của lối sống hiện đại trong lớp thanh niên và sự mất bản sắc đang nhìn thấy rõ trên từng nóc nhà”.

Nam Trà My, tên xưa gọi là Tắk Pỏ - một trung tâm vùng cao của huyện Trà My cao sơn ngọc quế. Sau chia tách thành một đơn vị hành chính riêng biệt, cơ sở hạ tầng, điện đường, trường trạm tại đây đã phát triển không thua kém gì miền xuôi. Thậm chí gần đây, huyện Nam Trà My còn được nhắc đến với thổ sản Sâm Ngọc Linh, giá trị gấp nhiều lần so với sâm Cao Ly - Hàn Quốc. Với cây sâm này, Nam Trà My là huyện miền núi vùng cao duy nhất của tỉnh Quảng Nam có đến hàng chục tỷ phú, bằng việc sản xuất và kinh doanh sâm. Đường ô tô đã vào tận các thôn bản xa nhất. Theo đó phong trào định canh, định cư cũng quy hoạch gia đình đồng bào các dân tộc tiến ra bám theo mặt lộ.

Đường trải dài đến đâu, nạn phá rừng càng mạnh và khó ngăn chặn đến đó.
Đường trải dài đến đâu, nạn phá rừng càng mạnh và khó ngăn chặn đến đó.

Thế nhưng đời sống chung vẫn còn lắm vấn đề. Một cán bộ địa phương ngao ngán nói với tôi: “Không biết dời ra đường để làm chi. Có đường rồi, thỉnh thoảng dân cũng bán được trái thơm, buồng chuối, nhưng vẫn thiếu ăn, không bằng hồi sống trong kia. Lẽ ra phải có hướng dẫn cho dân trồng con gì, cây gì để phát triển kinh tế, tận dụng con đường để trao đổi hàng hóa. Rảnh rỗi nhiều thanh niên không có việc hay đến quán xá lắm”. Nói rồi anh nhìn ra đường, nơi một nhóm trẻ con lỏng nhỏng đứng nhìn vô một quán giải khát lợp tôn, vách ván tồi tàn. Trong đó vài thanh niên đang hát karaoke, trước mắt là vài chai bia “lên cơn”. Trung tâm xã Trà Cang trông giống một ngôi làng nghèo nào đó dưới xuôi và buồn như buổi chợ chiều. Ở khắp các thôn bản tôi đi qua, tất cả đều na ná như nhau, không khác nơi này là mấy.

Đồng bào kéo ra đường vì đi lại thuận lợi, nhưng theo đó không gian làng truyền thống gần như hoàn toàn phá vỡ. Điều dễ thấy nhất hiện nay là gần như hầu hết bản làng các huyện miền núi Quảng Nam đang có xu hướng xây dựng nhà trệt, trong khi điều kiện thời tiết, khí hậu và đặc điểm sống ở rừng núi chỉ phù hợp với kiểu nhà sàn bếp lửa. Nguy cơ cao nhất là rất nhiều thanh niên tiếp nhận lối sống hiện đại một cách hồn nhiên. Sau mùa rẫy họ có quá nhiều thời gian rảnh rỗi, nên tụ tập nhậu nhẹt, hát karaoke. Số thanh niên chịu mặc dồ trong lễ hội, biết đánh cồng chiêng và hát các làn điệu bản địa ngày càng hiếm.

Hiện toàn tỉnh chỉ còn số ít làng đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc mình, và toàn bộ số xã này đều có một khoảng cách nhất định với giao thông. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có cảnh báo về những nguy cơ xáo trộn địa bàn cư trú truyền thống của đồng bào các dân tộc trong quá trình chuyển dân bám theo các trục lộ. Theo đó UBND tỉnh cũng đã tiến hành quy hoạch dân cư, cấp kinh phí dựng lại 80 gươl, nhà ưng (nhà sinh hoạt chung của làng) cho các thôn bản, nhằm duy trì sinh hoạt cộng đồng làng. Ngành thông tin văn hóa cũng tổ chức sưu tầm, biên soạn xuất bản các phong tục tập quán, âm nhạc, hy vọng lưu giữ lâu dài vốn văn hóa phi vật thể đa dạng của đồng bào…

*
*               *

Hiện trạng trên không chỉ riêng ở huyện Nam Giang, Tây Giang, mà đang xuất hiện phổ biến ở khắp các bản làng miền Trung có đường ô tô ngang qua. Đồng bào thiểu số vồ vập đón lấy những tiện nghi của đời sống hiện đại là điều hợp quy luật, nhưng trang bị cho cộng đồng dân cư ngàn năm nay quen sống gắn bó với rừng, với cộng đồng làng một sức đề kháng với những thói tật xa lạ là điều hiện nay chính quyền nhiều địa phương chưa chuẩn bị. Bên cạnh đó cũng cần có một thay đổi ngay trong nhận thức của lớp cán bộ các cấp cơ sở rằng, điện đường trường trạm là phương tiện nhằm cải thiện đời sống tốt hơn trên nền bản sắc dân tộc đậm đà, bền vững chứ đó không phải là mục đích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đường ô tô qua bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO