Họa không báo trước

ALĂNG NGƯỚC 31/10/2020 07:27

Chỉ sau vài trận mưa núi, từng quả đồi “no nước” ầm ào đổ xuống, đất đá vùi lấp, cuốn trôi tất cả những gì cản “đường đi” của nó. Và để lại tan hoang phía sau cho những người không còn đủ sức gánh vác...

Sạt lở đất uy hiếp nhiều khu tái định cư ở vùng cao. Ảnh: Đ.N
Sạt lở đất uy hiếp nhiều khu tái định cư ở vùng cao. Ảnh: Đ.N
 Đau thương vẫn sẽ còn ở lại sau những vụ lở đất kinh hoàng. Một người bạn của tôi ví nạn sạt lở ở vùng cao như cơn thịnh nộ của thiên nhiên đáp trả con người. Rừng đã bị con người tàn phá, đất đá cũng bị cào bằng, xúc đi, không còn giữ được kết cấu tự nhiên. Sau thời gian ngấm nước, núi đồi đổ sập xuống, gây hậu họa khôn lường. Trà Vân (Nam Trà My), Phước Hòa (Phước Sơn) và nhiều địa phương khác của tỉnh, đã từng chứng kiến những trận lở đất kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân miền núi. Tất cả là do họa núi đè...

1. Hình ảnh tang thương sau vụ sạt lở đất, vùi lấp hàng chục công nhân và đoàn công tác của quân đội tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) sẽ còn mãi ám ảnh bao người. Chỉ trong thời gian ngắn, thông tin về nạn lở đất cứ dồn dập phủ kín các trang báo, từ Đakrông (Quảng Trị); Minh Hóa (Quảng Bình), cho đến vùng đất vốn được mệnh danh là kiểu mẫu về xây dựng tái định cư miền núi như Tây Giang (Quảng Nam).

Vụ sạt lở đất tại Ganil (xã A Xan) xảy ra ít giờ sau khi hàng chục người dân được sơ tán. Ảnh: Đ.N
Vụ sạt lở đất tại Ganil (xã A Xan) xảy ra ít giờ sau khi hàng chục người dân được sơ tán. Ảnh: Đ.N

Mưa dầm và lũ quét, nay có thêm sạt lở đất. “Họa núi đè” cứ rình rập lơ lửng trên đầu người dân ở những vùng núi non trùng điệp này. Con số báo cáo từ các địa phương gửi về, chưa lúc nào thấy trống ở mục thiệt hại về nhà cửa và hoa màu. Hàng nghìn khối đất đá đổ ập xuống mặt đường. Thế là giao thông đi lại “dậm chân” một chỗ. Vùng cao cô lập. Hiểm họa vẫn mặc nhiên “treo” trên đỉnh đầu người qua lại. 

Tôi vừa lên Tây Giang, theo đoàn tháp tùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục mưa lũ. Trong lúc chờ đoàn đến, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Bh’ling Mia kể vội về chuyến đi đầy bão táp của mình. “Chậm chút xíu nữa thôi thì mất mạng” - ông Mia kể khi chưa hết bàng hoàng. Chuyện xảy ra chỉ cách đó một ngày. Hôm đó, đoàn ông Mia xuống địa bàn các xã vùng thấp để kiểm tra công tác khắc phục mưa lũ. Trên đường về, đi qua ngọn núi, chỉ vừa bước ra khỏi đoạn sình lầy, ngoái nhìn phía sau đã thấy đất đá từ taluy dương đổ sập. Hàng nghìn khối đất đá chắn ngang đường, gây ách tắc hơn nửa ngày trời. Cả đoàn may mắn thoát nạn, nhưng ai nấy đều kinh hãi.

Khi tôi vừa về đến Tam Kỳ thì từ Tây Giang, một người bạn gửi hình ảnh về những điểm sạt lở đất vừa xảy ra. Thật kinh hoàng. Gần nguyên một quả đồi đổ sập, căn nhà bị cuốn trôi. Dưới chân núi, những mảnh vụn nát bươm, nếu không nhìn kỹ, rất khó để hình dung đó là căn nhà mới đây còn che chở cho một gia đình.

Lực lượng cứu hộ và bà con huyện Tây Giang di dời ngôi nhà khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Đ.N
Lực lượng cứu hộ và bà con huyện Tây Giang di dời ngôi nhà khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Đ.N

2. Người vùng cao dù tự hào đã hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm sống chung với rừng, nhưng vẫn không tài nào hiểu nổi, vì sao các trận lở đất lại liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây. Nguyên nhân thường được đưa ra, ngoài thiên tai, còn do sự tác động của thủy điện, do nạn phá rừng. Và, sau nhiều lần chứng kiến cảnh “núi đè”, người vùng cao tự tìm cách thích ứng, bằng cách di dời khỏi khu vực nguy hiểm hoặc là theo chủ trương của chính quyền chuyển đến sinh sống tại các khu tái định cư. Hiệu quả rõ nét. Tây Giang như một điển hình trong việc ứng phó với thiên tai, nhất là mưa lũ và sạt lở đất. Kể cũng phải, nhiều quả đồi được “gọt” san ủi, nguy cơ lở đất từ trên cao đã được khắc phục. Hơn 80% mặt bằng mới được làm như thế, người dân sống an cư ở vùng đất mới mà dần vơi nỗi lo cũ. Khấp khởi trong niềm an yên, Tây Giang tiếp tục nỗ lực di dân về vùng đất mới. Các chính sách hỗ trợ an cư được chú trọng giúp người dân phát triển đủ đầy.

Nhưng, sau vài năm thiên tai hoành hành, nhiều mặt bằng tái định cư bộc lộ điểm yếu: sạt lở từ phía taluy âm. Lại phải vào cuộc “tái thiết”. Dù các dự án mới được đầu tư, nhưng cũng chỉ giúp nhà cửa người dân khỏi bị “nuốt trôi”, còn lại vẫn nguy cơ tiềm ẩn. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói với tôi, phần lớn các mặt bằng đều đảm bảo mức độ an toàn. Minh chứng, là sau nhiều năm định cư, người dân địa phương bình an trong căn nhà mới. Điều đó là khá rõ. Nhưng, cái không ngờ là chừng vài năm trở lại đây, thiên tai liên tiếp xuất hiện, một số khu tái định cư trở nên hư hại.

Mới đây nhất, cũng mưa lũ và sạt lở đất bất ngờ khiến nhiều căn nhà của người dân ở thôn Ganil (xã A Xan) bị vùi lấp, chỉ sau vài giờ đồng hồ được chính quyền địa phương tổ chức sơ tán. Một ngày sau trận lở đất vùi dập căn nhà, ông Alăng Nơớch thẫn thờ nhìn đống đổ nát dưới chân núi. Ông Nơớch và cả người làng Ganil nói với nhau, đây là lần đầu tiên trong đời họ chứng kiến sự việc như thế. “May mà có bộ đội, có lực lượng dân quân sớm đưa đi chỗ khác, nếu không chắc cả nhà mình cũng khó thoát khỏi vụ sạt lở này” - ông Nơớch nhặt vội những thứ còn sót lại dưới lớp bùn đất ngổn ngang, nghẹn lòng nói ra những điều mà trước đây ông chưa từng nghĩ đến. Ớn lạnh sau những lần lở đất, người vùng cao nghe theo lệnh sơ tán, di dời. Cũng chính họ, nhiều ngày qua cùng với bộ đội, công an và dân quân địa phương di dời hàng chục ngôi nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Vị trí mới được tìm kiếm để dựng lại căn nhà nằm không cách xa trung tâm làng, đảm bảo an toàn hơn trước.

Lực lượng cứu hộ và bà con huyện Tây Giang di dời ngôi nhà khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Đ.N
Lực lượng cứu hộ và bà con huyện Tây Giang di dời ngôi nhà khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: Đ.N

3. Tôi lên vùng cao công tác vào thời điểm mưa lũ bất thường. Năm nào cũng thế, sạt lở đất như một mối họa hiểm nguy mà không ai có thể dự lường trước. Một đồng nghiệp của tôi nhắn tin, căn dặn nên đề phòng khi đi qua khu vực đất đồi. Chính tôi cũng từng chứng kiến những trận lở núi đè chết người, vài năm trước. Nỗi ám ảnh sạt lở ở miền núi càng trở nên thường trực vào mùa mưa bão.

Tôi nhớ mãi khoảnh khắc người phụ nữ Bh’noong chắp tay lạy trời tại hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra vào cuối năm 2017, trên tuyến đường về xã Phước Hòa (Phước Sơn). Người phụ nữ quỳ lạy, van trời, van đất nói trong dòng nước mắt, rằng chỉ mong sớm tìm thấy thi thể chồng đưa về nhà an táng. Non cao như bao trùm một màu tang thương. Đợt đó, sau hơn 2 ngày tìm kiếm các nạn nhân bất thành, lực lượng cứu hộ đã sử dụng vòi xịt công suất lớn và chó nghiệp vụ. Nhưng, cũng phải mất thêm nhiều ngày nữa, lần lượt thi thể nạn nhân mới được tìm thấy, bị vùi sâu dưới lớp đất đá cả vài ba mét. Đau đớn khôn xiết.

Lại bão. Cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền. Tôi gọi cho Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Lê Hoàng Linh. Đầu dây bên kia, nghe rõ sự lo lắng. Ông Linh nói, vài ngày trước đó, đường đã tạm thông để vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào biên giới. Nhưng, bây giờ nguy cơ sạt lở lại tiếp tục ở mức cao. Mưa kéo dài, đất đồi ngấm nước, khiến kết cấu đất không còn bền vững. Vì thế, hầu hết tuyến đường dân sinh, huyết mạch ở miền núi đều nằm trong trạng thái có thể sạt lở bất cứ lúc nào. “Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Bởi thiên tai, nên hiểm họa do sạt lở đất đang “treo” ngay trên đầu mình, có thể đổ ập xuống mà không hề báo trước” - ông Linh nói.

Âm thoại vô tình nghe lọt tiếng thở dài trong giây cuối. Nặng trĩu theo từng cơn gió rít liên hồi. Nỗi khắc khoải về non cao cứ nghèn nghẹn, day dứt… Khuya, khi tôi viết đến những dòng này, tin dữ bay về: tai họa tiếp tục vừa đổ xuống Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) khiến 53 người chết và mất tích. Ngày mai, tôi lại lên rừng, cùng người dân ngóng lạy núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa không báo trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO