Làm thân chuột bạch

TRẦN ĐĂNG 09/02/2020 06:51

Phận chuột bạch nên chúng được nuôi nấng đầy đủ, bù lại, nếu cần phải chết để con người được sống thì chúng sẽ là “vật tế thần” đầu tiên. Ở Trại chăn nuôi Suối Dầu tỉnh Khánh Hòa (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - IVAC), người ta đã nuôi hàng vạn con chuột nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, bào chế ra các loại vắc xin để chữa bệnh cho người.

Bên trong dãy nhà nuôi chuột lang. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bên trong dãy nhà nuôi chuột lang. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Trang trại ngàn mẫu của “ông Năm địa chủ”

Gọi ông là “địa chủ” là cách nói vui của người Khánh Hòa thuở xưa để nói về bác sĩ A. Yersin (1863 - 1943). Nhà bác học lừng danh này được người dân xóm Cồn, TP.Nha Trang gọi bằng một cái tên thân mật là “ông Năm”. Chưa thấy có “ông Tây” nào được người Việt, nhất là dân Nha Trang tôn thờ như bác sĩ A. Yersin. Điều gì khiến dân xem ông như một biểu tượng về sự tận hiến cho khoa học để cứu người như vậy? Tìm hiểu những gì mà A. Yersin để lại cho dân Nha Trang cũng như dân Việt Nam ta sẽ biết được điều đó.

Sau khi tốt nghiệp y khoa và trở thành bác sĩ, năm 1890, A. Yersin rời nước Pháp để đến Đông Dương trên một con tàu biển. Tàu ghé vịnh Nha Trang và lập tức, cảnh trí nơi này đã hút hồn vị bác sĩ trẻ tuổi. Ngay năm sau, A.Yersin quyết định trở lại Nha Trang và định cư ở đây, sống một mình không vợ con cho đến khi qua đời năm 1943.

Năm 1894, bệnh dịch hạch đã giáng xuống đầu người dân Hồng Kông, A. Yersin đã có mặt ngay tại nơi xảy ra thảm họa đó. Sau khi quan sát, tìm hiểu, tiến hành xét nghiệm một số nạn nhân và những con chuột tại đó, A. Yersin đã chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một. Ông đã chỉ ra rằng, chuột chính là con vật mang bệnh dịch hạch gieo rắc cho con người. A. Yersin trở lại nước Pháp tiếp tục nghiên cứu, đến năm 1895, cùng với các cộng sự của mình, ông đã điều chế ra huyết thanh để chống bệnh dịch hạch đầu tiên, góp phần cứu loài người ra khỏi thảm họa đó.

Trại chăn nuôi Suối Dầu thuộc huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang 20km về phía nam do chính A. Yersin thành lập ngay trong năm 1896. Cùng với việc thành lập một phòng thí nghiệm nhỏ ở Nha Trang, ông dùng trang trại này để nuôi ngựa và bào chế ra huyết thanh, trước tiên là để chữa bệnh dịch hạch. Tính đến nay, trang trại này có tuổi đời 123 năm!

Với tổng diện tích lên đến 500ha, Trại chăn nuôi Suối Dầu được “sơn bao thủy bọc” rất thích hợp cho các cuộc thí nghiệm từ trồng trọt đến chăn nuôi. Cây cao su và cây canh ki na - một loài cây được dùng để bào chế ra thuốc ký ninh để chữa sốt rét do chính ông Năm mang từ nước ngoài về trồng tại trang trại này. Ông dùng số tiền từ các giải thưởng mà Chính phủ Pháp trao tặng cộng với tiền lương dành dụm được để mua lại toàn bộ số diện tích đất nói trên rồi thành lập trang trại chăn nuôi phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học của mình.

 “Vương quốc” của chuột

Trại chăn nuôi Suối Dầu đang nuôi 1.000 con thỏ, 300 con ngựa, hàng vạn con gà và gần 20.000 con chuột lang và chuột bạch, chỉ để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, cụ thể là để bào chế ra các loại vắc xin và thử nghiệm trên một số con vật ở đây trước khi dùng cho con người.

Những ô nuôi chuột bạch.
Những ô nuôi chuột bạch.

Nếu như 300 con ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu chỉ dùng vào việc lấy huyết thanh bào chế ra các loại vắc xin để chữa các loại bệnh như bệnh dại, ho gà, uốn ván… và hàng vạn con gà nuôi chỉ lấy trứng để bào chế ra các loại vắc xin chống cúm, thì loài chuột chỉ dùng vào việc “thí nghiệm” các loại vắc xin đó. Sau khi tiêm các loại vắc xin đã bào chế ấy vào thân chuột, nếu thấy an toàn thì mới dùng đại trà cho người.

Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng trại Chăn nuôi Suối Dầu dẫn chúng tôi mục sở thị “biệt khu dành cho chuột”. Bên trong các tòa ngang dãy dọc ấy là nơi khu trú của gần 2 vạn con chuột gồm hơn 2 ngàn con chuột lang và hơn 15 ngàn con chuột nhắt là chuột bạch. Người ta phân thành những ô hình chữ nhật chừng dưới một mét vuông cho chuột lang sinh nở và chăm con.  Mỗi ô như thế có chừng 10 chuột mẹ. Loài chuột này trông rất bắt mắt, chẳng khác gì chuột cảnh. Màu nâu vắt ngang qua thân màu trắng, những con chuột lang trông như những con bò Hà Lan thu nhỏ.

Thấy người lạ xuất hiện, thay thì tháo chạy thoát thân như những con chuột thông thường, chuột lang chỉ giương mắt lên nhìn. Chúng ăn và vui đùa một cách tự nhiên như thể không có gì đáng để chúng quan tâm. Chăm sóc chúng là 15 nhân viên của trại. Họ tốt nghiệp các trường chuyên ngành, được đào tạo bài bản để… nuôi chuột. “Thức ăn dành cho chúng do một nhà máy sản xuất thức ăn của trại tự làm. Lúa cho nảy mầm được xay nhuyễn, làm thành những viên nén thật cứng, bỏ vào một chiếc khay treo ngược lên. Cùng với viên nén là cỏ được ngâm thuốc tím, sạch tuyệt đối - ông Minh giới thiệu.

Còn loại chuột bạch thì cư trú trong một dãy nhà khác, cũng chia thành những ô nhỏ. Bên dưới mỗi “khay” được lót trấu là hàng chục chú chuột sinh sống trong đó. Thức ăn dành cho chuột bạch và chuột lang như nhau. Mỗi con chuột đều được “đính” với một lý lịch chi tiết. Ngày giao phối, sinh con, số lượng, giới tính mỗi đàn… đều được ghi rõ ràng. Lúc nhỏ, chúng được mẹ chăm sóc, đến tuổi trưởng thành, chúng được tách ra để làm phận sự của đời chuột.

Vật tế thần

Chuột lang trưởng thành nặng khoảng 250 - 300gram, còn chuột mẹ nặng khoảng 600 - 700gram. Các cuộc thí nghiệm chỉ diễn ra trên những con chuột lang đã trưởng thành. Sau khi lấy huyết thanh từ ngựa, người ta bào chế ra vắc xin như chữa bệnh chó dại hoặc các loại vắc xin mà trẻ con được tiêm chủng mở rộng. Sản xuất được vắc xin rồi nhưng đâu đã “thành công”. Loại thuốc ấy chỉ được mang ra thị trường tiêm cho con người một khi nó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không thể lấy người ra “tiêm thử” mà phải lấy chuột ra làm vật thí nghiệm. Người ta tiêm vắc xin vào thân con chuột lang, cho chúng ăn uống bình thường như những con chuột không tiêm vắc xin khác. Sau một thời gian nhất định, chúng được mổ ra để các nhà khoa học quan sát từ gan, phổi và các bộ phận nội tạng khác. Nếu thấy không vấn đề gì thì loại vắc xin đó “đạt chuẩn”. Còn nếu nội tạng con chuột có những biểu hiện bất thường, thì coi như vắc xin chưa đạt, cần phải thêm - bớt liều lượng chừng nào “đạt ngưỡng” thì thôi.

Còn đối với chuột nhắt, chúng cũng trở thành vật thí nghiệm để biết mức độ kháng thể của chúng khi tiêm một loại vắc xin nào đó vào cơ thể chúng. Liều lượng của mỗi loại vắc xin sẽ được chính những con chuột này “nghiệm thu” trước khi mang ra tiêm đại trà cho người. “Thực ra con vật nào cũng có thể làm vật thí nghiệm, song các nhà khoa học đã chọn loài chuột vì chúng là loài dễ nuôi, sức khỏe tốt, có độ đồng đều cao, lại kinh tế hơn các loài khác” - ông Minh cho biết.

Đầu năm 2019, Viện Pasteur Nha Trang đã sản xuất thành công vắc xin cúm mùa được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Thành công này có sự đóng góp của loài chuột nói trên.

Trang trại chăn nuôi Suối Dầu nuôi chuột phục vụ cho nghiên cứu khoa học từ thời bác sĩ A. Yersin còn sống. Trải qua hơn 120 năm, trại chăn nuôi này đã đóng góp không nhỏ vào việc sản xuất ra các loại vắc xin điều trị bệnh cho con người. Đây là trang trại nuôi vật thí nghiệm hàng đầu của Việt Nam hiện nay.

Giờ thì chúng ta hiểu vì sao dân Nha Trang - Khánh Hòa cũng như dân Việt Nam coi ông Năm - Yersin như một vị thánh rồi. Chả thế mà hằng năm, cứ đến ngày 1.3, ngày mất của ông Năm, cả xóm Cồn - một xóm lao động nghèo ở giữa sông Cái được ông Năm từng chữa bệnh miễn phí - nhà nào cũng hương khói giỗ ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm thân chuột bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO