Lối rẽ ở cầu Giao Thủy

TRUNG VIỆT 08/10/2019 20:48

Đứng trên cầu ngó xuống rồi ngó qua, đất bồi ra hết hai phần ba sông. Rau, bắp xanh rờn, thoáng nhắc chừng một hai tháng nữa thôi, tất cả sẽ phẳng liếp bởi màu nước bạc. Nhưng lúc này, cầu là chỗ để người ta ngắm củi từ thượng nguồn trôi về. Để có được cảm thức mênh mông mà không sợ hãi đắn đo đó, là câu chuyện dài mà đến 42 năm, dân hai bên đầu cầu mới có được.

Cầu Giao Thủy phía Duy Hòa. Ảnh: T.V
Cầu Giao Thủy phía Duy Hòa. Ảnh: T.V

1. Khi lên cầu phía Duy Hòa (Duy Xuyên) để qua Đại An (Đại Lộc), tôi nhớ chuyện mà ông hàng xóm hay nhắc. Hồi đó giải phóng ra được mới mấy năm, ông theo xe chở củi trên ngõ giáp Phường Rạnh giữa Duy Xuyên và Nông Sơn, từ đó chở xuống chỗ gần nhà trưng bày Chămpa thuộc Duy Sơn bây giờ tập kết rồi mới bán lại. Không hiểu sao khi tới ngã ba Kiểm Lâm, xe hư, ông lại không xuống chỗ gần Trà Kiệu, mà phải qua Đại Hòa trước kiếm ghe qua chở củi. Thế là chiều tà chốn núi rừng lại đổ mưa, chàng trai 17 tuổi lần đầu lạc chân từ Đà Nẵng lên đây, vừa buồn vừa ngơ ngác đi tìm ghe. “Tau tìm thấy ông cố nội luôn, có mô. Sông rộng, mưa tối thui…”. Chỉ chừng đó nhưng hễ nhắc vùng tây Duy Xuyên, ông lại kể như là trải nghiệm gian khó và hấp dẫn của tuổi vào đời áo cơm.

Giờ, từ Đà Nẵng chạy vô Nam Phước, lên tới đây là 50km, nhưng từ đây băng qua cầu, xuôi luôn Hòa Cầm thì chỉ còn 30km. “Chính vì thế, xe bus cũng bắt đầu ế” - anh Hoàng Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Duy Xuyên nói. Ai thích đi xe máy, từ Duy Hòa cứ theo đường Đại Lộc mà chạy, vừa nhanh vừa tiện, mắc chi hết đứng lại ngồi chờ xe. “Thuận tiện nhiều chứ” - ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Duy Hòa nói - “Trước đây đi ra Đà Nẵng hay qua Đại Lộc, ngõ mô cũng xa và lâu. Từ ngày làm cầu, đi khám chữa bệnh là qua hết Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng ở Đại Lộc) vì BHYT cho phép 5 xã khu tây Duy Xuyên được chữa ở đây, rất nhiều ca bệnh đã được cấp cứu kịp thời. Điểm rõ nhất là kinh tế sôi động”.

Dịch vụ ngày càng phát triển ở đây.
Dịch vụ ngày càng phát triển ở đây.

“Đất lên giá không?”. “Lên rất nhanh” - ông Hùng nói - “Làng nghề gốm sứ La Tháp, lúc đầu bố trí 100 lô, nhưng chỉ bán được mấy chục, từ khi có cầu, bán sạch liền, giá ban đầu 200 triệu đồng/lô, vọt lên hơn 1 tỷ; lớn nhất là có lô ở vị trí khá đắc địa lên hơn 3 tỷ đồng. Ở đây trước 2017, cửa hàng đại lý bán vật liệu xây dựng ít lắm, bởi có ai xây dựng đâu, thì chừ loại hàng này làm ăn khá giả, liên tiếp ra đời. Đầu cầu Giao Thủy nằm ở thôn La Tháp Tây, nên quán xá, dịch vụ mọc lên dày đặc”. Ông Hùng nói thong thả, nhưng cố giấu niềm vui, bởi sự thay đổi hiện hình khiến đất và người nơi đây lắm nỗi xôn xao.

2. Với tôi, chỗ này có lạ đâu, bởi nó là cửa ngõ dẫn vào tháp Mỹ Sơn, bao bận về đó, nếu trễ, tìm một quán ăn là phờ phạc; chợ Kiểm Lâm thì nhỏ, bán buôn lèo tèo… Ám ảnh nhất là chiều xuống, gần đó là núi rừng, là truông mây, sát lưng là sông, tất cả là điệu buồn như câu thơ sông nước Huy Cận. “Mà cũng mệt” - ông Hùng nói - “có cây cầu là phức tạp an ninh trật tự liền”. Ông kể, ở đây hiếm tệ nạn xã hội, đánh nhau, ma túy ít lắm. Nhưng từ khi nối với bên kia, là sinh chuyện. Thanh niên bên kia đi 5 taxi, vác theo 1 bao mã tấu qua đây đánh chém, gây náo loạn một vùng; thêm vô đó người ta thêu dệt, khiến ai đi qua cầu ban đêm đều chùn chân. Không phải đánh nhau lẻ tẻ, mà theo băng nhóm; rồi trộm cắp, cướp, cách đây 1 năm xảy ra cướp tiệm vàng, dân phát hiện, nó tuôn đầu chạy, đến giờ chưa bắt được…

“Có cầu làm ăn lên, thì phát sinh môi trường ô nhiễm” - ông Hùng nhíu mày - “Nhưng ô nhiễm thì kiểm soát được chứ an ninh trật tự phức tạp lắm. Vì thế từ khi xảy ra chuyện băng nhóm đánh nhau, Đại An và Duy Hòa đã ký kết quy chế phối hợp. Đường duy nhất là cầu, nếu hai bên không liên thông với nhau, chạy qua bên nào cũng đổ thừa là do bên kia quản lý. Từ ngày có quy chế đó, giảm hẳn nạn đua xe, gây gổ. Nhưng lo nhất vẫn là tệ nạn mua bán, sử dụng ma túy. Thêm mối lo nữa là xã phải kiểm soát chặt việc xây dựng, quản lý đất đai”. Tệ nạn nóng là đúng, không loại trừ đối tượng gây án không phải chỉ từ Đại Lộc sang, Nam Phước lên, là cánh từ Đà Nẵng vào nữa, khi đường quá tiện. Càng phát triển tốt thì những con số đáng lo ngược lại, càng leo lên.

Dân thôn Phú Lạc và nhất là La Tháp Tây, xem ra hưởng lợi nhiều nhất từ khi có cầu. Tôi vào một xưởng bán vật liệu xây dựng ở ngã ba đường rẽ qua cầu và dẫn vào Mỹ Sơn, một thanh niên đang bốc xi măng lên xe tải nói rằng, ngày nào cũng có điện thoại kêu chở, chứ mấy năm trước xe em chở cây keo… sặc máu. Bà Nguyễn Thị Đạt bán áo quần trong chợ Kiểm Lâm thì nói, nghe đồn dời chợ, đang bán buôn được mà nghe rứa là lo. Thông tin này tôi có nghe từ ông Hùng, khi hỏi ông về đường hướng phát triển của xã. Ông cho hay, tại La Tháp Tây đang có dự án làm khu thương mại; chỗ mấy lò gạch cũ sẽ được giải tỏa, dời chợ Kiểm Lâm vô để làm quy mô lớn hơn chứ chợ hiện tại nhỏ quá, mưa lớn là ngập. Có một dự án vừa được huyện khảo sát và đồng ý, doanh nghiệp sẽ làm bể bơi, phòng tập gym…

3. Tỷ trọng thương mại dịch vụ hiện giờ là 55%, công nghiệp 37%, nông nghiệp là 8%... Những con số này cho ra một cái nhìn khác biệt về sự đổi thay của Duy Hòa, nếu đặt nó trong suốt quá trình phát triển, với địa thế là ngõ giao thương đầu mối vùng tây Duy Xuyên, bao nhiêu năm cứ nhạt nhạt buồn buồn, bởi chẳng có một cú hích nào khiến nó thay đổi. Chỉ có sự lên ngôi của thương mại dịch vụ, công nghiệp thì mới có sự thay đổi đáng kể, nếu muốn, bằng không thì cứ bám rừng bám ruộng.

Duy Hòa cũng như Duy Phú, Duy Thu, rồi Duy Tân, cứ mãi vậy. Ai cũng muốn khác đi chứ ai muốn tụt hậu, nhưng đâu phải muốn là được. Tôi đi giữa hàng quán ken dày trước chợ Kiểm Lâm, đường cũ chật chội, xe máy, ô tô liên tục, cảm giác đường dẫn cây cầu Giao Thủy không phải chấm dứt ở những toan tính kỹ thuật xây dựng, mà nó mở ra một lối rẽ cho Duy Hòa lẫn vùng tây Duy Xuyên. Huyện Duy Xuyên xác định tại đây chính là trung tâm lan tỏa phát triển các xã còn lại, trên cơ sở có quy hoạch bài bản, khả thi, thu hút đầu tư hiệu quả, đi kèm những dự lường không hay khi nhịp sống nơi đây đang trên đà đi lên.

Bao năm rồi, trong tôi vẫn là câu hỏi cho câu chuyện phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ sẽ ra sao ở vùng rìa Mỹ Sơn, khi nó không như Hội An? Đây là câu chuyện khó, đằng đẵng kéo dài từ thập niên 80 của thế kỷ trước, với quy hoạch đã thảo ra, bàn tới bàn lui nhưng vẫn đi vào ngõ cụt bởi muôn vàn khó khăn. “Hãy tuyên truyền và nghĩ nhiều về nó, sẽ giải được” - một cán bộ tâm huyết với việc này nói.

Nhưng không bột sao gột nên hồ được. Vậy, phải chăng, từ bây giờ, đã hé lộ “đường máu” cho bài toán sinh tử về du lịch sinh thái vùng tây Duy Xuyên, lấy Mỹ Sơn là hệ quy chiếu tác động? Khi dân cư đông, dịch vụ phát triển, tất nảy sinh nhu cầu, nhà đầu tư sẽ để mắt đến, thì lúc đó, điều quan trọng là nắm được nhu cầu thật sự của khách tại một nơi du lịch thăm thú đặc thù như Mỹ Sơn, để giữ họ ở lại. Tôi nhớ họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người từng dựng ngôi nhà tranh gần tháp Mỹ Sơn, nói rằng mình không làm homestay nhưng khách như ở nhà mình, bởi họ đâu cần máy lạnh, bê tông…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lối rẽ ở cầu Giao Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO