Mẹ của hai người lính

TRẦN ĐĂNG 24/12/2019 14:13

Có lẽ chị Lê Thị Minh Thủy là Mẹ Việt Nam anh hùng ít tuổi nhất hiện nay. Chị sinh năm 1963, hiện cư ngụ tại TP.Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Chồng và người con trai của chị cùng hy sinh khi đất nước đã im tiếng súng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy. Ảnh: MAI ĐÔNG
Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy. Ảnh: MAI ĐÔNG

Đồng đội nhớ về người anh hùng

Các sĩ quan cùng thời với anh Dương Văn Thanh, chồng chị Thủy, nhắc về người đồng đội cũ của mình đều thể hiện sự nể phục. Họ nể anh Thanh không chỉ anh là một học viên tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Sĩ quan Không quân, được trường giữ lại làm giáo viên huấn luyện bay mà còn ở cái cách anh chọn lựa trước khi anh bay vào cõi hư vô trong chuyến bay định mệnh cuối cùng hôm 29.4.2005 trên bầu trời của đảo Hòn Tre, ngoài khơi TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đại tá Đoàn Văn Khang, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 910 nói: “Anh Thanh có quyền tự quyết trong thời khắc mà lằn ranh sinh tử của anh chỉ còn 30 giây ấy. Nhưng anh đã chọn cái chết cho mình. Đó là một sự hy sinh cao cả. Không phải phi công nào cũng hành xử như vậy. Nó đòi hỏi bản lĩnh của người sĩ quan cùng với trách nhiệm lớn lao. Đó là phải bảo vệ người dân bằng mọi giá, kể cả sự hy sinh của bản thân mình. Nếu anh chọn phương án 2, tức chọn “sống” thì không biết điều gì sẽ xảy ra hôm ấy. Có thể đó sẽ là một thảm họa chưa từng có”.

Còn ông Nguyễn Bá Thẩn, cựu cán bộ phụ trách kỹ thuật của Trường Sĩ quan Không quân - người cùng thời với Thượng tá Dương Văn Thanh thì ngoài việc đánh giá cao sự quên mình của người đồng đội cũ, ông còn phân tích dưới góc nhìn của nghiệp vụ kỹ thuật: “Sự cố xảy ra trong máy bay lúc đang tác nghiệp trên bầu trời là vô cùng chóng vánh, đòi hỏi anh phải xử lý nhanh. Loại máy bay mà anh Thanh cùng một học viên bay hôm đó là L-39 khá cũ. Hễ trục trặc chết máy trên trời là rất khó khắc phục, chỉ còn một cách là bung dù thoát thân. Anh Thanh đã không làm điều đó và “nhường” phần sống cho học trò của mình”. Từ khi máy bay hỏng máy đến khi nó rơi tự do chỉ còn đúng 30 giây để người phi công chọn lựa. Anh Thanh đã chọn cách “ở lại” trong buồng lái và rơi cùng máy bay để cứu dân.

Năm đó, Thượng tá Dương Văn Thanh - Trung đoàn phó Trung đoàn 910 vừa hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật với đề tài sử dụng rốc-két C5-K0, lắp đặt trên máy bay L-39. Chuyến bay hôm 29.4.2005 là chuyến bay cuối ngày trước khi đơn vị nghỉ lễ nhân 30.4. Không ngờ đó lại là chuyến bay định mệnh của người sĩ quan giàu lòng nhân ái và hào hoa này.

Dưới cánh bay của người cha

Sau khi chuyển phần dân dụng vào Cam Ranh, sân bay Nha Trang hoàn toàn được dùng vào việc huấn luyện bay quân sự. Là một sĩ quan có gần 25 năm bay huấn luyện, Thượng tá Thanh quá hiểu những gì sẽ xảy ra phía dưới cánh bay của mình nếu máy bay gặp sự cố. Nha Trang là thành phố du lịch, du khách lúc nào cũng chật ních phố phường. Vào các dịp lễ tết, khách càng đông hơn. Khu du lịch Vinpearl năm 2005 vừa mới đưa vào sử dụng chưa bao lâu nên gần như nó hút về mình phần lớn du khách khi đặt chân đến Nha Trang.

Hôm 29.4.2005, trên chiếc L-39 có Thượng tá Thanh cùng một học viên là Đào Việt Hưng. Chiếc L-39 đang lượn một vòng qua đảo Hòn Tre, bên dưới là khu vui chơi Vinpearl, người đông nghịt vì đi chơi lễ 30.4. Hai thầy trò đang thao tác cho chiếc máy bay lượn một vòng trên vùng trời ngoài khơi vịnh Nha Trang trước khi hạ cánh, khép lại một ngày “tập bay” cho học viên Đào Việt Hưng thì đột ngột chiếc máy bay chết máy. Thượng tá Thanh báo về sở chỉ huy, xin chỉ đạo từ mặt đất. Sở chỉ huy nhắn lại: “Nhảy dù gấp!”.

Sau này, Đào Việt Hưng kể lại về thầy giáo của mình: “Thủ trưởng Thanh ra lệnh cho tôi bung dù ngay, còn ông ở lại một mình để xử lý. Mà cũng chẳng xử lý gì được, chỉ là cho chiếc máy bay thoát ra khỏi khu du lịch trước khi nó rơi tự do. Cuối cùng thì chiếc máy bay đã rơi xuống biển như mọi người đã biết”. Hưng bung dù rơi xuống biển được đội cứu hộ vớt lên, còn Thượng tá Thanh thì rơi cùng chiếc máy bay cách đảo Hòn Tre không xa. Khi trục vớt chiếc L-39 ấy lên khỏi mặt nước, Thượng tá Thanh vẫn ngồi nguyên trong tư thế như đang bay vậy. Lúc ấy là 3 giờ chiều ngày 29.4, hàng nghìn người dưới cánh bay hôm ấy tại khu du lịch Vinpearl hoàn toàn không hay biết có một sĩ quan phi công đã buộc phải hy sinh để tránh một thảm họa.

Người phi công ấy đã sử dụng thành thạo 3 loại máy bay với hơn 2.195 giờ bay, trực tiếp đào tạo 48 phi công tốt nghiệp ra trường… đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 49 của mình.

Con theo nghiệp cha

Hành động phi thường của Thượng tá Thanh đã được ghi nhận. Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng tá Dương Văn Thanh vào năm 2007.

Năm thượng tá Thanh hy sinh, con trai của anh là Dương Lê Minh (sinh năm 1984) đang là học viên năm thứ hai của Trường sĩ quan Không quân. Có lẽ nhìn bộ đồ bay rồi nghe những câu chuyện thủ thỉ thầm thì của người cha sau mỗi chuyến bay, cậu con trai đã không đắn đo khi thi vào Trường Sĩ quan Không quân.

Hung tin về người cha đã đến với Minh lúc anh đang trên giảng đường. Quá đau xót nhưng không làm cho người con trai nhụt chí. Có người trong trường đã gợi ý để Minh chuyển sang lớp kỹ thuật chỉ ở mặt đất nhưng anh từ chối, quyết theo nghiệp bay của cha anh. Minh đã tốt nghiệp loại giỏi và được gửi đi tu nghiệp ngắn hạn tại Mỹ. Theo sự phân công của tổ chức, Minh chuyển vào Bà Rịa - Vũng Tàu để bay trực thăng dịch vụ, chở công nhân và máy móc ra các giàn khoan. Bên cạnh bay dịch vụ, Minh còn là giáo viên huấn luyện bay như cha anh từng làm.

Mọi việc cứ tưởng xuôi chèo mát mái, ngỡ Minh mãi mãi bình yên và hạnh phúc bên người vợ trẻ và hai cậu con trai khôi ngô thì ngày 18.10.2016, hung tin một lần nữa lại bay về Nha Trang, nơi anh có người mẹ đang vò võ một mình. Trong lúc bay huấn luyện cho hai học viên khác thì chiếc trực thăng EC-130T2 bị sự cố và rơi ở núi Bao Quan, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thiếu tá Dương Lê Minh mãi trẻ với tuổi 33 của mình cùng hai đồng đội trong chuyến bay định mệnh ấy!

Mẹ Việt Nam anh hùng

Trong vòng 11 năm, hai người đàn ông thân yêu nhất của chị Lê Thị Minh Thủy đã lần lượt bỏ chị mà đi. “Mỗi lần chờ đèn đỏ ở các ngã tư, tôi cứ ám ảnh câu chuyện 30 giây mà chồng tôi đã chọn lựa trước khi anh ấy vĩnh viễn không về. Có người hỏi tôi rằng, chị có đoán được trong 30 giây ấy, anh Thanh đã nghĩ gì? Tôi bảo, lúc đó thì ảnh chỉ nghĩ làm sao để điều khiển chiếc máy bay “lượn” ra xa khu vui chơi để khỏi gây thảm họa thôi. Còn nếu cho anh ấy nói một câu thì ảnh sẽ nói rằng “em lo giúp anh mấy đứa con cho trọn vẹn nhé”. Tôi thì cũng đã thực hiện được lời nguyện với anh là nuôi dạy con khôn lớn và dựng vợ gả chồng cho cả hai”.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy trước khi nghỉ hưu là Thiếu tá công tác tại Bệnh xá của Công an Khánh Hòa. Sau người con trai đầu Dương Lê Minh, chị còn một con gái hiện đã lập gia đình. “Mỗi lần nghe ai đó gọi tôi bằng danh xưng Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi lại chạnh lòng. Bao mẹ khác có con hy sinh trong chiến tranh chắc còn khổ hơn tôi nhiều. Nhưng có lẽ, dù là ngã xuống trong chiến tranh hay hy sinh trong thời bình, sự mất mát nào cũng để lại nỗi đau rất lớn cho người ở lại. Cũng may là tôi vẫn còn niềm vui mỗi khi nhìn lũ cháu, tôi bắt gặp ở đó hai khuôn mặt thân yêu nhất của mình, đó là chồng và con trai tôi” - chị Thủy trải lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mẹ của hai người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO