Ngẫm Colosseum, nhớ về một Hổ Quyền đầy tư lự

HOÀNG VĂN MINH 12/07/2020 07:22

Buổi chiều ấy, cuối cùng, tôi cũng lê chân mình đến được với Colosseum - Đấu trường La Mã huyền thoại của thành Rome đã hơn 2.000 năm tuổi, một trong 7 kỳ quan thế giới mới của nhân loại. Giây phút đầu tiên sau một cái nhìn toàn cảnh đầy choáng ngợp, tôi bỗng nhớ về Hổ Quyền, một đấu trường nơi đất Việt mà ai đó từng ví von rất thú vị là “một Colosseum đầy tư lự”.

Bên trong đấu trường Colosseum.
Bên trong đấu trường Colosseum.

Vinh quang và tàn bạo của thành Rome

Bắt đầu từ một ý tưởng của kiến trúc sư Robert Adam, Hoàng đế Vespasian đã cho xây dựng Đấu trường La Mã trên một thung lũng có con kênh chảy qua, nằm giữa ba ngọn đồi trong bảy ngọn đồi nổi tiếng của nước Ý là Caeli - Esquiline  - Platine. Đấu trường được khởi công từ năm 72 sau Công nguyên, hoàn tất năm 80 theo cấu trúc đứng tự do - Elipse, dài 189m, rộng 156m, cao 48m gồm ba bậc, tương đương với tòa nhà 15 tầng theo quy cách hiện đại, tổng diện tích xây dựng 6ha.

Công trình sử dụng đến 300 ngàn mét khối đá đặc biệt có tên travertine cùng với 300 tấn vòng kẹp sắt nối giữ đá với nhau tạo ra 80 bức tường ngăn chia các sân thi đấu và khán phòng. Các mái vòm bên trên tầng trệt tạo ra 80 cửa ra vào, trước mỗi lối ra đều có đánh số, để khán giả dễ tìm ra chỗ ngồi. Các khán phòng chứa được 50 - 55 ngàn khán giả. Tầng hầm được xây dựng kiên cố với lối ngang dọc mắc cửi, dành cho diễn viên và ngăn giữ thú dữ chờ lên sân khấu thi đấu hay biểu diễn. Trước mặt đấu trường là một quảng trường với tháp đứng nhìn ra một vịnh nhân tạo. Tu sĩ Bede, người đã được phong thánh vào thế kỷ thứ 8 từng nói: “Chỉ cần Colosseum đứng vững là Rome sẽ đứng vững, khi Colosseum sụp đổ nghĩa là Rome sẽ sụp đổ. Khi Rome sụp đổ, cả thế giới cũng sẽ gục ngã”.

Hổ Quyền ngày nay.
Hổ Quyền ngày nay.

Michela - nữ hướng dẫn viên người Ý nói dù đã 2.000 năm, nhưng đến thời điểm này Colosseum vẫn còn có bốn điều được coi là bí ẩn với người đương thời. Thứ nhất, công trình đồ sộ này được xây dựng chỉ trong vòng 5 năm. Thứ hai, ngoài sử dụng 300 ngàn mét khối đá đặc biệt, còn có thêm gạch tự tạo có tên brickfaced - từ chuyên môn trong kiến trúc gọi là “đá lộ mặt”, tức một loại gạch làm bằng đất sét đặc biệt để ốp tường. Gạch lộ mặt này được tự chế để có gam màu và vân gạch theo ý muốn nhà thiết kế. Thứ ba là thiết kế tài tình với 80 cửa vòm cuốn, để từng khán giả có thể thoát nhanh ra ngoài trong vòng vài phút giữa khi đông người và có sự cố. Liên quan bí ẩn thứ ba là bí ẩn thứ tư, “nơi đón chào của thần chết”, các võ sĩ giác đấu đến đây đều chào nhau bằng cách chỉ ngón tay cái vào ngực trái, biểu tượng của kiếm đâm vào tim, dù là thi đấu bằng kiếm gỗ.

Theo Michela, dưới thời các đấu sĩ, Colosseum còn được ví như đường dẫn tới địa ngục. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu đẫm máu giữa cả người và động vật hoang dã. Ước tính, hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở đấu trường này nhằm mua vui cho mọi người. Đây là nơi các “ngôi sao” chiến binh xuất hiện nhưng cũng là nơi những cuộc đời đẫm máu chấm dứt. Là nơi vinh quang của thành Rome hiển lộ và cũng là nơi trái tim tàn bạo của nó phơi bày. Thú vị là phụ nữ cũng được chiến đấu tại Colosseum, tuy nhiên họ chỉ đánh với nhau với các con vật. Những đấu sĩ nữ như thế được gọi là Gladiatrice còn những người đồng nghiệp nam là Gladiator. Và nếu một đấu sĩ sống sót qua các cuộc chiến tới khi đủ tuổi nghỉ hưu, họ sẽ được tặng một thanh gươm gỗ gọi là rudis như một vật kỷ niệm ngày chia tay.

Đấu trường độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Nghe Michela kể chuyện, thi thoảng tâm trí tôi cứ bị trôi về với hình ảnh những nữ du khách tóc vàng óng ả thơ thẩn đầy lưu luyến trong lòng Hổ Quyền mà tôi tình cờ gặp được đâu đó vào những buổi chiều hè ở cố đô Huế. Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình tròn, rất giống với Colosseum tuy không đồ sộ bằng. Hình dạng tròn cho phép người xem quan sát được mọi ngóc ngách trên sân đấu một cách rõ ràng. Đồng thời các cặp voi hổ tử chiến có thể dễ dàng quần thảo mà không sợ vướng víu như kiểu đấu trường hình vuông hay hình chữ nhật. Sân đấu trường nằm gọn trong hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Giữa hai vòng thành này, người ta đổ đất vào để lấp khoảng trống và cũng là để tạo cái nền làm khán đài, chỗ cho khán giả đứng xem. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế vững chãi, vừa tạo thế dáng cho đấu trường, vừa củng cố sức chịu lực chứa lớp đất.

Từ dưới chân tường mặt bắc có hai cầu thang lên khán đài. Cầu thang thứ nhất dành cho vua và hoàng gia. Cầu thang thứ hai dành cho lính và dân thường. Đối diện với khán đài có năm cái chuồng nhốt hổ nằm lọt thỏm giữa hai vòng thành. Phía trên chuồng có tấm biển bằng đá chạm chữ Hổ Quyền (Hán tự). Các chuồng kích thước khác nhau, từng có các cánh cửa bằng thép. Những vết hổ cào in sâu vào tường ở ba chuồng giữa cho ta cảm nhận được sức mạnh dữ tợn của loài mãnh thú. Ngoài thành có một cửa cao tám thước, rộng bốn thước năm tấc, có hai cánh cửa bằng gỗ, đế bằng phiến đá thanh. Voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Vòng tường thành bên ngoài có hàng lan can thông thoáng, hệ thống thoát nước với hoa văn hình mặt hổ, cả thảy hai mươi hai miệng ống xối hình đầu cá. Sự chu đáo trong thiết kế này nhằm hạn chế úng ngập cho đấu trường.

Hổ Quyền còn có tên khác là Hổ Quyển hay Hổ Khuyên, nay khiêm tốn trong một góc hẻm con con trên đường Bùi Thị Xuân, TP.Huế. Lịch sử hình thành Hổ Quyền gắn với việc huấn luyện voi chiến có từ thế kỷ 16 - 17, thời các chúa Nguyễn, rồi được chuyển thành một đấu trường chuyên nghiệp vào thời vua Nguyễn. Trước khi Hổ Quyền được xây dựng, những trận đấu giữa voi và hổ được tổ chức ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Nhiều sử liệu ghi chép chuyện năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến hòn Dã Viên để xem một cuộc đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa voi và hổ. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử vì từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, 40 con voi đã tàn sát 18 con hổ được thả ra để làm vật tế thần trong ngày hội.

Thời các vua Nguyễn, khi chưa có một đấu trường riêng để đảm bảo an toàn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn được tổ chức và được xem là những ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Theo hồi ký của Michel Đức Chaigneau, dưới thời vua Gia Long, từng có một trận đấu được tổ chức ở trước kinh thành, trận đấu đó diễn ra rất ác liệt. Dù bị cột bằng dây thừng rất chắc nhưng con hổ đã bứt dây, nhảy lên tát người quản tượng rơi xuống đất. Người quản tượng đã bị chính con voi do mình huấn luyện giẫm chết. Vào năm 1829, vua Minh Mạng ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra, bơi đến thuyền vua. May thay quan quân hộ giá giết được hổ giữa dòng sông. Do sự cố này, để đảm bảo an toàn cho những lần tiếp theo, năm sau (1830), vua Minh Mạng cho xây đấu trường ở đồi Long Thọ, gọi là Hổ Quyền.

Trận đấu cuối cùng được ghi nhận vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái, do vua tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ. Trong cuốn “Quần thể di tích Huế”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An kể: “Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: “Con này can đảm lắm”. Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết...”.

Colosseum ngày tôi tìm đến là một điểm du lịch chính ở Roma mỗi năm đón hàng triệu du khách. Từ năm 2012 đến nay, vé tham quan đấu trường được bán kết hợp với vé vào quảng trường La Mã và đồi Palatine với giá 12 euro (khoảng 350.000 đồng). Đấu trường mở cửa hàng ngày từ 8h30 đến trước khi mặt trời lặn một giờ. Còn đấu trường Hổ Quyền ở Huế, dù “mở cửa” miễn phí 24/24 giờ nhưng luôn trong tình trạng tư lự với mỗi năm đón chừng vài chục du khách, chủ yếu là sự tò mò của khách Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngẫm Colosseum, nhớ về một Hổ Quyền đầy tư lự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO