Nước mặn “ăn” Covid-19

TRUNG VIỆT 26/04/2020 08:46

Vắng ngắt ở trung tâm xã Bình Minh (Thăng Bình). Sao giống hồi đó, 2006, bão Chanchu quét tan tành, rồi cũng yên, nhưng sắc màu khác. Hồi đó, nhắc lại mà ám ảnh đến trố mắt hỏi trời. Còn bây giờ cũng lặng ngắt, dù bao sắc màu xanh đỏ tím hồng do đời sống đã lao đi và phổng phao da thịt làm khác hẳn những ngôi nhà trên cát buồn thiu một thuở. Tôi đã nghe kể Bình Minh chừ giàu do làm biển, do giá đất lên khi dự án này nọ về...

Bến cá Tân An.Ảnh: T.V
Bến cá Tân An.Ảnh: T.V

1. Im. Hàng quán đóng cửa. Ngay cả tiếng xe máy cũng kiệm âm chát chúa. Chủ tịch UBND xã là ông Phan Phước Đồng, nói rằng chống Covid-19, ở đây làm quyết liệt lắm, quán ăn, dịch vụ dừng hết; xã phân công trực 3 ca liên tục. “Chỉ mệt là chỗ bãi tắm” - ông nói - “dân các nơi đổ về tắm quen rồi, dịch nhưng họ cứ đi, xã phải kết hợp với biên phòng, từ 15h chiều đã có mặt, sáng 4h đã canh trên các tuyến đường ra biển”. Chuyện không tụ tập này nọ, là đương nhiên. Điều tôi muốn hỏi là chuyện tụ tập đông người ở làng biển. Quy định thì ai cũng biết, nhưng làm biển mà không được hai người trở lên thì chỉ có… nhậu, ai kéo lưới ai làm cá rồi bán cá? Bữa đồng nghiệp gửi bản tin ở Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) xã không cho tập trung ở bến cá, dân treo lưới, đói liền, la rân, khiến tỉnh phải vào cuộc yêu cầu bỏ lệnh đó, chỉ khuyên bà con nên giữ vệ sinh.

Thực hiện Chỉ thị 16, nói như Trung ương là nơi quá tả nơi quá hữu. Biển là đặc thù. Ông Đồng gật đầu: “Thiệt khó, nhưng đành chấp nhận bởi làm biển mà, bến cá Tân An, tàu ghe Bình Hải, Bình Minh, Bình Nam rồi tiểu thương địa phương, Đà Nẵng đến mua, chợ thì anh biết rồi, chỉ còn cách kiểm soát yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn. Tại chợ Bình Minh cũng thế”. Chỗ chợ, Hội Phụ nữ xã đã đặt một máy sát khuẩn tự động. Loa phát thanh không ngừng nhắc nhở bà con. “Vậy, kéo lưới có đeo khẩu trang không?” - tôi “mớm”. “Cái nớ khó kiểm soát” - ông nói chân thành. Xã vận động bà con quyết liệt. Dân ở biển, lắm khi chuyện dịch diếc này nọ, lâu ni như thể ở mô mô, có liên quan chi mình. Mặc kệ. Nhưng lần ni là không giỡn mặt được đâu.  Bữa trước có hai đám tang, xã vận động bà con thắp hương xong là đi. Tình nghĩa vậy là đủ, vì cái chung, ai cũng nên thông cảm. “Tóm lại là cũng có khó, nhưng tụi tôi cố gắng” - ông nói.

2. Sập tối rồi. Gió luồn qua cát, lọt qua hẻm vốn ngày càng không rộng ở làng biển, lang thang thả hồn qua những nóc nhà thấp cao. Tôi đi tìm nhà anh Trần Văn Mạnh, thôn Bình Tịnh, chủ tàu QNa-95005 vừa đánh bắt xa bờ về được hai ngày. Hết người này vô, đến lượt người khác ra. Lạ. Anh cán bộ xã… thuyết minh: “Bạn đi tàu đó, vô lấy tiền, không dám tập trung đông”. Tôi ngồi với anh Mạnh ngay hiên nhà. Tàu đi hai tháng, đánh được 27 tấn mực. “Khá hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại sự cố” - anh nói. “Chuyện chi?’’. “Dịch… u… ơ chi chi 19 đó, à Covid-19, làm giá rớt”. “Mấy?”. “Ví dụ trước mực khô 135 - 140 ngàn đồng/kg, nay còn 100 ngàn. Nậu buộc hạ giá, coi như vụ ni tính sơ em mất 400 triệu đồng, thành ra tưởng khá mà thành kém. Chia đều nhau được 30 triệu/người, tính tổn phí, ăn uống, coi như vừa đủ cho 38 người”.

Tôi quay lại chuyện con vi rút đó, thử coi nó có ăn nổi nước mặn trong tâm trí anh em không, khi suốt ngày lênh đênh trên sóng. Anh Mạnh nói: “Trước khi đi, thì có nghe dịch nhưng phòng chống chi anh, biển mà, dịch mô mò tới được. Trước khi cập bến tụi em được đo thân nhiệt, phát khẩu trang, sát khuẩn. Cân mực xong là về, không xúm lại, chứ nói thiệt mọi khi xong là tụ tập ăn nhậu sau mới chia tiền, chừ ai về nhà nấy”.

“Mang khẩu trang có quen không?” - tôi hỏi. “Vô bờ, đi ra ngoài thì hay mang, chứ kéo lưới thì khẩu trang chi, thở hộc hơi không nổi mà khẩu trang nữa, ai chịu nổi” - anh cười thiệt dài. “Có theo dõi sát tình hình không? Tâm lý anh em ra răng?’’. “Tụi em nghe đài, biết hết, lúc đó đang ở Trường Sa, có đứa sợ run, nói thôi thôi khỏi bắt cá mắm chi nữa, cú ni chết hết rồi, nhưng vô bờ thì thấy bình thường”. Cảm giác sợ hãi đó, tôi đã nghe một bạn biển của anh Mạnh kể. Anh này nói rằng, nghĩ lần ni chết hết, mình về sống với ai đây, làm chi cho lắm về bán cho ai, nhưng rồi cũng làm chứ bỏ chi được. “Dân biển mà anh” - anh Mạnh trầm tư - “sinh ra làm biển, học hành ít, nghề khác không biết, không biển thì lấy chi sống”.

3. Dịch hay không cũng không bỏ biển. Một tuần nữa họ ra khơi, tranh thủ gió Tây Nam. Cũng lời anh Mạnh, là đợt này hạ giá mực thảm kinh, 16 năm rồi mới rớt tệ trở lại, tức từ sau bão Chanchu. Lời anh nói dội lên trong tôi lần nữa khi về tá túc nhà anh Dưỡng, gần trụ sở UBND xã Bình Minh. Dưỡng là bạn hồi đại học với tôi, giờ đang dạy văn cấp 3. Chanchu, nhờ ngôi nhà thấp buồn mà rộng rãi tấm lòng của Dưỡng, tôi đã cày bài vở cho tòa soạn khi cơn bão kinh hoàng đó quật đổ bao người Bình Minh. Mười sáu năm, bây giờ là ký ức dần phai khi áo cơm sóng gió táp lên từng ngày ở họ, phai nhưng không bao giờ mất, bởi đó là chuyện sống chết là đau thương kiếp nạn của bao gia đình. Nhớ để mà sống.

Một đêm thật dài ở nhà Dưỡng, gió lạnh khiến tôi cứ nhìn trừng trừng vào tượng Chúa giữa nhà. Dưỡng mộ đạo, tự tin, thẳng thắn và khá liều lĩnh. Làm ông thầy giáo, nhưng cốt cách dân biển rặt ròng. Chúa hay Phật hay đấng trên cao huyền linh nào, không biết có nhìn thấu xuống trần gian đang “mùa địa ngục” như tên của một tác phẩm của thi sĩ lừng danh Arthur Rimbaud. Không biết các vị nghĩ gì, rồi người sáng lập trường phái ấn tượng trong thơ này, nếu hiện hồn ra lúc bấy giờ, thì những vệt sáng chấm phẩy trong thơ vốn là phong cách của nghệ thuật của trường phái này, có dành cho nhân loại đau thương hiện hữu ánh sáng nào để linh hồn mau thoát khỏi hố đen chết chóc?  Không  biết. Chỉ thấy lặng im mênh mông. Hỡi loài người, tự gieo thì tự gặt, hay sao?

4. Bốn giờ sáng, tôi ra bến cá Tân An. Đúng y bữa  trời trở gió, tàu không đi nên đành chịu, ê chề… âm mưu mua cá bãi ngang về ăn. Ba chiếc xe đông lạnh đang mở cửa. Thương lái ồn ào. Điện sáng trưng. Có một người mặc đồ dân quân hỏi chúng tôi từ đâu tới. Biết rồi, anh liền nói bữa nay chỉ có cá từ Núi Thành ra, bà con mua rồi chở đi khắp nơi. Ai nấy khẩu trang bịt kín. Xã trực chặt lắm. Lạ mà vô thì biết liền. Tình hình này mà lỏng ra là nguy. “Cá không hạ đâu anh, còn ngặt thì còn cao” - một chị nói. Họ í ới một góc bến, chất đầy lên xe rồi chở đi. Tất nhiên không có chuyện giãn cách 2 mét. Giành nhau, la hét, cãi lộn, cười... thì giãn cách sao sinh động được. Mọi thứ như chưa từng có dịch, biết đến dịch. Cảm giác mọi thứ bình yên len đến. Đồng nghiệp đưa máy ảnh lên, một chị khoát tay: “Khoan đã, để đeo khẩu trang không thì bị phạt chết, đưa lên mạng, dị òm”. Chị này vừa cãi lộn xong.

Mì tôm, cà phê gói pha liền. Tìm đâu ra hàng quán mà ngồi phách lối như mọi ngày. “Tình hình ni không biết răng mi hè?” - Dưỡng hỏi với vẻ âu lo. “Cứ yên tâm… mất dạy vài ngày nữa đi con” - tôi trả lời làm hắn cười ầm lên. Dạy văn mà trực tuyến, chán lắm. Dưỡng kể, ở đây đón dịch trải qua ba cấp độ. Lần 1, lúc đó mới phát, thiên hạ nói ở mô mô mắc chi mình. Lần 2, khi có hai người Anh dính ở Hội An có liên quan Vinpearl Nam Hội An, bắt đầu cuống lên, tiếp đó là bệnh nhân thứ 17 ở Hà Nội dính tùm lum, làng biển náo động. Có đêm xô nhau chạy tới tạp hóa mua gạo, mì tôm. Bên Hội An cũng chạy qua đây mua. “Mi có tin ở đây chạy lên tới xã mi mua không?”, Dưỡng “thắt” tình hình cho thêm gia vị. Lần 3 là chừ, ai nấy ngăn nắp tuân thủ, sợ lắm chứ ai nói không sợ, nhưng đời sống không thể dừng lại. Chỉ mong không ai bị dính để mọi thứ bình yên, chứ thì chẳng biết ra răng. Chỉ mong con vi rút đó, nếu liều mạng mò tới, ăn phải… nước mặn là chết queo, đem “muối” luôn…

Đầu ngõ vô nhà Dưỡng, 5h sáng, anh chủ tiệm vi tính mở bài “Ta đã thấy gì trong đêm nay” qua giọng hát thô mộc hút chết người của cô gái hát nhạc Trịnh có tên Hoàng Trang. Buổi sáng làng biển trong vắt, không tiếng xe, tiếng người, khiến giọng hát như mang một hơi thở và thông điệp khác. Đêm đã qua, và đêm nay sẽ tới. Hãy trong lành như giọng hát nọ…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nước mặn “ăn” Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO