Ở thung lũng tử thần

TRẦN ĐĂNG 06/09/2020 06:40

Tôi hỏi một số vị cao niên ở Khánh Sơn - huyện vùng cao của tỉnh Khánh Hòa, Ô Kha có phải là tiếng Chăm không? Tất cả đều lắc đầu. Họ chỉ nói, tên gọi đó để chỉ sự chết chóc. Đó là câu chuyện của 30 năm về trước, còn bây giờ, cả thung sâu như tràn ngập một sắc hoa vàng cùng với mùi sầu riêng thơm dịu.

Thị trấn Tô Hạp trong sương sớm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Thị trấn Tô Hạp trong sương sớm. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Từ đỉnh đèo Khánh Sơn nhìn về phía tây, đập vào mắt du khách là những dãy núi điệp trùng, sương mai giăng mắc phủ kín thị trấn Tô Hạp. Mùa mưa đã đến với nơi đây sớm hơn nên cỏ cây như được khoác lên mình một sắc xanh dịu ngọt. Thị trấn thoảng mùi sầu riêng - loại trái cây cứ ngỡ chỉ có ở vùng đất phù sa Nam Bộ hoặc Tây Nguyên đất đỏ bazan.

Ở thị trấn Tô Hạp này, sầu riêng đã thành thương hiệu quốc gia từ 3 năm nay. Hằng năm, vào cữ cuối hạ đầu thu, huyện Khánh Sơn tổ chức Lễ hội trái cây nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã đóng sập cánh cửa khiến hàng ngàn hộ dân là đồng bào dân tộc Raglay “lỡ đà”. Hàng tấn sầu riêng được chăm chút cẩn thận mong đến ngày phô diễn cho khách thập phương, chưa kịp bán quả nào đã phải vội thu xếp trả về bản quán ở các nhà vườn. Có vẻ như bóng ma chết chóc từ một tên gọi “Ô Kha” xưa cũ hiện về…

Sầu riêng ở Khánh Sơn. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Sầu riêng ở Khánh Sơn. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Lần giở quá khứ

Thung lũng Ô Kha như một lòng chảo, tứ bề giăng mắc núi. Phía bắc là Hòn Bà cao 1.500 mét - nơi nhà bác học, bác sĩ Yersin mở trại thực nghiệm để nghiên cứu các loại giống cây trồng cũng như các loại vắc xin cứu người; phía tây và nam là những dãy núi điệp trùng quanh năm mây phủ.

Tháng 11.1992, chiếc máy bay loại nhỏ của hãng hàng không quốc gia Việt Nam chở theo 31 hành khách cùng phi hành đoàn, bay từ TP.Hồ Chí Minh ra Nha Trang, khi đến thung lũng này, đã đâm vào một ngọn núi làm 30 người tử nạn, chỉ một hành khách sống sót. Người phụ nữ đầy may mắn ấy là bà Annette Herfkens, người Hà Lan. Bà đã phải trải qua 192 giờ trong rừng rậm nơi thung lũng Ô Kha với những vết thương tóe máu cùng cái đói, cơn khát và cả nỗi sợ hãi bủa vây, để chống chọi với thần chết trước khi đội cứu hộ tìm được bà.

Bà Annette Herfkens gặp lại ân nhân của mình tại Ô Kha. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bà Annette Herfkens gặp lại ân nhân của mình tại Ô Kha. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Thảm kịch của vụ rơi máy bay ấy không dừng lại ở đó. Sau khi hay tin chiếc máy bay dân sự gặp nạn, lực lượng cứu hộ đã điều một chiếc trực thăng bay đến Ô Kha để tìm kiếm. Chưa kịp phát hiện ra nạn nhân cần cứu, chiếc máy bay nọ cũng đã đâm sầm vào một ngọn núi gần đó, khiến 8 người trong đội cứu hộ thiệt mạng, mãi đến gần một tháng sau mới tìm ra chiếc máy bay cùng những người xấu số này.

Sáu năm trước (8.2014), bà Annette Herfkens đã trở lại Ô Kha để gặp các ân nhân của mình. Cho đến lúc ấy, sau 22 năm rồi nhưng nỗi kinh hoàng như vẫn còn nguyên trong ký ức của người phụ nữ ấy. Bà Annette Herfkens nói trong nước mắt khi gặp lại những người đồng bào Raglay đã cứu bà năm đó: “Các bạn đã sinh tôi ra lần nữa. Thung lũng này đã ám ảnh tôi suốt 22 năm nay”.

Còn ông Cao Văn Hạnh - một trong những du kích năm xưa đã tiếp cận hiện trường sớm nhất và khiêng bà ra khỏi rừng rậm thì nói rằng, năm 1970, một chiếc máy bay của không quân Mỹ cũng đã rơi xuống vùng rừng này. Theo các nhà nghiên cứu bên hàng không, nguyên nhân để người ta đặt cho thung lũng này là “tử thần” là do không khí vùng này loãng, máy bay khi bay qua khu vực Ô Kha thường bị “kéo” xuống vài trăm mét. Nhiều vụ máy bay rơi tại đây là vì lý do này.

Đó là chuyện cũ, thung lũng đau thương ngày ấy giờ đã thành những cánh đồng vui.

Từ tô hạp cây

Rất nhiều người sống ở Khánh Hòa hơn 40 năm nay nhưng không biết thị trấn vùng cao này lại có tên là Tô Hạp. Nghe ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn nói lai lịch của cây tô hạp đến là tò mò. “Xưa vùng này toàn cây tô hạp nên người ta mới đặt tên cho thị trấn. Nó có họ hàng với cây thông nên thân cây có nhựa. Nhựa của cây tô hạp còn chữa được bệnh… đau bụng rất hiệu nghiệm (?)”. Tôi không đau bụng nhưng nghe quá khứ vàng son của loài cây lạ hoắc này, bèn đi tìm cho bằng được. Nghe tôi “máu” quá, ông Nhuận nói khó: “Lên tuốt trên thác Tà Gụ mới thấy cây này. Nhưng giờ tôi bận quá không đưa anh đi được”.

Đang bí thế không biết bấu víu vào đâu để tìm cho ra cái cây lắm giai thoại này thì ông Nguyễn Nam - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Sơn lên tiếng: “Tôi sẽ đưa anh đi!”. Nói đoạn, ông Nam a lô cho một anh trong Hội Cựu chiến binh của xã Sơn Hiệp, nơi có thác Tà Gụ: “Cậu đợi chúng tôi ở đó nhé. Mười lăm phút nữa có mặt, cậu dẫn đi tìm cái cây mà hôm tụi mình nướng cá, lấy lá của nó kẹp vô rồi chấm muối đó”. Đầu dây bên kia nghe tên cây “tô hạp” thì còn lờ mờ nhưng nhắc đến loài cây mà có lá kẹp với cá nướng dưới suối là nhớ ra ngay. Anh cựu binh đầu dây bên kia “dạ” rõ to trong máy.

Không phải mười lăm phút mà gần một tiếng mới tới nơi. Chúng tôi đi dọc theo suối Tà Gụ. Ông Nam bứt một lá cây vắt ngang lòng suối, vò nát rồi đưa tôi: “Anh ngửi xem có mùi gì?”. Chưa đưa tận mũi đã tứa nước bọt vì mùi thơm thơm lại có vẻ chua chua của nó. “Lá tô hạp đấy. Kẹp với cá suối nướng là hết chê luôn!”. Tôi nhìn dọc suối Tà Gụ, những thân cây lực lưỡng vài người ôm đứng chen chân với đá núi, nhiều cành xoãi xuống giữa lòng suối cạn. Chợt thấy nao nao: “Giá như cả thị trấn Tô Hạp mà giữ lại toàn loài cây này thì…”. Ông Nam cắt ngang: “Nó chỉ để… nướng cá uống rượu thôi anh. Cây sầu riêng mới là thứ mang lại no ấm cho đồng bào Raglay ở xứ này”.

Đến Tô Hạp thị trấn sầu riêng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn nói không cần mở sổ tay: “Toàn huyện hiện có 2.000 hecta sầu riêng, trong đó có 500 héc ta cho quả. Năm ngoái số diện tích trên cho hơn 4.000 tấn quả, năm nay chắc tăng khoảng 1.000 tấn. Bình quân 40 triệu một tấn, như vậy mỗi năm chỉ quả sầu riêng đã mang lại cho dân Khánh Sơn 160 tỷ đồng. Đó là chưa kể mía tím, măng cụt và bưởi da xanh cũng là những loại trái cây đặc sản của vùng này”. Tôi nhẩm tính, dân Khánh Sơn quanh thung lũng Ô Kha này chừng trên hai vạn mà thu từ trái sầu riêng đã từng ấy tiền thì có lẽ đây là huyện vùng cao ở các tỉnh miền Trung đã sớm trả lời được câu hỏi mà từ lâu thành giai thoại hài hước: “Nuôi con gì? Trồng cây gì?” rồi.

Tôi hỏi cả ông Nhuận - Chủ tịch UBND huyện lẫn ông Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp là cây sầu riêng từ trên trời rơi xuống hay sao mà đến nay mới… nổi tiếng và mang lại no ấm cho bà con vùng cao này? “Cũng trầy vi tróc vảy lắm chứ chả phải thuận buồm xuôi gió gì đâu. Tìm đủ các loại cây có trái để “thử” vùng đất này, cuối cùng đọng lại được cây sầu riêng. Anh em bên nông nghiệp họ nhập giống từ Thái Lan về rồi lai tạo để thành “sầu riêng Khánh Sơn, hạt lép, múi dày, thơm dịu nhẹ chứ không gắt” như các anh thấy đấy” - ông Nhuận nói một thôi về loại cây chẳng khác gì “vàng” này.

“Điều may mắn cho Khánh Sơn là mùa sầu riêng ở đây “lệch pha” với các nơi nên càng được giá. Chỉ tháng 7, tháng 8 thì sầu riêng Khánh Sơn mới chính thức vào mùa. Dưới chợ Đầm Nha Trang bán sầu riêng trong tháng 5 mà bảo lấy từ Khánh Sơn là xạo đấy” - ông Hiếu tiếp lời.

Nếu như các huyện vùng cao ở miền Trung hiện nay được phủ kín cây keo lai thì ở thung lũng Ô Kha này được phủ lên màu xanh của các loại cây trái mà sầu riêng chiếm nhiều nhất.

Từ thung lũng đau thương, hoa vàng và trái chín đã xóa đi bao nỗi sợ của một thời quá vãng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ở thung lũng tử thần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO