Tiếng k’thu vọng khắp núi rừng

ALĂNG NGƯỚC 07/02/2021 06:11

Từ gươl, tiếng trống k’thu vang vọng, mang thông điệp của già làng đến với cộng đồng. Mừng tết. Tất cả con dân đều gác lại công việc năm cũ, háo hức góp mặt cùng cầu may, chúc phúc giữa không gian hội làng truyền thống.

 

Vẫn một màn sương dày đặc. Chúng tôi bước ra khỏi nhà làng khi tiếng trống vang liên hồi. Chừng vài phút, sân gươl đã chật kín người. Pơloong Plênh - cán bộ văn hóa ở Tây Giang nói với tôi, đó là âm thanh báo hiệu dân làng tập trung. Người Cơ Tu từ xưa vẫn thường dùng “tín hiệu đặc biệt” này để thông báo cho cộng đồng mỗi khi có công việc gì cần thiết để bàn bạc hoặc tập trung hội họp, đặc biệt là sự kiện quan trọng như vui xuân, đón tết.

1. Con trâu đã được buột sẵn bên trụ x’nur (cây nêu). Vị trí này ở giữa làng, ngay tâm của gươl. Trống chiêng bắt đầu nổi lên, mừng con dân đã tụ tập đông đủ. Già làng Pơloong Nhăn (ở khu dân cư Arớch, thôn Nal, xã Lăng, Tây Giang) hú vang 3 tiếng dài trước khi làm lễ cúng thần linh, thể hiện niềm vui chào đón năm mới. Màn hú (ta’rooh) đối đáp mỗi lúc một nhiều hơn, trống chiêng nổi thêm một hồi nữa, các chàng trai, cô gái Cơ Tu xúng xính trong sắc phục truyền thống bước vào hội làng bằng vũ điệu tâng tung da dá.

Những sản vật được mang đến gươl, góp thêm hương vị cho “bữa cơm chung” của làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những sản vật được mang đến gươl, góp thêm hương vị cho “bữa cơm chung” của làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già Pơloong Nhăn nói, năm nay, hội chung của làng được lồng ghép bởi 2 sự kiện quan trọng: mừng gươl mới và mừng tết cổ truyền. Vì thế, phải tổ chức thật đặc biệt theo quy mô lớn nhất, nguyên bản nhất và hội tụ đủ đầy bà con dân bản. Đây vừa là dịp để “mừng công”, vừa là ngày hội đoàn kết trong cộng đồng làng, sau thời gian chung sống thuận hòa.

Trước đây, những lễ hội lớn, có “ăn trâu” thường kéo dài trong nhiều ngày liền, với nhiều hoạt động sinh hoạt vui chơi mang đậm bản sắc truyền thống. Nhưng, vài năm trở lại đây, nghe theo chủ trương của Đảng, hội “ăn trâu” được già làng thống nhất rút gọn nhằm đỡ phần nào gánh nặng về chi phí, cũng như hạn chế dần những lễ nghi không còn phù hợp. Trong đó, có nghi thức đâm trâu.

Chủ trương này, được chính quyền Tây Giang tiên phong khởi xướng, sau đó lan tỏa khắp vùng miền núi, như bây giờ. “Điều này cũng hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh hội làng cầu may chào đón đầu năm mới của đồng bào Cơ Tu” - già Nhăn bộc bạch.

Hội làng nên phải góp công, góp của. Ai có thứ gì thì mang thứ ấy đến gươl để tổ ga’mrây (hậu cần) làm nhiệm vụ kiểm đếm. Tất cả trở thành của chung, nguyên liệu chính phục vụ cho bữa cơm tất niên cuối năm của làng. Truyền thống bao đời, vẫn được gìn giữ ở khắp bản làng vùng cao, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu, trong ngày hội mừng tết.

Các thiếu nữ vùng cao xúng xính trong sắc phục truyền thống cùng tìm đến hội làng ngày đầu năm mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các thiếu nữ vùng cao xúng xính trong sắc phục truyền thống cùng tìm đến hội làng ngày đầu năm mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

2. Nhắc đến tết, bất chợt nhớ đến tục xông đất của đồng bào vùng cao. Tục này thường diễn ra vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán, nhưng không hoàn toàn ngẫu nhiên, mà luôn có sự sắp đặt.

Ông Alăng Giôr (ở làng Aré - Đhờ Rôồng, xã Tà Lu, Đông Giang) kể, ngày trước, người vùng cao thường tổ chức tất niên vào buổi sáng sớm đầu năm mới. Lúc đó, cả dân làng mời nhau để “ăn tết”. Từng đoàn người lũ lượt kéo từ nhà này sang nhà khác, cùng vui say cho đến tận đêm khuya. Nhưng, sau này vì thấy bất tiện, lại ảnh hưởng đến tục xông đất nên đồng bào đã bỏ. Tất niên được dời lại vào một ngày trước tết, nhường sáng mùng Một cho tục xông đất.

“Trước tết, bà con quý ai, tôn trọng người nào thì mời người đó đến xông đất nhà mình. Người được chọn, ngoài già làng, còn phải là người có uy tín trong cộng đồng, được bà con tôn kính” - ông Giôr chia sẻ.

Tôi nhớ, có thời điểm, người vùng cao, chính xác là đồng bào Cơ Tu thường có tục thắp hương cầu may, chúc phúc cho gia chủ trong những ngày tết. Không rõ tục đó xuất phát từ đâu, nhưng kéo dài cả hơn chục năm, kể từ khi đồng bào bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Rồi cũng thấy không ổn, nên lại bỏ, cho đến tận bây giờ.

Tôi nghe mang máng từ một người quen kể lại, chừng hai mươi mấy năm trước, có người trong lúc thắp hương cầu may, vì say rượu và xúc động nên vô tình bật khóc. Thế là gia chủ không đồng ý, cho rằng khách trù ẻo nên đã mời ra khỏi nhà. Vì lý do đó nên người Cơ Tu đã thống nhất bỏ việc cho khách thắp hương ngày tết, thay vào đó là hình thành thói quen mới: chào cờ ngày đầu năm đầy ý nghĩa và sinh động.

Không chỉ riêng cộng đồng Cơ Tu, nghi thức chào cờ trong ngày đầu năm mới cũng được đồng bào Ve, Tà Riềng ở huyện Nam Giang duy trì từ nhiều năm nay. Sau thông báo của già làng, họ tập trung trước âng (nhà sinh hoạt cộng đồng) để nghe trưởng thôn đọc thư chúc tết của Chủ tịch nước; đồng thời thông tin một số chủ trương mới, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điểm lại tình hình chung của thôn trong năm qua. Và cuối cùng, là bữa tiệc chung được tổ chức, sau chương trình giao lưu thể thao giữa thanh niên trong làng.

Ông Un Nhuar (thôn 58, xã Đắc Pre, Nam Giang) nói, sau tết chung vào ngày mùng Một, từng tộc họ sẽ tổ chức tết riêng tại gia đình vào các ngày còn lại. Họ mời dân làng chung vui, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng diễn ra thâu đêm suốt sáng.

Ngày trước, thời ông Nhuar còn làm trưởng thôn, đồng bào Ve ở khu vực biên giới Việt - Lào thường mời cả bà con thân tộc bên vùng giáp biên của huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) cùng về ăn tết nên rất vui và ấm cúng. Nhưng bây giờ, vì dịch bệnh, vì khó khăn trong việc qua lại nên ngày tết chỉ diễn ra trong phạm vi cộng đồng, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội khu vực biên giới.

3. Năm nay, cả nước vui xuân trong điều kiện hết sức đặc biệt: dịch Covid-19 tái bùng phát. Đồng bào vùng cao cũng không ngoài cuộc, ý thức nâng cao cảnh giác được đưa lên hàng đầu trong mỗi cuộc họp thôn.

Trung tá Zơrâm Thức - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang nói với tôi, rằng xuân này, ngoài thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn được phân công về ăn tết với bà con dân bản. Nhiệm vụ đó thể hiện tinh thần “2 trong 1”, thậm chí là “n trong 1” nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối để người dân yên tâm đón tết. Bởi dịch bệnh như một kẻ thù giấu mặt cần phải đề phòng sát sao, nhất là sau đợt phát hiện 2 đối tượng vượt biên về nước bằng đường mòn mới đây nên càng không thể lơ là.

Biên giới mùa này sương lạnh và mưa phùn. Ẩn dưới miền rừng sâu, là những chốt kiểm soát của lực lượng bộ đội biên phòng dựng ngay đường mòn, lối mở. Nhiều chiến sĩ không cắt phép về quê ăn tết, mà tình nguyện ở lại cùng đồng đội ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ bình yên của Tổ quốc.

"Vì thế, chương trình “Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” vừa được tổ chức mới đây như một dịp động viên, tạo không khí vui xuân cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chúng tôi hay nói đùa, đó là dịp tất niên chung của quân - dân ở tuyến biên giới này” - Trung tá Zơrâm Thức tâm sự.

“Chưa có năm nào thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra như năm nay. Không chỉ Quảng Nam, mà nhiều địa phương trong cả nước đều chịu tình cảnh tương tự. Nhưng trong điều kiện vô cùng khó khăn ấy, rất mừng là người dân chúng ta, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đã thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau nỗ lực vượt qua gian khó, ổn định cuộc sống mới” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chia sẻ như vậy tại buổi nói chuyện với bà con làng Trà Văn A (xã Phước Kim, Phước Sơn) nhân dịp khánh thành nhà mới cho đồng bào bị ảnh hưởng mưa lũ.

Ông Dũng nói, bằng mọi giá phải quyết tâm, không để người dân chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”, nhất là về nhà ở và tái sản xuất. “Tết nên càng phải chăm lo. Những ngày qua, Quảng Nam đã tập trung sức lực, chỉ đạo các lực lượng cùng triển khai nhiệm vụ nhằm đảm bảo các điều kiện để người dân vùng sạt lở đón một cái tết ấm cúng, đủ đầy sau sự cố đau lòng vừa qua” - ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng k’thu vọng khắp núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO