Trở lại vùng B

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 29/04/2020 21:22

Cuối tháng 4.2020, tôi có chuyến đi đến vùng B Đại Lộc. Những câu chuyện cũ về đất và người và cả thời lửa đạn được khơi gợi; niềm thương cũng từ đó bật lên: đâu cũng là quê mẹ!

Địa đạo Phú An - Phú Xuân.
Địa đạo Phú An - Phú Xuân.

Vùng B ác liệt trong chiến tranh vẫn còn lại trong câu hát mà tôi được nghe trong những ngày ngắn ngủi khi đến đây lần đầu tiên: “Pháo từ Thượng Đức đưa qua/Ái Nghĩa đưa lại An Hòa đưa lên/Nông Sơn nã xuống uềnh uềnh/Máy bay phản lực bay lên liền liền/Đánh tới tấp đánh triền miên…”.

Chuyện đất, chuyện người

Vùng B với tôi luôn vừa lạ, vừa quen. Từ đầu năm 1976, từ Sài Gòn về lại, tôi đầu quân cho ngành nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng và được cử ngay vào các tổ thu mua lương thực. Ban đầu là đến Đại Lãnh, Thượng Đức rồi sau đó về vùng Đại Thắng và vài xã vùng B. Cảnh vật lúc đó còn hoang tàn sau chiến tranh, đường sá đi lại khó khăn, người dân đi tản cư các nơi đang dần quay về khai hoang, gỡ mìn và trồng cấy để giải quyết nhu cầu lương thực. Ban đêm, từ kho lương thực Đại Thắng, chỉ có thể mở radio nghe tin tức trong ánh đèn dầu.

Gặp bà con vừa ở phố quay về, họ ít nói chuyện gì khác ngoài việc mùa màng, vườn tược hay dựng lại ngôi nhà trên đất cũ với bộn bề khó khăn. Vài gia đình bám trụ thì hồ hởi hơn, họ tự hào về vùng B của họ. Đó là nơi nhiều đơn vị bộ đội chủ lực về dưỡng quân, là nơi có hệ thống địa đạo dài đến 3km nối liền hai làng Phú Xuân, Phú An để các cấp chỉ huy quân khu, tỉnh, huyện và cả Đà Nẵng trú đóng từ những năm 1965 - 1966 đến ngày thống nhất. Lại nghe danh du kích vùng B rất nổi trong những năm 1970 đến sau khi Hiệp định Paris được ký kết, mà một trong những chỉ huy lúc đó lại là có bà con họ với tôi, xã đội trưởng 17 tuổi Trương Văn Mười mà mãi nhiều năm sau này tôi mới biết mặt.

Tác giả (trái) và ông Trương Văn Mười tại hồ Khe Tân. Ảnh: T.Đ.T
Tác giả (trái) và ông Trương Văn Mười tại hồ Khe Tân. Ảnh: T.Đ.T

Từ khi thành lập các hợp tác xã nông nghiệp ở Quảng Nam, tôi có thêm nhiều lần đến vùng B và đọc các tài liệu để biết thêm chợ Gia Cốc và các địa danh Gia Cốc, Phiếm Ái là những nơi đã quy tụ nguồn nhân lực giàu tiềm năng của phong trào Duy Tân; mới biết trong “Trung Kỳ cự sưu ký” của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận ra “đó là một phong trào mà những bước tiếp diễn đã có hoạch định trước”, chứ không phải là cuộc tự phát!

Biết thêm làng trống Lâm Yên ở Đại Minh và cái nôi hát bội ở vùng B với những nghệ sĩ hát bội cung đình tài danh như Bốn Quản (Đại Thạnh) rồi con trai ông là nghệ sĩ nhân dân Đội Tảo Nguyễn Nho Túy hoặc Trùm Lành, Phó Sơn, Tư Bữu… của gánh Bàu Toa, Bàu Ray (Đại Phong) vang danh một thời. Ở làng trống Lâm Yên tôi còn nghe chuyện ông Xã Đàm tuy chỉ biết đóng vai vua lên sân khấu nói vài câu, nhưng vì mê hát bội mà bán hết ruộng nương của ông cha để lập gánh hát, mở trường dạy hát Bàu Ray ở vùng B.

Chính đây đã quy tụ nhiều nghệ danh khác như Nguyễn Lai, Phó Phẩm, Nhơn Sơn, Ngô Thị Liễu từ Điện Bàn lên “tung hoành” cho đến ngày chiến tranh bùng nổ năm 1948. Những vị ấy sau này lại đóng vai trò nòng cốt của phong trào văn nghệ Liên khu 5 trong kháng chiến… Dạo quanh vùng B, lại biết một làng chè nổi tiếng An Bằng mà từ năm 1930 người Pháp đã cho xây dựng nhà máy chế biến chè xanh xuất khẩu tại đây. Vùng B từ đó ngày một thân thiết trong tôi.

Ở vùng B, tôi biết nhà thơ Trinh Đường là con cháu phái nhì của tộc Trương xã Đại Thắng, mà tôi hằng ngưỡng mộ. Còn biết những làng Thanh Vân của Đại Cường bên sông Quảng Huế đã đúc nhà lầu bằng bê tông cốt thép để nuôi bò mùa lũ thay vì dắt chạy vào núi xa lắc xa lơ và đói lạnh… Sát làng An Bằng là hồ chứa nước thủy lợi Khe Tân, nằm giữa xã Đại Chánh ngày nay. Đây còn là một thắng cảnh ít nơi nào có được. Xa xa về hướng tây, nơi đó có núi Bàn Cờ, khe Dốc Gió đang chìm lẫn trong mây tháng 4 với nhiều truyền thuyết.

“Vùng đất Lộc Sơn, Lộc Thành xưa, Đại Thạnh, Đại Chánh ngày nay còn là nơi giàu tiềm năng về thơ ca, hò vè; là nơi nổi tiếng hát hò khoan đối đáp. Gánh hát “Bàu Toa” lừng danh khắp tỉnh. Đây chính là quê hương của nghệ nhân hát tuồng Đội Tảo - Nguyễn Nho Túy - người được mệnh danh là “Con rồng trên sân khấu hát tuồng” Quảng Nam” - Trương Văn Mười kể.

Đâu cũng là quê mẹ

Lần này tôi trở lại vùng B đúng vào dịp vừa kết thúc một tháng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 và kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước. Sau khi thăm lại địa đạo Phú Xuân - Phú An ở Đại Thắng, đến ngắm cảnh hồ Khe Tân, tôi về nhà Trương Văn Mười ăn cơm trưa. Bất ngờ trong bữa trưa lại gặp ông Nguyễn Hữu Mai và nghe họ nói chuyện. Ông Mai từng là Bí thư xã Đại Cường, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc từ năm 29 tuổi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từ năm 1997 đến 2005 rồi ra Bắc làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam suốt chục năm trước khi về nghỉ hưu tại quê nhà.

Vẫn với điếu thuốc lá tự quấn trên tay như ngày còn ở xã, ở huyện, ông Mai nói về việc hòa giải dân tộc trong những ngày tháng Tư lịch sử này: “Phải nói cả hai mặt về một triệu người vui và một triệu người buồn sau năm 1975. Cả những người từng sung sướng thì họ vẫn đau khổ. Bây giờ khi nhắc lại tôi vẫn ứa nước mắt. Những người vì sự nghiệp chung, họ từng lén mang từng chén mắm, đổ gạo vào cán cuốc đục rỗng để tiếp tế cho cán bộ ở hầm bí mật mà nếu bị lộ, họ và cả gia đình sẽ bị giết hay bị tù tội tra tấn. Cho nên họ phải được đối xử công bằng, có chính sách đền ơn cho họ, vì nếu không có họ làm gì có anh ngày nay mà mừng 30 năm hay 45 năm? Còn lại, lịch sử đã đi qua 45 năm sau ngày hòa bình, theo tôi, cần phải nhìn lại không khí căng thẳng đó sau ngày lịch sử để hiểu cho công bằng. Hồi đó, có 10 anh lính và chính quyền miền Nam buông súng, người dân từng bị ngược đãi rất căm phẫn, có người muốn xông vào đánh. Nhưng nói thật là chúng tôi đã được học chính sách hòa giải từ năm 1973 rồi, nên năm 1975 khi tôi làm Bí thư Đại Cường đã giải thích cho dân và bảo vệ 10 người lính ấy, đưa họ đến nơi an toàn. Đó là thực hiện chính sách hòa giải, nếu không xóa được hận thù thì rất dễ xảy ra tắm máu. Chúng ta đã là con Hồng cháu Lạc, không nên phân biệt anh A hay anh B, mà phải toàn tâm toàn ý để chung tay xây dựng đất nước. Tổ quốc luôn luôn là vĩnh viễn. Cả hai phía tham chiến hồi đó, ngày nay đều phải cùng hòa giải, bỏ hết hận thù để xây dựng quê hương”.

Còn Trương Văn Mười kể, khi anh làm xã đội trưởng, có anh chàng Lê Sáu, cùng xã làm liên đội trưởng nghĩa quân có cha và anh tham gia quân đội miền Nam. Hai đứa gặp nhau là bắn nhau vì thù hận. Nhưng khi hòa bình đói quá, gặp bữa đám giỗ Trương Văn Mười vẫn dẫn Sáu vô ăn, giờ thương nhau như anh em. Thì đó cũng là hòa giải chứ gì... Tương tự câu chuyện mà tôi từng viết về anh nông dân Huỳnh Hoa trong phim tài liệu “Người đưa linh” của đạo diễn Trương Vũ Quỳnh: Tinh thần hòa giải là có thật, nó ở trong máu của những người Việt Nam chúng ta sau hòa bình và thống nhất đất nước. Không có gì để bàn cãi...

Ông Nguyễn Hữu Mai bây giờ về sống tại quê hương sau hơn nửa thế kỷ tham gia chiến tranh lẫn xây dựng hòa bình, vẫn là người chân tình, thẳng thắn và sống rất giản dị. Trong lúc ngồi với nhau, chúng tôi thì hút thuốc đầu lọc, nhưng ông vẫn trung thành với điếu thuốc lá tự quấn, tự hào với một đặc sản vùng biền bãi quê hương. “Nguyễn Hữu Mai vẫn là Nguyễn Hữu Mai ngày nào”, một người ngồi chung bàn nói vậy. Nhưng tôi còn biết chuyện này: Ông về quê, tham gia rất nhiều việc tộc họ, tưởng nhớ tiền nhân họ Nguyễn cả vùng Quảng Nam và xây dựng các công trình tín ngưỡng khác ở địa phương được nhiều người dân hưởng ứng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại vùng B
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO