Trong tiếng núi thở dài

THÀNH CÔNG 09/01/2021 11:06

Không còn gì ngoài ngổn ngang đổ nát. Màu sắc duy nhất nổi lên giữa màn sương đặc và xám xịt đất đá, gốc cây, là hai dãy nhà tạm. Gọi là nhà, nhưng thực ra, chỉ là những căn lều tạm che bằng bạt xanh. Hơn hai tháng sau cơn bão số 9, những gia đình nơi góc núi thôn 6, nay là thôn 3 của xã Phước Lộc (Phước Sơn) vẫn đang gắng gượng hồi sinh đời sống sinh hoạt. Đúng hơn, là đang gắng sống.

Chỉ còn vài căn nhà còn may mắn sót lại sau trận lũ quét. Ảnh: T.C
Chỉ còn vài căn nhà còn may mắn sót lại sau trận lũ quét. Ảnh: T.C

Ngày đỉnh núi vỡ

Hồ Thị Nhí chỉ kịp quắp lấy hai đứa con, nhắm ngọn đồi mà chạy. Ngã sấp mặt, lại chạy, trên người chỉ duy nhất bộ áo quần. Lúc định thần nhìn lại, không thấy nhà đâu nữa. Mưa lạnh, mấy mẹ con ngồi co ro trên ngọn đồi, mấy đứa nhỏ khóc thét vì lạnh và đói. Chúng nó ngằn ngặt đòi mẹ về nhà lấy cơm, lấy sữa, ngằn ngặt hỏi bà ngoại. Nhí nạt con, chúng lại khóc. Ba mẹ con ôm nhau ngồi suốt một đêm, rồi hơn nửa ngày, đến khi người ta trở vào, mang theo mì tôm đưa cho họ. Đêm hôm đó, họ xuống đồi ma, ngủ ngồi ngay bên những ngôi mộ.

Đó là ký ức đớn đau chiều 28.10.2020. Ngày đỉnh núi vỡ. Thôn 6 trở thành bãi tha ma, hàng chục ngôi nhà xóa sổ, 11 người vĩnh viễn nằm lại, trong đó có 3 người đến nay chưa tìm thấy. Hồ Văn Cây, em trai Nhí vẫn đi tìm mẹ trong đống đất đá khổng lồ. Hai đứa con anh cũng đã chết, được chôn cách lều chỉ chừng vài chục mét, trên đồi ma.

Vợ Cây - Hồ Thị Vy chụm thêm củi vào bếp lửa. Khói phả lên kín đặc căn lều chỉ chừng 4 mét vuông, cay xè mắt. Một vài tấm ván xếp thành chỗ ngủ, ngay bên bếp, đồ đạc treo đầy trên giàn, chật ních. Họ vẫn đi tìm, dọc suối, theo chân ruộng, lần xuôi xuống, ngày này sang ngày khác, hy vọng tắt dần. Thi thoảng, lại băng bộ suốt 6 tiếng đồng hồ ra trung tâm xã nhận quà cứu trợ, trở vào, lại đi tìm. Mưa đổ xuống suốt hai tháng trời, thôn 6 vẫn cô lập, bất chấp nỗ lực khơi thông của lực lượng chức năng.

Căn nhà của vợ chồng Hồ Văn Đoàn bị sạt lở bẻ gãy gập. Ảnh: T.C
Căn nhà của vợ chồng Hồ Văn Đoàn bị sạt lở bẻ gãy gập. Ảnh: T.C

“Có rượu không, cho mình một ít”. “Bao nhiêu”. “Hai lít”. “Uống nhiều thế”. “Uống với chị Nhí, cho đỡ buồn, không say đâu”. Vy lại chụm thêm một thanh củi, dụi mắt. Chắc không phải vì khói.

Sương núi lạnh buốt. Căn lán tạm từng là chỗ ở cho chục gia đình có người thân mất sau vụ núi lở. Giờ chỉ còn lại ba gia đình, số khác hoặc sang nhà bà con ở, hoặc đã trở về những căn nhà cũ may mắn còn sót lại. Gạo, mì tôm, cá khô được cứu trợ đủ cho họ sống trong vòng vài tháng tới. Chẳng còn gì để sợ, họ vẫn ăn ngủ ngay trên đồi ma, nơi chỉ để chôn người chết, trước đây chưa ai từng bén mảng tới. Những cây lớn được hạ xuống, lấy ván làm giường, chặt cây làm cột, căng bạt. Nhà cũ nằm cách đó chừng vài chục mét, xiêu vẹo, lấp sâu trong đất đá và cây cối, chẳng còn ai dám ở.

Ngôi làng trù phú với nghề nuôi ong trong bộng lấy mật, từng là niềm tự hào của xã Phước Lộc về sự giàu có và yên bình, đã hoàn toàn xóa sổ. Ba con heo thịt bị chết, hai cánh rẫy trồng quế và sâm dây bị sạt trắng, mỗi ngày mai của vợ chồng Vy là thức dậy, nấu cơm ăn, lần hồi đi tìm ở bãi đất mà họ đã quần nát suốt hai tháng nay, rồi lại trở về, vùi vào chăn ngủ những giấc chập chờn.

“Vợ chồng em phải tìm mẹ. Tìm ra mẹ rồi thì không ở đây nữa. Chỗ nào cũng nguy hiểm. Ký ức con cái nữa. Con mất rồi, mà đi đâu cũng thấy, mệt quá. Tiền bạc trôi hết, con còn không kịp lấy nữa, nói gì đồ. Em không ở đây nữa” - Vy cứ buột miệng kể, dù tôi đã cố không nhắc lại chuyện cũ.

Hai từ mà Vy nói nhiều nhất, là giá như. Giá như trường học đừng cho con về nữa, thôn 6 an toàn, an toàn gì mà con chết, mẹ chết. Giá như hai vợ chồng đừng đi dọn đồ cho họ, ở nhà với con. Tôi chào, rời khỏi căn lều, vì biết sự hiện diện của mình chẳng mang lại gì ngoài gợi thêm nỗi đau cho người đàn bà đã quá khắc khổ với số phận.

Vợ chồng trẻ nói sẽ không ở lại làng nữa, sau khi tìm thấy được mẹ. Ảnh: T.C
Vợ chồng trẻ nói sẽ không ở lại làng nữa, sau khi tìm thấy được mẹ. Ảnh: T.C

Sống tạm

Đỉnh núi vỡ, xé toang thôn 6 thành hai vết nứt toác màu xám. Kỳ lạ thay, trên đỉnh đồi, vẫn còn sót lại vài căn nhà nằm bên gốc đa cổ thụ. Không hiểu thứ gì đã chia đôi dòng nước để hàng chục ngôi nhà bị san phẳng, chỉ để lại một phần đỉnh đồi nơi gốc cây đa kia. Nước vòng qua hai bên, mức độ tàn phá càng nghiêm trọng hơn. Chẳng còn chỗ nào an toàn nữa, ngoài đồi ma.

Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch xã Phước Lộc là người đầu tiên dẫn đoàn dân quân, cán bộ xã vào tiếp ứng cho thôn 6 ngay sau khi nghe tin làng bị vùi, một ngày sau thảm họa. Trước đó, không một ai có thể tin nơi này lại có thể xảy ra sạt lở núi. Lên đến nơi, cảnh tan hoang đập vào mắt. Bà con ngồi co ro. Chỉ có mì tôm sống và nước, ông chia cho bà con, bẻ cành cây làm đũa.

Ông Thoại nhớ lại: “Mất một lúc lâu sau tôi mới bình tĩnh được. Tôi đi đếm, chỉ còn lại chưa đầy chục căn nhà. Người đi tìm con, người đi tìm mẹ, tiếng khóc ai oán khắp nơi. Tối, tôi phải dỗ từng người về. Anh em tìm được mấy tấm tôn rách, che lấy cái chuồng heo còn sót lại, chui vào đó ngủ”.

Ngày hôm sau thì người làng tìm được 5 thi thể. Đào bới quanh làng, chỉ sót lại một ít gạo lẫn với cát. Bữa cơm đầu tiên nhai cơm toàn sạn. Liên tiếp sau đó là những cuộc gùi cõng hàng cho thôn 6. Bạt, gạo, nước sạch, dân quân quần quật chặt cây, dựng nhà tạm.

“Tôi ở đó suốt ba tuần, rồi yêu cầu xã phải tăng cường cán bộ khác lên bám dân. Giờ thì tạm ổn, bà con đã có chỗ ăn ngủ, lương thực không phải lo. Chỉ duy nhất là lượng đất đá, cây cối quá lớn, không thể tiếp tục tìm kiếm nếu không có cơ giới. Mọi thứ phụ thuộc vào việc khơi thông đường” - ông Thoại kể. Hai tháng, vị chủ tịch xã đã có hơn chục chuyến đi vào, ở với bà con, vừa lo cho dân, vừa khảo sát để tính toán chuyện tái thiết lâu dài ở nơi xảy ra thảm họa.

Có quá nhiều thương đau ở nơi này, trong lặng im của núi, trong cách trở và cô lập suốt hai tháng trời. Hồ Văn Đoàn - chồng của chị Nhí vừa bị cháy nhà năm 2018. Tích cóp, dành dụm và cả vay mượn, hai vợ chồng làm lại một căn nhà mới. Căn nhà chỉ còn thiếu mỗi cửa là hoàn thành, thì lũ đổ xuống, xô gãy gập. Sau cơn cuồng nộ, suối Nước Trầm giờ trở lại nguyên hình hài là khe nước nhỏ xíu, luồn qua đống đất đá, ri rỉ chảy xuống dưới phía cánh đồng. Trước mắt, vẫn là chuỗi ngày dài sống tạm lay lắt trên đồi ma. Những hộ khác dời ra phía đầu làng, thật xa, không ở cùng với họ.

Ông Thoại nói, đã đi nát khu đồi, chỉ còn hai vị trí ở hai đầu làng để làm mặt bằng cho dân ở. Làng đã bị bẻ đôi, và chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại như cũ, không cách nào hàn gắn được, dù ba năm, năm năm hay lâu hơn thế. Vết nứt không thể xóa. Ngay cả người làng, họ cũng không sống cùng nhau, một nhóm có người mất sau bão ở riêng, nhóm còn lại ở riêng.

“Thảm họa đã xô đổ mọi định kiến về vùng an toàn. Không có nơi nào là an toàn nữa cả, vì chúng tôi chưa bao giờ đưa thôn 6 vào diện nguy cơ, nhưng rồi mọi thứ đã xảy đến. Dựa rừng, giữ rừng muôn đời được xem là cách tự vệ trước lũ quét, sạt lở, nhưng rồi giờ thành yếu huyệt. Nghề nuôi ong được xem là nguồn sống bền vững và hiệu quả nhất của thôn 6 cũng sụp đổ rồi, cây đổ, ngã, ong bỏ đi hết. Thứ mới nhất ở làng này bây giờ, là mấy dãy nhà tạm này, và hai cái bàn thờ chung, giữa đống đổ nát” - ông Thoại thở dài.

Nhiều giải pháp đã và đang được tính toán, như khôi phục ruộng lúa, mua ống nước cấp cho dân, dựng nhà tạm, khảo sát mặt bằng, dự trữ lương thực đủ cho dân dùng suốt 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Sau đó nữa, là cấp giống chăn nuôi, tìm phương án khoanh nuôi trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu. Nhưng mọi thứ còn mơ hồ lắm. Mơ hồ, như cái nhìn vô hồn của Vy, như bóng của Cây vật vờ đi quanh suối Nước Trầm mỗi ngày, như làn sương lạnh vẫn vây lấy cả ngôi làng từng trù phú bỗng thành bãi tha ma chỉ sau vài giờ đồng hồ của cuối tháng 10 năm trước…

Những ánh mắt buồn loang trong mưa, nhòe theo nỗi buồn bên bếp lửa. Xuân, liệu có về trong tiếng núi thở dài, não nuột…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trong tiếng núi thở dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO