Xuôi theo con nước...

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 30/11/2019 10:41

Một phần tư thế kỷ, đủ dài để nguôi ngoa những niềm thương về làng cũ, cũng đủ lâu cho một cuộc hồi sinh. Không còn nhiều người nhớ dấu chân của chính mình qua miền rừng, từ biên giới Đăk Blô (Đắk Glei, Kon Tum), cuộc di dân theo dòng Đăk Sa ngày ấy chỉ còn là vệt ký ức mơ hồ đọng lại nơi đáy mắt của cư dân Giẻ Triêng ở làng Lao Đu, sau những thăng trầm…

Giống lúa rẫy baton được người dân dùng để tổ chức lễ mừng cơm mới. Ảnh: N.C
Giống lúa rẫy baton được người dân dùng để tổ chức lễ mừng cơm mới. Ảnh: N.C

Một cây nêu nhỏ dựng ngay trước nhà già làng A Song Ba. Lúa rẫy đã về đến hiên nhà, nhuộm màu của nắng. Như một tín vật cho lễ mừng cơm mới, người Lao Đu tất tả cho thu hoạch. Chuyện được mất của một năm dài, chừng như không còn quá quan trọng nữa. Ít nhiều thì vẫn có bữa ăn chung, nơi mà cả dân làng sẽ nói với nhau nhiều hơn về những ước vọng ấm no dưới từng mái nhà. Đó là tục. Nhưng không phải đợi qua tháng Chạp như Tết mùa của người Bh’noong, lễ mừng cơm mới sắp diễn ra, không lâu sau khi lúa về.

1. Già A Song Ba là một trong những cư dân đầu tiên của làng cũ đặt chân đến Phước Sơn. Nơi đầu tiên họ dừng lại, là bên bờ Đăk Sa ở xã Phước Đức. Những ân tình của người Bh’noong bản địa đã chở che cho dân làng, khi mà tất cả rời đi chỉ mang theo những chiếc gùi đựng vài thứ của cải ít ỏi. Bỏ lại nơi làng cũ là toàn bộ nhà cửa, vật nuôi…, họ chạy khỏi ám ảnh của trận dịch tả kinh hoàng.

Nhưng hành trình chưa dừng lại. Vài năm sau, khi những mái nhà đã mọc lên, cư dân Lao Đu lại một lần nữa “xê dịch”, điểm đến là một ngọn đồi nằm bên dòng Đăk Mi (xã Phước Xuân). Ông A Song Ba nhớ, đó là năm 1994. Trên một mặt bằng tạm, bà con sống trong những túp nhà lá, phên tre. Khổ, nhưng đó vẫn là “miền đất hứa”, nơi ươm lấy giấc mơ về một cuộc sống an yên.

Sau nhiều lần rời đi, người làng Lao Đu đã tìm được “miền đất hứa”. Ảnh: N.C
Sau nhiều lần rời đi, người làng Lao Đu đã tìm được “miền đất hứa”. Ảnh: N.C

Tuổi thất thập khiến những ký ức chỉ còn thảng hoặc, nên lời kể về ngày cũ của già A Song Ba là vài nét phác họa về chuyện thiếu ăn, đói mặc, chuyện cây bắp, cây chuối phải theo gùi đi bộ hàng giờ liền ra chầu chực chuyến xe độc nhất về xuôi, thương lái muốn trả bao nhiêu tiền thì trả.

Hình như, đến bây giờ, khi cuộc sống đã có quá nhiều đổi khác, già và cư dân Lao Đu mới biết ngày xưa mình… khổ. Còn lúc ấy, mọi chuyện cứ tự nhiên đến và đi, như dòng nước từ thượng nguồn xuôi mãi về phía hạ du, va đập vào đá núi, thác ghềnh. Mở mắt thấy mặt trời là biết mình đang còn sống.

Những mùa rẫy có lúc bội thu, có khi thất bát, nhưng lễ mừng cơm chỉ duy nhất lời tạ ơn. Không mảy may trách móc, họ trân quý từng hạt gạo về đến sân nhà, nuôi sống bao thế hệ người làng đi qua một phần tư thế kỷ. Và phải là gạo từ lúa rẫy. Nhiều gia đình ở Lao Đu làm lúa nước, gạo dư ăn cả năm, nhưng họ vẫn giữ những cánh rẫy để trồng giống lúa baton. Giữ rẫy để dù cơ cực, dù có khi mất mùa, nhưng chắc chắn sẽ có một lễ mừng cơm mới thật sum vầy.

Người làng Lao Đu vui ngày hội đoàn kết. Ảnh: N.C
Người làng Lao Đu vui ngày hội đoàn kết. Ảnh: N.C

2. Có một “lệ làng” khá thú vị ở Lao Đu. Trong lễ cúng chung của làng mừng cơm mới, gia đình nào thu hoạch đủ một trăm gùi lúa trở lên, phải mổ một con heo để đãi làng. Năm này thất bát, thì sẽ chờ năm sau để “cộng dồn”. Phụ nữ chủ trì lễ cúng, còn đàn ông chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đi tìm thịt. Cả làng sẽ thống nhất chọn ra người chủ trì lễ cúng. Người được chọn sẽ là người làm được nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều sắn nhất. Họ chịu trách nhiệm về lễ, và chịu cả trách nhiệm về tâm linh cho mùa sau.

Ông A Yên - Bí thư Đảng ủy xã Phước Xuân, cũng là cư dân Lao Đu nói, đó là cách để cả làng ghi nhận thành quả lao động của cả gia đình, cũng là một thứ “áp lực” để dân làng không biếng nhác. Nhưng cũng có năm, làng Lao Đu không chọn người giỏi nhất mà lại chọn người… lười nhác nhất. “Chúng tôi chọn, vì để làm gương, người chủ trì buộc phải cố gắng, nỗ lực trong làm ăn. Cũng là cách gắn trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng. Việc này giúp giảm nghèo còn hiệu quả hơn cả nghìn lần vận động, tuyên truyền” - ông A Yên nói.

Cùng nhau đi qua cái khổ, phận số của mỗi gia đình gắn chặt vào làng. Họ bảo bọc nhau không chỉ từ miếng cơm, manh áo mà còn sẵn sàng sẻ chia. Mới đây, khi xã có chủ trương quy hoạch một khu sản xuất tập trung để trồng lúa nước tại bãi thác Krung - Kreng, 11 hộ dân của Lao Đu đã tình nguyện hiến đất, không đòi hỏi một đồng đền bù nào. Sau khi công trình thủy lợi Krung - Kreng đầu tư xây dựng, phần đất ấy sẽ được chia đều cho 22 hộ dân khác thiếu đất sản xuất. Ông A Mã, một trong những hộ dân hiến đất còn cam kết với chính quyền địa phương, rằng phần đất ấy sẽ trở thành tài sản chung của làng.

Hộ A Mã, theo lời kể của Bí thư xã Phước Xuân - A Yên, trước đó cũng đã tiên phong hiến đất để xây dựng nhiều công trình dân sinh phục vụ người làng. Hơn cả cái tình, việc hiến đất giản đơn tựa một điều hiển nhiên mà họ phải làm. Như một đại gia đình, bởi lẽ cả làng đều mang cùng họ A cho nam và Y cho nữ. Và, họ luôn còn một bữa cơm chung, nơi mọi người đều hiện diện: lễ mừng cơm mới.

3. Chúng tôi đi dọc làng. Sau cánh cổng có dòng chữ “plây Lao Đu” là san sát nhà cửa. Nhiều hàng quán đã mọc lên. Đường Hồ Chí Minh hoàn thành cũng là lúc người làng bắt đầu bán buôn, tìm cách để thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Phước Xuân - ông Nguyễn Chí Sâm nói, Lao Đu là địa phương phát triển kinh tế nông nghiệp tốt nhất xã. Ngoài trồng lúa nước, nhiều năm nay đồng bào còn mở rộng diện tích canh tác các loại nông sản. Không còn cảnh gùi cõng, chờ chực, bắp, chuối còn trên rẫy, đã có người đến đặt mua. Chị Y Nhạc, một hộ dân trong làng nay trở thành “đại lý” thu mua bao tiêu toàn bộ nông sản cho nhiều gia đình. Từ những chuyến xe thồ chở lên Khâm Đức, Y Nhạc chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay xe tải đến tận làng, chở đi khắp vùng. Chỉ còn 10 hộ nghèo trong tổng số 123 hộ, là do không có sức khỏe lao động. Số còn lại, nhiều năm nay không còn lo đói, mà đã bắt nghĩ cách để làm giàu.

Cuộc sống đổi thay từ những điều tưởng chừng rất nhỏ. Ông Sâm kể, ngày trước, chuyện mời thầy cúng để… chữa bệnh còn tràn lan ở Lao Đu. Đau ốm, từ nhẹ đến nặng đều nhất mực gọi thầy mo. Họ giết trâu, mổ bò để trừ tà, bóng ma hủ tục nhốt chặt suy nghĩ, quẩn quanh định kiến. Chính quyền miệt mài tuyên truyền, vận động, rồi cũng xóa được thói quen lạc hậu, giúp bà con tiếp cận với dịch vụ y tế, biết tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Đường Hồ Chí Minh được nối liền, ghi dấu thời điểm làng Lao Đu bắt đầu một cuộc đời khác, vận mệnh khác. Cánh cửa thoát ra khỏi tăm tối ngày cũ, cuối cùng đã mở.

Nhưng, “chất rừng” đâu đó vẫn in dấu trong tâm thức. Một thoáng lặng yên trong câu chuyện, ông Sâm ngập ngừng đề cập về điều chưa làm được mà chính quyền còn hoài trăn trở. “Nhiều năm nay, làng Lao Đu chưa bao giờ phải lo lắng về an ninh lương thực. Song, họ chỉ dừng ở đó. Trong khi bà con người làng khác tranh thủ lúc nông nhàn để đi làm lao động phổ thông, dành dụm thêm của cải phòng những lúc ốm đau, thì người làng chỉ ở nhà và… nghỉ. Hình như nhiều bà con hài lòng với chuyện vừa đủ hơn là tìm cách làm giàu cho chính mình. Chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều lần, thậm chí gặp từng người để khuyên họ tham gia các tổ, nhóm lao động tại địa phương. Họ từ chối. Chuyện này chắc còn phải tiếp tục kiên trì” - ông Sâm trải lòng.

Xuôi theo con nước, Lao Đu cuối cùng đã may mắn hồi sinh. Dẫu ít nhiều sống hồn nhiên cây cỏ nhưng đó cũng là lựa chọn của chính họ, sau những xê dịch cuộc đời. Chúng tôi tin, ở đó họ sẽ vẫn đang sống những ngày rất khác, thật bình yên, nơi miền rừng xanh thẳm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xuôi theo con nước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO