Lính thợ đa tài

VIỆT HÙNG 19/02/2020 12:26

Bằng sự sáng tạo, yêu nghề, trong một thời gian ngắn, các cán bộ, nhân viên Đại đội Sửa chữa 26 (Phòng Kỹ thuật, Sư đoàn 315) đã gia công được hàng trăm sản phẩm bia bảng vật chất, mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện của đơn vị.

Nhân viên Đại đội Sửa chữa 26 gia công vỏ mìn POMZ-2. Ảnh: V.H
Nhân viên Đại đội Sửa chữa 26 gia công vỏ mìn POMZ-2. Ảnh: V.H

Sáng tạo

Tại khu vực trưng bày vật chất, mô hình học cụ phục vụ công tác huấn luyện của Trung đoàn 142 (Sư đoàn 315), những “gian hàng” mang đậm dấu ấn các ngành Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật với hàng trăm sáng kiến cải tiến, giáo án, bài giảng, cờ, đèn, kèn trống, súng ống, bom mìn, thuốc nổ, hàng rào, bia bảng… được sắp xếp rất khoa học, thu hút người xem.

Trung tá Nguyễn Ngọc Sáu - Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn cho biết: “Hầu hết sản phẩm trưng bày tại đây đều do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nghiên cứu, chế tạo ra. Nếu những năm trước, hệ thống bia ẩn hiện tự động, điều khiển từ xa luôn là điểm nhấn của các gian hàng, thì năm nay điểm nhấn chính là những loại bom, mìn, lựu đạn giáo luyện do các cán bộ, nhân viên Đại đội Sửa chữa 26 trực tiếp gia công”.

Giới thiệu về quả mìn văng mảnh chống bộ binh POMZ2 giáo luyện, Trung tá Nguyễn Ngọc Sáu cho biết, loại mìn này còn có tên gọi khác là mìn dứa, mìn khóm bởi hình dạng bên ngoài rất giống loại trái cây này. Tuy có thiết kế khá đơn giản với một khối sắt hình trụ, bên ngoài có các rãnh khứa ngang, dọc tạo ra hàng trăm “mắt” (mảnh văng), bên trong có khối thuốc nổ TNT, bộ phận kích nổ, cọc để cắm xuống đất… nhưng để nghiên cứu, chế tạo thành công loại mìn này, bộ đội phải mất khá nhiều công sức. Sắt ống đường kính 36 ly, dày 15 ly, sau khi mua về sẽ được thợ cơ khí cạo gỉ, cắt thành từng khúc theo đúng kích thước của quả mìn thật, rồi gia công, tạo khía, quét sơn và phơi khô. Kỳ công nhất là việc chế tạo những khối thuốc nổ đặc để thả vào trong mỗi quả mìn. Bởi nếu mua sắt đặc đường kính 32 ly có sẵn trên thị trường, sau khi cạo gỉ thường chỉ còn 30 - 31 ly, lắp vào sẽ bị lỏng và không đúng kích thước của nhà sản xuất. Chính vì vậy bộ đội phải mua sắt đường kính 34 ly về mài giũa, chế tác khá kỳ công.

Vượt khó

Trực tiếp tham quan các dãy nhà xưởng của Đại đội Sửa chữa 26, chứng kiến tinh thần làm việc hăng say, miệt mài của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, chúng tôi càng thêm trân quý thành quả lao động mà các anh đã tạo ra. Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, các chiến sĩ người cắt, người mài, người đục, người khoan… tạo thành một dây chuyền khép kín, khẩn trương.

Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Đình Danh - Đại đội trưởng Đại đội Sửa chữa 26, cho hay nhiệm vụ chính của đơn vị là bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí trang bị bộ binh và phương tiện xe máy, ô tô, tàu thuyền loại nhỏ. Tuy nhiên khi được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ nghiên cứu mẫu mã, khảo sát thị trường tìm vật tư để gia công, chế tạo các loại bom, mìn, lựu đạn giáo luyện cho đơn vị, các cán bộ, nhân viên Đại đội Sửa chữa 26 đều nỗ lực hết mình. Mỗi loại mìn và lựu đạn như OZM4, OZ72, M2-A1, K69, POMZ-2… lại có hình dáng, kích thước, trọng lượng và cấu tạo khác nhau. Chính vì vậy trước khi bắt tay vào sản xuất hàng loạt, bộ đội phải nghiên cứu, tính toán và thử nghiệm rất nhiều lần. Sau hơn 2 tháng lao động miệt mài, Đại đội đã gia công được hơn 600 quả mìn và lựu đạn khác nhau.

Cầm cây sắt nhỏ như chiếc đinh 5 khoe với chúng tôi, Đại úy QNCN Huỳnh Ngọc Sơn - thợ cơ khí, thành viên Tổ tiện, chia sẻ: “Với những máy móc, thiết bị không chuyên, để khoan được cái lỗ nhỏ có đường kính 1 ly, chúng tôi nhiều hôm mất ăn, mất ngủ. Cẩn thận, tỉ mỉ là chưa đủ, phải làm nhiều mới quen được, bởi sự chính xác gần như tuyệt đối”.

Đại tá Trần Văn Lý - Sư đoàn trưởng cho biết: “Trong thực tế chiến đấu, bộ đội thường xuyên phải tiếp xúc với các loại bom, mìn, vật nổ có tính sát thương cao, rất nguy hiểm. Để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, cuối năm 2019, Sư đoàn chủ trương sản xuất mới hàng loạt bom, mìn, lựu đạn giáo luyện theo đúng kích thước, mẫu mã, trọng lượng thật, cấp cho từng tiểu đội, trung đội để bộ đội được tiếp xúc và luyện tập. Nhờ tận dụng được nguồn nhân lực, phương tiện vật tư tại chỗ để gia công, chế tạo nên hiệu quả kinh tế rất đáng kể so với phải mua trên thị trường. Từ thành công bước đầu, chúng tôi đang nghiên cứu, tính toán sản xuất thêm các loại vũ khí, bom, mìn, lựu đạn giáo luyện “bổ dọc”, “bổ ngang” nhằm trang bị kiến thức liên quan cho bộ đội sát thực tiễn và hiệu quả”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lính thợ đa tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO