Vững vàng nơi biên giới

THÀNH CÔNG 10/09/2020 21:58

Lệnh giãn cách được dỡ bỏ, những cuộc hội ngộ sau chuỗi ngày phải cách ly, cùng với cái thở phào nhẹ nhõm của nhiều người. Nhưng đó là chuyện của miền xuôi, còn phía biên giới, những người lính biên phòng vẫn đang phải gác lại bao nhung nhớ, tiếp tục vững tay súng. Bình yên cho cương thổ, ngăn ngừa dịch xâm nhập từ vùng biên, họ vẫn ở đó, chưa nghĩ đến ngày về…

Chốt kiểm soát gần khu vực cột mốc 691 đã được kiên cố dần, thay thế cho lều bạt tạm bợ những ngày đầu. Ảnh: T.C
Chốt kiểm soát gần khu vực cột mốc 691 đã được kiên cố dần, thay thế cho lều bạt tạm bợ những ngày đầu. Ảnh: T.C

Căn lán Việt – Lào

Hơn một giờ đồng hồ băng bộ, chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19 số 1 của Đồn biên phòng A Xan (huyện Tây Giang) chỉ cách cột mốc biên giới 691 chừng 200m. Cách duy nhất để đến chốt gác này là băng bộ qua con đường mòn xuyên núi, dốc nối dốc. Có 8 cán bộ chiến sĩ của Đồn biên phòng A Xan và dân quân địa phương đã trực gác tại nơi này từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, và vẫn đang trong trạng thái trực chiến sẵn sàng.

Đại úy Trần Đức Hòa, cán bộ phụ trách chốt kiểm soát cho hay, chốt gác án ngữ con đường mòn là lối đi lại của bà con làng bản giáp biên của Tây Giang với huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào). Thói quen đi lại trao đổi hàng hóa, thăm nhau của bà con duy trì từ nhiều năm nay, chưa kể người từ các bản giáp biên của huyện Kà Lừm vẫn sang phía A Xan để mua nhu yếu phẩm. Chốt gác có nhiệm vụ nắm chắc tình hình, kiểm soát phòng chống dịch, ngăn ngừa tình trạng đi lại tự do qua các đường mòn, lối mở tuyến biên giới. Tuần nào cũng có người phía bên kia biên giới sang mua nhu yếu phẩm, trao đổi hàng.

“Để đảm bảo phòng chống dịch, chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo đơn vị, thống nhất treo bạt che một căn lán nhỏ, dựng ghế bằng cây rừng để bà con nghỉ chân. Việc trao đổi hàng hóa sẽ diễn ra ở căn lán này, bà con bên nước bạn Lào cần gì sẽ liên lạc người thân bên này mua, gùi lên sau đó giao ngay tại lán. Ngược lại, hàng hóa của bà con bên đó cũng sẽ được tiếp nhận. Việc dựng lán vừa giúp anh em nắm tình hình, đo thân nhiệt, phát khẩu trang, tuyên truyền bà con thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19, vừa giúp ngăn ngừa, hạn chế việc đi lại tự do qua các đường mòn lối mở gây nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh” - Đại úy Hòa cho biết.

Cũng đóng không xa cột mốc biên giới, song đường vào chốt gác phòng chống dịch Covid-19 của Đồn biên phòng A Nông thuận lợi hơn khi ô tô hai cầu có thể vào đến nơi. Gạo, nhu yếu phẩm đủ dùng, chưa kể ngay từ ngày đầu lập chốt, xác định phải ở lâu dài, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã tự túc một vườn rau xanh. Vườn rau giúp anh em cải thiện được bữa ăn, đồng thời chốt gác cũng giống như một ngôi nhà mới, gần gũi và ấm cúng hơn khi phải trực chiến dài ngày giữa rừng. Hàng ngày, ngoài trực gác tại cột mốc, chốt gác còn chia nhau đi tuần tra dọc tuyến. Sự cần mẫn, cảnh giác của cán bộ chiến sĩ giúp tình hình biên giới được kiểm soát tốt. Tây Giang hiện vẫn an toàn trước đại dịch.

Sẻ chia với tuyến đầu

Trước những đóng góp lớn của lực lượng biên phòng, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ và dân quân ở 21 chốt gác khắp các tuyến biên giới, vừa qua, Tỉnh ủy đã tổ chức đoàn công tác đến thăm, tặng quà, động viên các chốt kiểm soát này. Vượt quãng đường dài vào tận các chốt kiểm soát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng bày tỏ sự chia sẻ, cảm phục đối với lực lượng trực tại chốt.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tặng quà cho chốt kiểm soát Đồn biên phòng A Nông nhân chuyến thăm vừa qua. Ảnh: T.C
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tặng quà cho chốt kiểm soát Đồn biên phòng A Nông nhân chuyến thăm vừa qua. Ảnh: T.C

“Trong điều kiện vô cùng khó khăn, ăn ở tạm bợ trong các lán trại giữa rừng, không điện, thiếu nước, anh em cán bộ chiến sĩ, dân quân địa phương đã nỗ lực hết mình để bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19. Rất mừng vì bộ đội biên phòng và chính quyền huyện Tây Giang đã phối hợp chặt chẽ, cùng chăm lo cho anh em trong điều kiện có thể, ủng hộ về tinh thần, vật chất để anh em thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Tôi đặc biệt đánh giá cao việc các chốt gác vừa ngăn chặn dịch xâm nhập qua đường biên, bảo vệ biên giới, vừa tuyên truyền, vận động bà con cùng chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hoạt động giao lưu trao đổi hàng hóa, giúp đỡ đồng bào ở các bản giáp biên của nước bạn Lào” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Theo Đại tá Trần Tiến Hiền - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau khi có chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đồn tổ chức 21 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở tuyến biên giới.

“Do dịch bệnh kéo dài, chúng tôi đã động viên, quán triệt anh em xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, sẽ có nhiều khó khăn, gian khổ, song đó là trách nhiệm thiêng liêng của người lính trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi đã chỉ đạo các đồn tổ chức kiên cố hóa các chốt, đảm bảo các mặt về đời sống cho lực lượng trực chốt. Cùng với đó, những phần quà thiết thực, sự chia sẻ, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng lẫn người dân địa phương đã tiếp thêm động lực quan trọng cho lực lượng bộ đội biên phòng yên tâm bảo vệ tốt các tuyến biên giới” - Đại tá Trần Tiến Hiền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vững vàng nơi biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO