Bản sắc chờ níu giữ

C.B.L 17/12/2019 10:46

Bảo tồn văn hóa không hẳn phải tiêu tốn thật nhiều tiền. Nhưng ngược lại, nếu không chịu “chi” - cả về tư duy lẫn kinh phí, thì công cuộc tìm về “gốc rễ” văn hóa, bản sắc một cộng đồng, e rằng còn phải đi qua rất nhiều rào cản.

Một bất ngờ đối với những người làm văn hóa xứ Quảng, đặc biệt với khá nhiều người tâm huyết về câu chuyện bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi Quảng Nam: Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các DTTS miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025” (do Sở VH-TT&DL xây dựng và dự kiến được trình tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX) đã bị gác ngay trước thềm kỳ họp. Đây là lần thứ 2 đề án này không được trình. Báo Quảng Nam đã có rất nhiều bài viết phản ánh về tính cấp thiết cần phải đưa câu chuyện bảo tồn văn hóa của đồng bào thông qua thực trạng hiện tại của cộng đồng vùng cao. Hẳn đã có rất nhiều người, nhiều địa phương kỳ vọng đề án này sẽ được thông qua để bắt đầu từng bước một thức dậy những vốn liếng quý báu đang chìm dần dưới lớp bụi thời gian.

Một câu chuyện ngoài lề nhưng lại có tác động khá sâu sắc tới bản sắc của người vùng cao, nếu không kịp thời nhìn nhận. Đó là tốc độ đô thị hóa đã không dừng lại ở phạm vi đồng bằng. Nó đã lan đến với gần như các cộng đồng làng xã tại miền núi. Nó kéo theo nhiều thách thức, trong đó, từ sinh kế cho đến văn hóa của đồng bào đều bị ảnh hưởng. Tình trạng thu hẹp đất nông nghiệp, lâm nghiệp, không gian sống của người dân. Cuộc sống đồng bào vốn khép kín, sinh kế truyền thống phụ thuộc vào thiên nhiên. Với người miền núi, rừng và thiên nhiên là gốc rễ của bản sắc và cuộc mưu sinh. Nhưng không ai có thể cản ngăn sự phát triển của cuộc sống hiện đại. Có chăng sự níu giữ bản sắc phải bắt đầu bằng những chính sách, sự đầu tư và hỗ trợ căn cơ từ phía Nhà nước. Vì người miền núi dù sở hữu vốn liếng văn hóa dày dặn nhưng lại rất mong manh trước những va đập, cọ xát. Họ cần một định hướng để không bị cuốn vào những cọ xát - thoạt đầu tưởng rằng rất văn minh, hiện đại, là đô thị hóa.

Những đứa trẻ miền núi lớn lên phai lạt dần tiếng mẹ đẻ. Tết người Kinh họ vẫn xúng xính áo dài. Tết mùa truyền thống đôi khi chẳng đặng đừng mới đóng khố, bận trang phục thổ cẩm. Rồi rất nhiều báo động về văn hóa khác. Rõ ràng, sự tan rã đã không cần phải tinh tế mới nhận thấy được nữa. Nó hiện hữu ngay trước mắt. Thậm chí rằng trong các cuộc hội lễ, người ta cất đi cái bản gốc, chế ra một thứ đại khái như văn hóa bản địa. Đó là điều đôi lúc khiến người ta nghi ngờ về những đề án, về sự đầu tư hỗ trợ. Và gốc rễ không phải ở đây. Một điều khá tốt từ đề án, chính là hỗ trợ cho nhà trường, cho giới trẻ để họ biết đâu là giá trị truyền thống, là bản sắc, là niềm tự hào riêng có.

Hãy dùng một cái nhìn tích cực, trước mọi sự trợ lực. Nếu hoài nghi quá nhiều, thì những điều tốt đẹp sẽ tàn lụi trước khi chúng ta tìm thấy một lý do để viện dẫn. Khi ai đó lạc đường, hãy thắp cho họ một ngọn đuốc, dù le lói. Các già làng, hẳn họ vẫn đang hy vọng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bản sắc chờ níu giữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO