Đầu tư cho miền núi

C.N 11/12/2019 13:48

Quốc hội vừa ban hành một nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong kỳ họp thứ 8, Quốc khóa XIV.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc, Nghị quyết phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Quốc hội đã tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Tuy nhiên, có một mục tiêu có vẻ không dễ đạt là “thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước”. Và, như người đứng đầu Quốc hội cũng khẳng định, là “phát triển từng bước vững chắc để miền núi tiến kịp miền xuôi”.

Biết rằng, công tác dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số, luôn được quan tâm và cần được quan tâm, nhưng để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, quả rất khó vì khoảng cách quá lớn, miền núi được đầu tư phát triển thì miền xuôi cũng liên tục phát triển. Để miền núi phát triển bền vững, cần được đầu tư lâu dài, đồng bộ, chắc chắn rất cần xác định mục tiêu ưu tiên đầu tư, lộ trình đầu tư. Về phần mình, miền núi cũng cần biết phát huy nội lực, khả năng tự có của mình; sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn đầu tư công.

Quảng Nam cũng đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi, như Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025;  Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025… với nguyên tắc, phương thức, cơ chế căn cơ, cụ thể; cũng như ưu tiến bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, hạ tầng; hay chú trọng đầu tư cho an sinh xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo nghề...  Từ đó, bức tranh kinh tế - xã hội và đời sống người dân miền núi Quảng Nam có sự khởi sắc.

Tuy vậy, vẫn còn những điều bất cập và đáng bàn trong việc đầu tư bền vững cho miền núi Quảng Nam. Tỷ như về giao thông, do đầu tư thiếu đồng bộ nên các trục đường chính chưa kết nối với các điểm dân cư. Công trình nước sạch đầu tư nhiều nhưng nhanh chóng xuống cấp và mất vệ sinh. Có nơi người dân chưa thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình, chính sách giảm nghèo rất được quan tâm nhưng còn dàn trải...

Về vấn đề này, người đứng đầu chính quyền Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận, để chính sách hỗ trợ miền núi có hiệu quả và miền núi phát triển bền vững, cần thay đổi từ cơ chế, chính sách đến chiến lược phát triển sao cho cụ thể và đồng bộ. Có như vậy, người miền núi mới ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhanh và bền vững hơn. Mục tiêu ấy xem ra dễ hơn việc “đuổi theo” miền xuôi trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư cho miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO