Ăn và yêu

CHÂU NỮ 18/04/2021 05:13

Hơn 40 món ăn từ nguyên liệu chính là bầu, cua, tôm, cá, gà, nai mà tác giả Chương Đặng gửi đến độc giả qua 200 trang sách trong tập “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và yêu” không đơn thuần là công thức, mà là những câu chuyện, là cái tình của ông gửi vào từng món. Món ăn là dịp để tác giả “kể chuyện người thương, kể căn nhà nhỏ, mảnh vườn, khoảng sân…”. Đằng sau công thức của mỗi món là một câu chuyện thú vị hay kỷ niệm thuở thiếu thời.

Bìa tập sách “Bầu cua tôm cá - Ăn và yêu”.
Bìa tập sách “Bầu cua tôm cá chơi chơi - Ăn và yêu”.

Ví dụ như cách làm đơn giản của món cá nục cuốn cải là rửa sạch cá, bỏ vào nồi đun với một chén nước dừa tươi, nửa chén nước mắm, vài trái ớt xanh đến khi nước sắc đậm lại, lấy cá ra tách xương, nước cá vắt thêm chút chanh dùng làm nước chấm. Cuốn cá với chút bún tươi, cải, hành tây, rau thơm.

“Người miền Trung thích cuốn cá với bánh tráng dày và chấm nước mắm mặn. Nhưng tôi lại thấy chấm nước cá và bánh tráng vừa để cảm vị cá biển mặn mòi, thơm phức” - Chương Đặng chia sẻ.

Đằng sau món dân dã này là câu chuyện của cô Phong - một phụ nữ nghèo miền Trung có chất giọng ồm ồm lúc nào cũng như đang mùa bão lớn; hay kể chuyện quê, chuyện về mẹ già, về con cái; là những năm tháng người phụ nữ nghèo nhưng trung thực, thẳng thắn này làm thuê để gửi tiền về cho chồng…

Món cá nục cuốn cải là món mang phong vị miền Trung, mà cô Phong hay làm cho tác giả ăn, và cô thường bảo “món này làm dễ òm”.

Với món cơm nắm, cách làm là nấu một nồi cơm gạo dẻo, hơi nhão, cho vào một ít dầu mè, chút muối; rang vàng các loại hạt mè, điều, hạnh nhân rồi giã nhỏ, thêm một chút rong biển khô. Trộn đều cơm với hạt rồi dùng muỗng lớn ép thành từng phần vừa lòng tay, vo viên cơm giữa hai lòng bàn tay rồi ép dẹt lại, làm như vậy vài ba lần cho cơm nén chặt.

Đơn giản vậy đó, mà theo tác giả, món cơm nắm ngon hay không là ở kỹ thuật nắm cơm, “sao cho khi cắn một miếng thì cảm nhận được hết cả những ân cần, nâng niu”.

Nhiều món ăn được viết trong sách là tình cảm của tác giả dành cho mẹ mình - một phụ nữ hết lòng vì gia đình. Trong một lần xem chương trình dạy nấu ăn, thấy cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân dạy là nấu cơm khô thì để chiên, chẳng may cơm nhão thì đừng chiên nữa mà để làm cơm nắm.

Nhận thấy khả năng ứng biến và thu vén khéo léo của phụ nữ Việt Nam, tác giả đúc kết, đại để, trong mỗi nếp nhà Việt, người phụ nữ là người giữ lửa hạnh phúc, sự ấm êm và thịnh vượng đều đến từ sự khả ái của những người đàn bà chịu thương, chịu khó.

Mẹ ông hay chìu ông - đứa trẻ lười biếng hay mè nheo - bằng những nắm cơm. Để sau này khi đã lớn, đã già, mỗi khi nhìn nắm cơm, ông thèm cảm giác nằm gối đầu lên đùi mẹ, nhai cơm nắm và nhìn ra ngoài trời; để rồi giờ đây trong ông còn cả một khoảng trời tiếc nhớ khi không còn mẹ.

“Ngày mưa buồn tôi cũng thấy nhớ, ngày nắng nóng tôi cũng thấy thiếu. Trong vô thức lại làm món cơm nắm, một món chay nhẹ nhàng, để chiêu đãi những đứa trẻ thế hệ sau… Khi giờ mẹ tôi chỉ còn trong ký ức”.

Lật giở từng trang sách, thấp thoáng sau mỗi món ăn là nhân ảnh gắn bó trong từng khoảnh khắc. Như lời tự sự của Chương Đặng: “Tôi viết tập sách nhỏ này trong những ngày nghiền ngẫm về sự ra đi của mẹ tôi... Cuộc đời của bà là câu chuyện buồn, như nhiều câu chuyện của đàn bà xứ tôi”. Nỗi buồn thường thấm sâu nhớ lâu, lẽ đó mỗi món ngon mẹ nấu cứ bám víu đến bạc đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ăn và yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO