Duyên với xứ biển

CHÂU NỮ 20/06/2020 06:57

Khi họa sĩ Trần Thị Thu (nghệ danh Thu Trần, sống tại Hà Nội) cùng cộng sự sắp hoàn thành công đoạn cuối cùng của tác phẩm “Ra khơi” ở làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), những bạn trẻ quê biển Tam Thanh phụ việc cho công trình nghệ thuật con đường thuyền thúng gần đó nói: “Tụi con sắp phải xa má Thu rồi”. 

Nói xong, mấy bạn đến ôm họa sĩ dùng dằng tiếc nuối chừng như không muốn chia tay chị. Từ “má” mấy bạn dành cho họa sĩ, nghe gần gũi và thân thương đến lạ; cả những cái ôm thật chặt như không muốn rời xa, đủ thấy tình cảm, sự gắn bó của chị với Tam Thanh cũng như của người dân xứ biển đối với chị.

Họa sĩ Thu Trần và cán bộ UBND xã Tam Thanh trao đổi về tác phẩm “Ra khơi”. Ảnh: C.N
Họa sĩ Thu Trần và cán bộ UBND xã Tam Thanh trao đổi về tác phẩm “Ra khơi”. Ảnh: C.N

Chỉ một chữ “duyên”

Họa sĩ Thu Trần kể, chị biết đến dự án nghệ thuật cộng đồng ở Tam Thanh vào đầu năm 2017 qua họa sĩ Vũ Đức Hiếu (họa sĩ có nhiều công trình nghệ thuật cộng đồng, quê Hà Nội). Cũng năm đó, họa sĩ Thu Trần tham gia 3 đợt sáng tác tại Tam Thanh. “Lần đầu đặt chân đến đây, tôi cảm nhận Tam Thanh là một làng biển đẹp, người dân hiền hòa”. Điều này khiến chị tiếc nuối khi thấy đời sống người dân không mấy khá giả. Đa số gắn với biển, người đi biển, người mưu sinh với sản vật từ biển... Từ đây chị bắt đầu tìm hiểu về cách làm nghệ thuật cộng đồng với suy nghĩ làm thế nào đó, cùng với chính quyền địa phương, các nghệ sĩ, nhà tài trợ, ngõ hầu giúp được một người dân ở làng biển hiền hòa Tam Thanh cải thiện cuộc sống.

Dự án nghệ thuật năm thứ nhất - 2017 mang lại cho người dân trải nghiệm đáng kể về du lịch cộng đồng. Chưa đề cập chuyện mức sống nâng lên, nhưng nếp sống dần thay đổi là điều dễ nhận thấy. Người dân quen với cách tổ chức cuộc sống mới, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, và bắt đầu nghĩ đến việc làm du lịch cộng đồng. “Tôi nghĩ, đấy là cơ duyên đẹp của tôi với làng biển này, khi góp chút công sức rất nhỏ của mình, cùng với nhiều người, vào dự án nghệ thuật cộng đồng tại đây” - họa sĩ Thu Trần tâm sự.

Gắn bó với Tam Thanh từ năm 2017 đến nay, họa sĩ Thu Trần cho rằng, mọi thứ dường như chỉ gói gọn trong một chữ “duyên”. Nếu không có duyên, hẳn chị đã không đến với vùng quê biển này mỗi năm, có năm đến vài ba lần. Nếu không có duyên, chị đến vẽ xong rồi về. Nhưng, không chỉ đến để vẽ, chị còn dạy vẽ cho người dân trong làng; tạo sinh kế bền vững cho một gia đình thoát nghèo với nghề vẽ.

Du khách chụp ảnh với tác phẩm “Ra khơi” của họa sĩ Thu Trần. Ảnh: C.N
Du khách chụp ảnh với tác phẩm “Ra khơi” của họa sĩ Thu Trần. Ảnh: C.N

Năm nay họa sĩ Thu Trần lại cùng các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật như Phan Cẩm Thượng, Vũ Đức Hiếu, Vũ Thăng, Nguyễn Minh Phước, Trần Minh Dương, Huy Nguyễn, Bình Đặng, Thảo Nguyên… và một số giáo viên mỹ thuật Tam Kỳ làm việc ở Tam Thanh  để vừa tiếp tục tu bổ con đường thuyền thúng năm trước, vừa vẽ mới thuyền thúng và tranh tường.

“Tôi rất may mắn được bố trí một khu đất dài chừng 100m và rộng khoảng 20m để thực hiện tác phẩm của mình. Nắng, gió, biển, cuộc sống của người dân Tam Thanh như có điều gì đó cuốn hút tôi cũng như các nghệ sĩ khác. Được cống hiến, được mang câu chuyện nghệ thuật của mình đến với người dân, với du khách là niềm hạnh phúc của nghệ sĩ chúng tôi” - họa sĩ Thu Trần chia sẻ khi hoàn thiện công đoạn cuối cùng của tác phẩm “Ra khơi”.

Cùng điểm nhấn “Ra khơi”

Tác phẩm “Ra khơi” của họa sĩ Thu Trần là điểm nhấn thú vị của con đường thuyền thúng năm nay. “Biển và câu chuyện ra khơi của ngư dân Tam Thanh đã cuốn hút tôi. Biển mênh mông, sâu thẳm, kỳ bí. Biển mang khát khao của bao người, biển mang trong mình vị mặn mòi tha thiết, cả những cơn bão dông khi chuyển mùa… Những câu chuyện của chính người dân địa phương tôi được nghe mấy năm nay, ngấm vào tôi lúc nào không biết. Những lấp lánh khơi xa cho tôi ý tưởng tác phẩm

“Ra khơi” với 300m vải voan trong suốt và sơn tổng hợp ngoài trời, 1 chiếc thuyền dài của ngư dân từng đi biển, 2 thuyền thúng. Và nữa, những câu hô hát bài chòi tôi được nghe trong thời gian ở Tam Thanh, lúc đầu lạ tai, rồi dần tìm hiểu nhận ra câu hát, điệu hát gắn bó với nhau tạo nên những giai điệu thật thích thú đầy bản sắc vùng miền… cùng hòa quyện, thôi thúc tôi sáng tạo “Ra khơi” - họa sĩ Thu Trần tâm sự.

Cô giáo mỹ thuật Lê Thị Xuân Thủy ở Phú Ninh đã vài ba lần gặp gỡ họa sĩ Thu Trần trong những lần vẽ thuyền thúng bày tỏ: “Lần đầu gặp chị, tôi nhận thấy nghệ thuật trừu tượng trên vải của họa sĩ Thu Trần có gì đó thú vị, hay hay, thích hợp với nghề vẽ áo dài của tôi, nên tôi học hỏi. Lần sau, tìm hiểu kỹ hơn, tôi thích lụa của chị Thu và thích cách “chơi” màu của chị. Chị chơi với màu như một thú vui, ngẫu hứng, chơi hết mình, bằng sự thích thú và niềm say mê với hội họa”.

Họa sĩ Thu Trần thực hiện tác phẩm “Ra khơi” giữa hàng cây ven biển, bờ cát trắng, xương rồng, dứa dại, những loại cây chịu được thời tiết khắc nghiệt và nắng gió xứ biển. “Thực hiện tác phẩm, tôi thấy mình như hòa vào không gian ở biển, đan xen những lớp voan trong suốt có màu của sóng biển, của ánh hoàng hôn, có những đàn cá bạc lấp lánh. Tất thảy mê hoặc tôi, tôi như được chắp cánh cho tác phẩm của mình. Tình yêu thiên nhiên và con người Tam Thanh cùng hòa quyện, đó là lý do tôi làm việc say mê. Tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn đất và người Tam Kỳ!” - họa sĩ Thu Trần chia sẻ.

Trước khi về Hà Nội để trở lại công việc thường nhật của mình, họa sĩ Thu Trần còn tranh thủ chút thời gian ít ỏi, tiếp tục hướng dẫn nghề vẽ lên vải cho một người dân khuyết tật ở làng biển, cùng lời hứa trở lại “ngôi nhà” Tam Thanh...

Dành tình yêu cho Tam Thanh

“Lần đầu tiên đến với Tam Thanh vào năm 2017 khi được mời tham gia dự án làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, họa sĩ Thu Trần đã dành nhiều tình cảm và tâm huyết với mảnh đất đầy nắng và gió này. Ngoài vẽ tranh, chị dành nhiều tình cảm cho trẻ nhỏ và người dân làng biển. Chị phối hợp với chính quyền xã mở lớp dạy vẽ cho người dân trong làng với mong muốn chia sẻ yêu thương, và trên hết là muốn tạo sinh kế cho người dân địa phương. Sau những ngày miệt mài với vai trò cô giáo, kết quả là sự ra đời các dịch vụ vẽ tranh trên nón, vẽ tranh trên vải và may thành những túi xách xinh xắn làm quà tặng. Đó là sinh kế hoàn toàn mới, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống, mà Tam Thanh chưa từng có trước khi họa sĩ Thu Trần đến.

Ở Hà Nội nhưng chị Thu thường xuyên gọi điện hỏi thăm và mua vải, mua màu vẽ gửi vào cho các hộ dân để duy trì sản phẩm. Mỗi lần quay lại Tam Thanh là mỗi lần chị cho ra những tác phẩm mới, vẫn với phong cách làm việc miệt mài, quên cả giờ giấc và mệt nhọc để có những tác phẩm đẹp. Vẫn là những tình cảm chân thành nhất khi chị dành thời gian thăm hỏi, trau dồi kỹ năng cho người dân để ngày càng tạo ra những sản phẩm đẹp hơn. Năm nay chị đến Tam Thanh với con gái của mình, để bầu bạn và hỗ trợ chị trong quá trình sáng tác. Lần này chị có phần vội vã hơn vì chị phải quay về Hà Nội để chữa bệnh. Tôi biết sức khỏe chị không còn tốt như những ngày chị mới đến đây, nhưng tình yêu và tâm huyết chị dành cho Tam Thanh vẫn nguyên vẹn và thậm chí còn tràn đầy hơn nữa. Mong chị và con gái luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để tiếp tục yêu thương Tam Thanh như Tam Thanh đã yêu mến chị”.

(Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh  - ông  Lê Ngọc Ty)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Duyên với xứ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO