Gió từ sông lên ngàn

LÊ TRÂM 10/05/2020 04:31

Nguyễn Giúp (sinh năm 1961, quê Ái Nghĩa, Đại Lộc) xuất hiện trên văn đàn có vẻ gì đó giông giống hai nhà văn Mạc Can hay Ngô Phan Lưu nhiều năm trước, chậm và muộn, khi tuổi đời đã nhiều. Anh bày tỏ: “Với tôi, thơ hay thơ dở và mới hay cũ thì do bạn đọc cảm nhận, còn người làm thơ thì cũng không nên chủ quan, bởi còn phụ thuộc vào “gu” người đọc nữa”.

Nguyễn Giúp.
Nguyễn Giúp.

* Vậy cơn cớ gì bỗng dưng lại có mặt một Nguyễn Giúp thơ và người khá lạ, cũng khá muộn, giữa thời buổi có vẻ như thơ đã “bão hòa”?

Tôi vốn không có nhiều kiến thức và năng khiếu văn học. Năm 1980, tôi đi dạy cấp 2 tại Hiên (nay là huyện Đông Giang). Ở đây, do công việc và thời gian khá rảnh rỗi, ngoài thời gian lên lớp còn lại tôi không biết làm gì. Vì vậy tôi đã tìm đến sách văn học, càng đọc tôi càng thấy thích, nhất là thơ. Thế rồi một ngày tôi… thử làm thơ (cười), về tình yêu, về quê hương… Mãi đến những năm 2000, không hiểu tại sao tôi lại… đam mê thơ dữ dội và tôi đã đọc rất nhiều, viết cũng nhiều. Khoảng thời gian này thơ tôi chính thức được đăng báo.

Và “con đường văn chương” của tôi có vẻ như rộng mở hơn hết lúc tôi được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Nam. Tôi cứ nghĩ đơn giản là mình phải làm gì để khỏi phụ lòng người đã dẫn dắt mình vào hội và với các anh chị em ở đây. May mắn lại đến với tôi trong cuộc thi thơ “Thơ ca & nguồn cội” lần thứ hai do Làng Chùa, Hà Nội tổ chức, tôi đã đoạt giải nhì. Còn việc anh nói hiện nay thơ đã giai đoạn “bão hòa”, theo tôi thì thơ không có “giai đoạn” ấy. Tôi nghĩ là thơ đang dịch chuyển và đa dạng đấy thôi, “lửa mới” của thơ đang âm ỉ cháy và sẽ bùng phát, anh cứ tin đi!  

Những tác phẩm của Nguyễn Giúp.
Những tác phẩm của Nguyễn Giúp.
Những tác phẩm của Nguyễn Giúp.

* Khi tập “Như cỏ dại, như lá úa, như cây xanh” (NXB Văn học, tháng 12.2011) tuyển chọn từ thơ của Phùng Tấn Đông, Đỗ Thượng Thế, Huỳnh Minh Tâm, Phạm Tấn Dũng, Nguyễn Chiến ra đời được người yêu thơ chú ý, có vẻ như đây là sự tập hợp “giọng điệu” của một lớp nhà thơ mới và dường như có một bước mở ra cho thơ Quảng Nam. Cảm nhận của anh như thế nào về câu chuyện này?

“Như cỏ dại, như lá úa, như cây xanh” là một tập thơ hay. Mỗi tác giả có một phong thái thơ riêng và lạ, hiện đại ở chỗ tư duy thơ của họ nó cứ chảy trôi và mênh mông tạo cho người đọc có cảm giác không thực mà chính cái chỗ không thực ấy nó lại gây ra ảo giác lạ, mà thơ gây được ảo giác lạ là điều rất khó. Tôi nghĩ chính điều này họ đã lập nên một nét đặc trưng cho thơ Quảng Nam, minh chứng cho điều này là tập thơ đã được trao giải B Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của UBND tỉnh Quảng Nam.

Có thể ai đó đã đùa rằng có khi thành… một “trường phái” nhưng theo tôi “sự đùa” nào chẳng có nguồn cơn của nó. Thực ra người ta “đùa” là vì sự nổi trội của chất giọng thơ ở những tác giả này đấy. Sự ra đời của mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật nào cũng phải có sự trả giá chứ không thể đùa được đâu. Trường hợp sự ra đời của “Như cỏ dại, như lá úa, như cây xanh” như là một cái duyên, cái duyên tập hợp, cái duyên quê xứ, cái duyên lạ và đẹp như tên gọi tác phẩm thơ của họ.

Cùng với một lực lượng hùng hậu gồm những Nguyễn Tấn Sĩ, Trương Vũ Thiên An, Phan Chín, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Hải Triều, Mai Thanh Vinh, Đinh Huyền, Ngô Hà Phương…, thơ Quảng Nam đã có thêm một lớp nhà thơ mới có nhiều nét khác biệt như Đỗ Tấn Đạt… Tất cả tạo nên một bức tranh đẹp khi hình dung về thơ Quảng Nam.

* Với giọng thơ khá lạ, Nguyễn Giúp sớm lọt vào “mắt xanh” của các biên tập viên thơ tạp chí Văn nghệ quân đội và có thơ in liên tiếp trên tạp chí này. Có câu chuyện nào có thể kể ra ở đây?

Năm 2015 - 2016 Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức cuộc thi thơ, lúc đó tôi và một số anh em Quảng Nam có gửi bài dự thi như Huỳnh Minh Tâm, Đỗ Thượng Thế, Đỗ Tấn Đạt… Dù không đạt giải nhưng có vẻ tôi cũng như nhiều anh em khác được “vua biết mặt chúa biết tên” và “định danh” từ đó.

* Tập thơ đầu tay “Gió từ sông thổi lên” đạt giải của Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Tập thơ này có vai trò như thế nào trong quá trình sáng tác của anh?

Tập thơ có 46 bài đều đề cập tới sông nhưng “Gió từ sông thổi lên” không phải tên bài nào cả. Có lẽ bắt nguồn từ đời sống của cha mẹ tôi, anh em tôi và cả tôi nữa, đã bao đời nay gắn bó với sông, sông là máu thịt của tôi, sông là tình yêu của tôi… Vậy nên, tôi muốn chọn tên gọi này như một sự tạ ơn. Sau này có thể những dòng thơ lạ, cách tân, hiện đại, hậu hiện đại (mà tôi thích gọi là đương đại) gì gì đó chi phối sáng tác của tôi nhưng tôi nghĩ hồn cốt của “Gió từ sông thổi lên” sẽ là mãi mãi. Nó chính là động lực, là đề tài không bao giờ đuối sức và cạn kiệt, có thể nó sẽ tạo hứng khởi cho tôi với tới những đam mê một cách mãnh liệt và dữ dội hơn.    

* Theo tôi được biết, những chuyến đi thực tế nhiều nơi trong tỉnh đã góp phần gợi cảm hứng cho anh trong việc sáng tác những bài thơ tâm đắc. Theo anh việc đi thực tế có vai trò như thế nào trong quá trình sáng tác của mỗi tác giả?

Thực ra việc đi thực tế rất cần thiết cho sáng tác nói chung. Điều này tôi có thể chứng minh được với nhiều tác giả, qua nhiều đợt thực tế sáng tác của anh em Hội VHNT tỉnh. Với tôi chẳng hạn đã tham gia nhiều đợt đi thực tế và có nhiều bài thơ mình tâm đắc như Hạ du, Khúc Thu Bồn, Hát với Thu Bồn, Rẻo cao, Chuyện với Bon... Cái hay của việc đi thực tế là giúp ta biết được về con người và thiên nhiên nơi ấy một cách rõ ràng và chính xác hơn, từ đó chúng ta khái quát hóa được những hiện tượng, sự vật một cách gọn ghẽ và tư duy hơn, cảm xúc hơn…

Tôi nghĩ, ai muốn sáng tác thì phải cần đến sự tiếp cận thực tế, chỉ có thực tế mới giúp anh phát lộ được hứng khởi của mình. Nhưng mỗi người phải tự biết tận dụng thời gian, biết bắt kịp những khoảnh khắc của không gian, thời gian rồi lưu lại, biết kiềm chế những cuộc vui tập thể kéo dài để rồi tự ta lặng lẽ, tự ta cô đơn, tự ta đối diện trước thực tế mà phát tiết những cảm xúc ấy. Tôi thấy cách chuẩn bị đề cương, tư liệu, khai thác chất liệu của nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ là kinh nghiệm quý giúp nhiều người có được sáng tác mới và hay, một cách làm cần học tập.

* Thời gian này họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đang hỗ trợ làm bìa sách để anh ấn hành tập thơ “Thiên nga bay đi”. Tập thơ này có gì khác và sự góp sức của một họa sĩ cùng quê như Bùi Tiến Tuấn giúp thêm điều gì mới cho một ấn phẩm thơ?

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã tự nguyện làm giúp tôi một bìa sách rất ưng ý. Cái duyên giúp tôi gặp được Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ khá nổi tiếng hiện đang sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh và cũng là cái duyên cho “Thiên nga bay đi”. Ở tập mới, tôi xếp thành 5 phần, mỗi phần có một chủ đề riêng, và được Bùi Tiến Tuấn vẽ thêm minh họa. Một sự gặp gỡ tình cờ, một “kỳ ngộ” hiếm thấy giữa hội họa và thi ca. Còn nội dung tập thơ thế nào thì nên để người đọc đánh giá, tôi không dám nói nhiều. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc in sách bị chậm. Nhiều anh em cũng thế. Hy vọng sau khi hết dịch sẽ có một mùa sách bội thu.

* Gần đây, có vẻ rất ngẫu hứng, gương mặt nhiều tác giả văn học Quảng Nam được anh “điểm mặt và gọi tên” trong một phác thảo kiểu trường ca mà anh khiêm tốn gọi là thơ dài Quảng Nam. Do đâu anh lại nghĩ ra ý tưởng này và lúc này công việc đã đi tới đâu rồi? Liệu có thể cho một chút hình dung về tác phẩm dài hơi này?

Tôi hình dung đây “thơ dài” viết về Quảng Nam và đã xong được Chương I: Chảy cùng những nhánh sông, gồm 10 khúc. Chương II: Gió thung lũng, đã viết được 4 khúc, dự kiến còn 3 khúc là xong phần này. Tôi đang viết Chương III và dự định sẽ kết thúc ở Chương IV với khoảng 40 khúc. Nếu gặp duyên thì về sau có thể “thơ dài” của tôi sẽ thành trường ca như anh đã đặt vấn đề vậy.

Ở đó, cùng với đất và người, những gương mặt, tác phẩm của anh em Quảng Nam sẽ góp mặt, như là cách “giới thiệu khéo” về thơ văn tỉnh nhà. Khởi sự là do một nhạc sĩ quen thân nói với tôi rằng kiểu thơ của Nguyễn Giúp có khả năng viết được trường ca. Tôi bắt đầu ôm mộng rồi tình cờ trong một phác họa tứ thơ về làng mạc tôi lại bắt gặp và ám ảnh với cái tên gọi Mộc Bài, gợi cảm hứng cho tôi “chảy cùng những nhánh sông” Quảng Nam. Không những sông mà còn… ngược lên ngàn nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió từ sông lên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO