Nhớ một ngôi sao biển

NGUYỄN HỮU ĐỔNG 20/06/2020 09:37

Trên nhiều đặc san kỷ niệm ngày báo chí năm nay, trong đó có Báo Quảng Nam, hẳn có một góc chiếu trống trải vì thiếu bài của ông Đồ Bì - Vũ Đức Sao Biển - Mạc Đại - Đinh Ba - Đinh Mười Hai… Gần 49 ngày ông về miền mây trắng, rưng rưng lần giở những kỷ niệm chợt thấy vọng lại bao điều trăn trở về nghề cầm bút và nghĩa tình với quê hương…

Vũ Đức Sao Biển với Chương trình Giai điệu đất học, gây quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng, do Báo Quảng Nam tổ chức.
Vũ Đức Sao Biển với Chương trình Giai điệu đất học, gây quỹ Ươm mầm tài năng đất Quảng, do Báo Quảng Nam tổ chức.

Vũ Đức Sao Biển đã để lại cho đời khoảng 36 đầu sách, hàng trăm tình khúc, hàng nghìn bài báo, thơ, truyện, tạp văn… có lẽ phải cần một bộ tổng tập mới chứa đủ. Nổi tiếng nhất là âm nhạc, ông đã được vinh danh là “Nhạc sĩ Sol vàng”, có bản tình ca nổi tiếng “Thu, hát cho người”.

Viết báo, nổi danh Đồ Bì với các tiểu phẩm trào phúng, cùng các phóng sự điều tra án oan, án lạ. Với nhiều danh xưng, từ nhạc sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo - dịch thuật, nghiên cứu - phê bình, “nhà Kim Dung học”… đóng góp của con người tài hoa này cho văn hóa thật đa dạng, khó kể hết. Ngày báo chí chỉ xin đề cập đôi điều với góc nhìn ở tư cách nhà báo Vũ Đức Sao Biển, và cũng chỉ riêng dành những suy tư về nghề được ông trao truyền cho lứa đàn em nhà báo trẻ.

Trào lộng và ham học

Vũ Đức Sao Biển cũng tựa Vũ Bằng trải đời làm báo, ông cũng viết “40 năm nói láo” để kể cơ duyên mình đến với nghề báo. Ông cho rằng, “Ngày trước, người ta có câu “nhà báo nói láo ăn tiền”. Ngày nay, người ta lại có câu rùng rợn hơn: Nhà báo nói sai, nhà đài nói… thách”. Nhưng là người con xứ Quảng, ông ý thức rất rõ: “Nói láo Quảng Nam chủ yếu đem lại niềm vui, chọc cười cho nhau chứ không nhằm phỉnh gạt, lừa dối ai cả. Không học và thể hiện được kỹ năng đó, con người nó ngứa ngáy, khó chịu làm sao ấy. Cho nên tôi phải học, học rất kỹ; trình độ chưa tới tiến sĩ nhưng cao học nói láo thì có dư”.

Với ông, nói láo là để… nói thật và suy nghiệm ai không bảo đảm nguyên tắc tác nghiệp, nói thêm, nói thừa, xuyên tạc sự thật – nghĩa là nói dối, sẽ bị pháp luật chế tài; nhẹ thì rút thẻ nhà báo hay phạt tiền, nặng thì vác… mặt ra tòa.

Tác giả với Vũ Đức Sao Biển.
Tác giả với Vũ Đức Sao Biển.

Để trở thành cây bút “hạng sao” với các tiểu phẩm cười trên báo chí, Đồ Bì phải học rất nhiều. Ông kể, “tôi đọc lại tác phẩm trào phúng của Molière, Lỗ Tấn, Kim Dung, Azit Neshin, Mrojetz… để tìm riêng cho mình một cách viết.

Năm 1984, báo Tuổi Trẻ Cười ra đời, tôi được tham gia ngay số đầu tiên, sau đó làm một chút công việc biên tập cho báo. Năm 1988, tôi làm ở báo Công An thành phố; năm 1993, làm thư ký tòa soạn báo Thanh Niên; năm 1997, làm biên tập báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh...

Công việc biên tập, làm tòa soạn trên các tờ báo chính quy đòi hỏi tôi phải rất tỉnh táo, rất nghiêm túc. Thế nhưng, cái tính hài hước, tính trào phúng “nói láo” theo kiểu Quảng Nam thì vẫn còn đậm đặc, mà thậm chí là còn lậm hơn nữa. Vì vậy, tôi được giao viết những trang phiếm luận, hài hước trên các tờ báo này”.

Rõ ràng nếu không ham học, ham đọc và cần mẫn làm việc cả đến khi nghỉ hưu (2010), Đồ Bì khó thể viết đều đặn cho chuyên mục Cười cái sự đời trên báo Tuổi Trẻ Cười mỗi tháng hai kỳ. Sức làm việc thật dẻo dai, bình quân mỗi tháng ông viết 7 bài, chưa kể những bài bình luận trên báo Thanh Niên, cộng tác với Báo Quảng Nam và các bài thuyết trình, nói chuyện… thành khoảng 30.000 từ! Bị bệnh ung thư hành hạ suốt mấy năm nhưng ông vẫn gắng cộng tác với nhiều báo. Bài cuối cùng trên Báo Quảng Nam xuân Canh Tý - 2020, ông viết về nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn. Ngày ông theo hoàng hạc “bỏ trời mơ”, lục lại tin bài cũ ông gửi qua email mà nghẹn lòng:

Gửi anh Hữu Đổng thân yêu
Nói chung, tôi cũng viết nhiều cho anh

Vũ Đức Sao Biển tặng sách cho học trò.
Vũ Đức Sao Biển tặng sách cho học trò.

Không được ngạo mạn!

Vũ Đức Sao Biển rất ghét những nhà báo “tự cho mình có cái quyền của một người cầm bút - bây giờ là người ngồi trước máy tính, để phán xét thiên hạ, để phê phán bất cứ ai và bất cứ cơ quan nào khi có cá nhân hay cơ quan tỏ ra không kịp thời tiếp xúc, trả lời hay gặp gỡ họ. Cái tự ái quá lớn của nhà báo và cái ảo tưởng tự cho mình là con người có quyền thu thập và đưa thông tin lên báo chí đã khiến cho anh (chị) đưa thông tin sai lạc hoặc thông tin ác ý theo chiều hướng bất lợi cho cá nhân, cơ quan”. Theo ông, đó là kiểu “nhà báo ngạo mạn” thường đi hết tỉnh này đến thành phố nọ để... làm báo.

“Đi đến nơi đâu, họ cũng gợi ý đòi được mời cơm, đòi được cung cấp chỗ ở. Họ là một thứ cái bang sang trọng của thời đại. Đến một địa phương nào, họ lần lượt “càn quét” địa phương đó; từ trại nuôi heo đến cây xăng, từ vuông nuôi tôm đến nhà bè nuôi cá tra xuất khẩu, từ sở này đến ban ngành kia. Các công ty xổ số kiến thiết và các ngân hàng là đối tượng ưu tiên trong tầm ngắm của họ”.

Đồ Bì chỉ ra một thực trạng đáng cảnh báo là các “nhà báo ngạo mạn” thường rình rập thu thập một số sai sót của các cá nhân, đơn vị kinh tế để làm “bùa”. Họ trực tiếp đi gặp cá nhân hay người lãnh đạo của đơn vị, đưa “bùa” ra và dọa dẫm sẽ cho đăng báo;  muốn không đăng báo thì phải “mua thông tin” bằng cách đưa tiền cho họ. Có nhà báo ngạo mạn còn tích cực hơn, hứa sẽ đưa thông tin ngược chiều, nói tốt, bảo vệ giúp cá nhân, đơn vị thoát qua cơn bão dư luận. Họ làm tiền cá nhân, đơn vị một cách trắng trợn.

Có dịp về Báo Quảng Nam trao đổi nghiệp vụ, Vũ Đức Sao Biển đã tâm tình với các nhà báo trẻ: “Chúng ta làm báo với một tinh thần trong sáng; phù hợp luật pháp, có lợi cho đất nước và có ích cho xã hội. Hơn ai hết, nhà báo chân chính là những người phải chống lại các nhà báo ngạo mạn để bảo vệ danh dự, uy tín và sự trong sáng của báo chí chính thống”. Đặc biệt, báo chí không được bảo vệ cái sai và không đưa tin sai sự thật để kiếm ăn.

Nặng tình với quê hương

Vũ Đức Sao Biển chính là người gợi mở ý tưởng cho Ban Biên tập Báo Quảng Nam xây dựng chương trình “Giai điệu đất học” để gây Quỹ ươm mầm tài năng từ năm 2010. Tháng 5.2010, một đêm nhạc đã diễn ra, thu hút được các nhà tài trợ, và ngay lần đầu tiên đã có 15 học sinh, sinh viên xuất sắc trong học tập và sáng tạo được nhận tặng thưởng. Từ ấy đến nay, Quỹ đã duy trì liên tục tặng thưởng mỗi năm cho 15 đến 20 em học sinh, sinh viên, tăng tổng giá trị giải thưởng từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng/năm, và nay đã tròn 10 năm với khoảng 200 phần thưởng được trao.

Nhớ kỷ niệm về mùa trao thưởng đầu tiên, ông đã rưng rưng khi nghe kể về cậu học trò Nguyễn Tấn Phong, như ngọn khoai lang trườn lên nỗng cát nóng bỏng ven biển để vươn tới chân trời sự học, đỗ thủ khoa Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh dù gia cảnh mẹ góa con côi, khổ nghèo bao bọc, và sự nghiệt ngã của thân phận. Rồi ông vui khi mùa xét thưởng tiếp theo có chàng trai Hồ Minh Đức, người Ca Dong ở miền núi cao Nam Trà My, mồ côi cha từ nhỏ nhưng giàu ý chí nghị lực trên con đường học tập và giành được suất học bổng du học qua nước Nga…

Có gì đó như định mệnh đã vận vào đời ông, khi lấy bút danh - nghệ danh Vũ Đức Sao Biển. Một ngôi sao biển nhìn thấy từ chân trời Cửa Đại mà cha ông đã gửi cả nỗi niềm “người ta sinh ra để sống với người, rồi con sẽ có bạn bè, có anh em, đừng lo chi”. Ra đi từ Quảng Nam, trôi dạt đến phương Nam, đã có bao bạn bè, anh em đồng nghiệp nhưng lòng thương quê dằng dặc là điều mà Vũ Đức Sao Biển hướng về.

Ông từng tâm sự nghề báo cần gắn với hoạt động xã hội, chia sẻ với những người yếu thế khổ nghèo. Và có lẽ, từ sâu thẳm trong con người nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển, tình thương quê cứ mãi thao thức, để ông mỗi năm mấy bận đi về làm các chương trình nghệ thuật gây quỹ cho bà con nghèo, tặng sách vở cho học trò nghèo.

Ngày nhà báo năm ni vắng sự góp mặt của ông Đồ Bì, Vũ Đức Sao Biển, nhưng ngôi sao ấy vẫn còn lấp lánh trong miền nhớ thương khôn nguôi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ một ngôi sao biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO