Những cây bút trẻ trong “Biển bắt đầu từ sóng”

THỦY QUANG 24/05/2020 04:26

Tuyển thơ “Biển bắt đầu từ sóng” (NXB Đà Nẵng, tháng 5.2020, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên) dày trên 500 trang, mỗi người thơ một phong cách, đa sắc màu, cung bậc, là vườn hoa đầy hương sắc, kết tinh sáng tạo của 108 nhà thơ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, sự góp mặt của những cây bút trẻ tiêu biểu từ Nam ra Bắc như những con sóng nhỏ lấp lánh cùng những tên tuổi lớn bên vùng đất, vùng thơ “chưa mưa đà thấm” này.

 

Cây bút trẻ đầu tiên tôi muốn nhắc đến là Đỗ Tấn Đạt ở Quảng Nam, thế giới thơ của anh là làng quê chân chất với hương ngò gai, con chuồn chuồn, dòng sông, tiếng cười trong veo bên ảng nước: “Ven dòng sông cũ/ bóng những chiếc máy hút đào/ nạo lòng quê xôn xao” (Ven dòng sông cũ). Theo Đỗ Tấn Đạt, “thơ chính là đôi tay để bạn nắm lấy tâm hồn tôi, nhà thơ phải không ngừng vun vén, tưới tắm cảm xúc để vần thơ sống mãi trong lòng bạn đọc”.

Một giọng thơ trẻ khác, “hiện diện lộng lẫy của những dòng siêu thực” (chữ của nhà thơ Du Tử Lê) là Nguyễn Đăng Khoa đến từ Sài Gòn. Bằng những liên tưởng mới lạ, Khoa mang đến cho người đọc những vần thơ giàu thi âm, thi ảnh: “Lại tiếng nhện bò quanh dây tơ trắng/ Lại tiếng thời gian gãy từng đốt lưng chừng” (Âm đêm). Tiếng thơ Khoa buồn như tiếng mưa đêm nhưng đầy ám ảnh: “Mưa rơi như dương cầm/ Anh rơi không khuông nhạc” (Mưa rơi). Còn nhà thơ nữ Lữ Mai, người con gái Hà thành đầy cá tính: “Khai bút bằng đinh ninh/ Chữ nghĩa thuộc về một bình minh khác/ Giấy trắng sáng đêm không đèn”. Với chị, tinh thể của thơ, nhân thể của thơ là lời, ý tại ngôn ngoại, mỗi nhà thơ phải là một “phu chữ”, biết rung động tinh tế trước những biến động của đời sống.

Và Trần Ngọc Mỹ, người con đất cảng Hải Phòng nhỏ nhẹ: “Những câu thơ của tôi/ nói cùng bao điều bình thường/ như sớm mai còn vang tiếng chim” (Những câu thơ của tôi). Ở chị, những điều dung dị bé nhỏ hàng ngày cũng hóa thành niềm thơ: “Mẹ nín thở lắng nghe/ và giật mình nhìn ra/ ...vắng con rỗng cửa nhà mình” (Vắng con).

Một giọng thơ trẻ trong trẻo nhưng đầy cảm xúc, nhà thơ Ngô Thị Thục Trang. Từ nhiều năm trước, chị từng là đại diện những cây bút trẻ Quảng Nam - Đà Nẵng tham dự Hội nghị Văn trẻ tổ chức tại Hà Nội. Thục Trang lặng thầm hiến tặng bạn đọc những vần thơ tinh tế chắt lọc về quê hương và gia đình. Cô “tự ru mình bằng tóc” bên khu vườn có bông khoai lang tím, con dế than “cắn nát mảnh trời buồn”. Nơi có chiếc tổ bình yên và mặt trời của mẹ, “nơi sà xuống bầy chim sẻ/ ríu rít tuổi con cho mẹ xanh về” (Tổ).

Cây bút trẻ nhất của tuyển thơ đến từ Bình Định, vừa nhận được giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 với tập thơ đầu tay “Ngồi gỡ tơ trời là Trương Công Tưởng”. Thơ Tưởng xót xa như một tiếng thở dài: “Tôi không phải là đứa trẻ mồ côi/ Bởi mẹ tôi không lấy chồng nên tôi không có bố” (Ba người đàn bà). Cái nhìn nhân hậu, bao dung, rất đàn ông khiến Tưởng đồng cảm hơn với những điều khó nói trong bi kịch tình yêu của chị mình, cha mình: “Nửa đêm chị tôi ra giếng/ khua chiếc gàu múc một nỗi đau” (Giấc mơ thời thiếu nữ) hay “Cha chưa bao giờ nói với con về những yêu thương/ nhưng con biết thẳm sâu trong cha là tình yêu vô tận” (Nói với cha).

Mỗi cây bút mang màu sắc riêng, khó lẫn: Đỗ Tấn Đạt mang mang buồn nhân thế; Nguyễn Đăng Khoa siêu thực, tưởng tượng; Lữ Mai kín đáo, ý nhị; Trần Ngọc Mỹ dịu dàng, nữ tính; Thục Trang nhẹ nhàng, tinh tế; Trương Công Tưởng triết lý thâm trầm… Để dễ dàng chuyển tải những cảm xúc, rung ngân, các cây bút đã chọn thể thơ tự do, thi pháp mới mẻ, câu thơ giàu sức ám ảnh, nhiều thi ảnh đẹp… Tuy sự có mặt của những cây bút trẻ còn khiêm tốn nhưng với tình yêu thi ca, chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cây bút trẻ trong “Biển bắt đầu từ sóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO