Những "lá bùa" của Nguyễn Tấn Ái

BẢO ANH 10/01/2020 13:01

Nếu ai đã từng đọc thơ không đầu đề, bài nối bài liên hoàn mà không phải trường ca; tản văn với rất nhiều đoạn, nhiều khổ dài chưa quá 5 dòng; bài phê bình văn học ngắn, gọn, đanh mà mềm mại uyển chuyển… của Nguyễn Tấn Ái, hẳn sẽ cảm thấy thú vị và thân quen khi đọc tập truyện ngắn “Bùa yêu” (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2019) của anh. Có thể nói, 22 truyện ngắn thật sự ngắn trong tập sách này, là 22 “lát cắt” mỏng nhưng sắc. Câu văn đa số rất ngắn, gãy gọn mà mềm mại lung linh, được xuống hàng liên tục... Có cảm giác, văn trong truyện ngắn của Nguyễn Tấn Ái có cả thơ, tản văn, và cả lý luận phê bình đúng “kiểu” Nguyễn Tấn Ái.

 

Truyện ngắn “Bùa yêu” được chọn đặt tên cho tập sách có thể không phải là truyện hay nhất trong số 22 truyện, nhưng đó là một truyện rất có “thần thái”, và còn có vẻ như một “tuyên ngôn” của tác giả. Chi tiết về một sợi tóc có tính huyền bí trong truyện khiến nhiều người nghĩ ấy là lá bùa tình, nhưng cũng là “cái bẫy” tình huống để tác giả tạo ra và xác tín về một thứ “bùa ngải” khác: “Tôi chỉ nghe bùa yêu là tội lỗi. Mà chừ mới thấm thía không mang được chút ngải yêu trong tim người mới lại càng tội lỗi” (Bùa yêu). Thì ra tình yêu không cần bùa ngải, mà tự nó, chính nó, đã là “bùa”... Có thể tìm thấy cái “lá bùa” ấy trong nhiều truyện khác ở tập sách này: là sự vồ vập hồn nhiên trong “Lời hẹn tháng Giêng”; là quyết đoán bỏng rẫy trong “Tình sử”; là u hoài, đau đớn mà tận hiến trong “Dấu tình Huyền Trân”; là mưu toan bẩn thỉu, đớn hèn trong “Mưa tháng Giêng”, trong “Đa đoan duyên nợ”; là thảng thốt tiếc nuối trong “Nhật ký mùa trăng khuyết”; là thăm thẳm nhớ nhung trong “Thùy ơi hư thực...”; là tinh khôi học trò trong “Mắt buồn ơi”...

Nhưng “Bùa yêu” không phải, không hẳn là một tập truyện ngắn tình yêu, càng không phải là món văn chương ngôn tình. “Bùa yêu” còn có những “lá bùa” khác, đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng hoặc đáng sợ. Nguyễn Tấn Ái không phải là người vẽ bùa. Anh chỉ nhận diện và chỉ ra những “lá bùa” ấy để cảnh báo, hoặc để reo vui... Với anh, tiếng súng đoạt mạng người, trong một số trường hợp chính là tiếng thét đòi của công lý, dù sau đó những day dứt, ám ảnh cứ bám riết lấy người còn sống (Lênh đênh lòng hồ). Một cuộc hội ngộ của hai người ở hai chiến tuyến mấy chục năm sau khi chiến tranh kết thúc không chỉ bất ngờ ở cách thức hội ngộ mà còn bất ngờ khi “lá bùa” được giải thiêng, giúp người trong cuộc nhận chân về mất mát, về nghĩa khí con người, về giá trị của hòa bình (Tao ngộ). Đâu đó lại là những “lá bùa” hắc ám, với lòng tham, với sự vô cảm trước thiên nhiên và cuộc sống đồng loại (Rừng ông Hạc); với trò chơi trong bóng tối, với tham vọng quyền lực phủ bóng đêm lên nhân cách, lên hạnh phúc gia đình (Đa đoan duyên nợ)...

Với giọng điệu khá độc đáo và riêng biệt, Nguyễn Tấn Ái cho thấy một cá tính trong dựng chuyện, hành văn. Anh tỏ ra khéo léo và biết tiết chế khi thỉnh thoảng giễu nhại nhưng không gây khó chịu, trái lại còn tạo nên hiệu ứng nghệ thuật nhất định. Anh cũng tỏ ra là người yêu sử và tỉnh táo, cẩn trọng trước bóng mờ thời gian, để những truyện viết về lịch sử của mình có được không gian, không khí truyện cũng như ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh lịch sử của câu chuyện. Thấp thoáng trong tập truyện còn là những cảm quan, tâm thức xứ Quảng qua ngôn ngữ, giọng điệu và dấu vết văn hóa xứ sở...

Với những “lá bùa” ấy, Nguyễn Tấn Ái có thể tự tin tiếp tục bước vào khu rừng văn chương mịt mùng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "lá bùa" của Nguyễn Tấn Ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO