Quán Văn và giấc mơ Vũ Trọng Quang

NGUYỄN NHÃ TIÊN 28/08/2019 11:11

Tạp chí Quán Văn số 66 phát hành vào tháng 8.2019 vừa qua, với tôi có thể xem đấy như một số đặc biệt, là đến 2/3 dung lượng sách được dành để giới thiệu chân dung một nhà thơ đất Quảng: Vũ Trọng Quang.

 

Nhà thơ Vũ Trọng Quang sinh năm 1951 tại Tam Kỳ. Anh còn có nhiều bút danh như: Vũ Thị Phù Sa, Nhị Ka, Quít ( biếm họa)... Nhắc lại những bút danh này cũng là để nhớ “cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” của một thời học sinh - sinh viên năm xưa, Vũ Trọng Quang đã cùng Linh Phương (tác giả bài thơ “ Kỷ vật cho em”) sôi nổi các hoạt động văn học nghệ thuật ở Sài Gòn. Nhà xuất bản Văn nghệ Động Đất do các anh khởi xướng lúc bấy giờ còn ghi lại những dấu ấn đầu tiên của Vũ Trọng Quang qua các tác phẩm: Nỗi buồn của chúng ta (1971), Thơ Vũ Trọng Quang (1973)...

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã nhận định về thơ Vũ Trọng Quang qua tập “Đã hết giờ của lọ lem” mà ông lầm tưởng đây là tập thơ đầu tay của Quang: “Đọc qua, ta quả quyết họ Vũ đã từng làm thơ nhiều năm, tay nghề khá vững chắc, thận trọng từng ý tứ. Điều ngạc nhiên thích thú vẫn là hồn thơ bay phơi phới, gần như do bẩm sinh. Nhận ra năng khiếu của mình, nhà thơ không lấy đó làm niềm tự hào để rồi tự phát, tha hồ “nhả ngọc phun châu”. Lời thơ nhẹ như hơi thở: “Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác/ Làm thơ để được nhẹ lòng mình” (Sơn Nam: Nói về “Đã hết giờ của lọ lem”, Quán Văn - trang 182). Lời ông nghe nhẹ nhàng, ấy vậy mà có thể tiên liệu về sức vóc con đường nhà thơ họ Vũ về tương lai. Vâng, đúng là “nhà thơ không lấy đó làm tự hào để rồi tự phát”, mà như người biết kìm dây cương cho ngựa phi nước kiệu đường trường, để từ đó Vũ Trọng Quang tạo dựng nên một cõi thơ bí mật làm khó cho mọi cách tiếp cận, như: “Hôm qua Hôm nay Hôm sau” (NXB Đà Nẵng - 2006), “Bông & Giấy” (NXB Lao động - 2010).

Vũ Trọng Quang muốn phá vỡ mọi lối sáo mòn, xóa nhòa những mê lộ thánh thót lừa dối của âm thanh để thể hiện mới những dự phóng của cái tôi thi sĩ: “Sớm mai xem báo không thấy chữ/ buổi thuyết trình về Herta Muller vắng người nghe ngày chúa nhật/ Phong cách không dễ đọc “sự dồn nén của thơ và tính chân thật của văn xuôi”/ lùng bùng nuốt không trôi đề từ Hàn lâm Thụy Điển...” (Chủ nhật phi chủ nhật). Đọc lên những dòng thơ để thấy nhà phê bình Huỳnh Như Phương có lý khi viết về thơ họ Vũ: “Thơ Vũ Trọng Quang là thơ khó hiểu, thơ để cho người đọc giải đoán. Những chọn lựa ngẫu nhiên tưởng như phi lý... Thảng hoặc, ông “khuyến mãi” cho tâm trí tiếp nhận vất vả của người đọc những câu lục bát gợi nhớ đến một thời thơ cũ dịu dàng: “Tiếng xưa khẽ chớp mắt người/ Tiếng chuông vang gọi tiếng cười vang xanh” (Huỳnh Như Phương, Quán Văn - trang 195).

Còn có đến gần hai chục nhà văn nhà thơ tên tuổi đồng thời với nhà thơ họ Vũ, như: Hoài Anh, Ngụy Ngữ, Cao Thoại Châu, Lê Ký Thương, Linh Phương, Nguyễn Hữu Đức, Từ Nguyên Thạch..., mỗi người một vẻ, cứ theo cái nhãn quan riêng của mình mà nhận ra một Vũ Trọng Quang hậu hiện đại, một Vũ Trọng Quang tân hình thức, hoăc có khi là một Vũ Trọng Quang  amateur - “tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác/ làm thơ để được nhẹ lòng mình”.

Riêng tôi còn có một Vũ Trọng Quang lang thang bên ngoài cái Quán Văn do nhà văn Nguyên Minh tập hợp. Cũng có thể đấy là cái Quán Văn siêu hình - nơi hoài thai những giấc mơ không đầu không cuối: “Có đêm mơ thấy ngựa trắng đôi cánh thiên thần/ Hý cuồng lao vào trước mặt/ Chiều qua đấu trường kinh hãi tiếng vó câu” (Giấc mơ sâu). Mà họ Vũ cũng đã nói về những giấc mơ khôn nguôi của mình trong ý niệm sáng tạo không mệt mỏi của anh: “Gió thổi tắt ngọn nến cho tiếng gà gáy sáng lên/ Tôi là người đi bộ trong giấc ngủ/ chưa ra khỏi được giấc mơ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quán Văn và giấc mơ Vũ Trọng Quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO