Thanh âm của cô đơn

NGUYỄN KIM HUY 15/12/2019 17:38

Đọc một mạch những trang thơ của Lê Trường An trong Thanh âm mùa (NXB Đà Nẵng, 2019), bất chợt như có con sóng dội ngược vào lòng tôi ở những câu thơ dung dị mà chất chứa đầy nỗi niềm ở bài “Về thăm má vợ cũ”: “Về thăm má vợ cũ/ Má mở cửa tươi cười/ Nhà vẫn nhà xưa cũ/ Mà nỗi gì chơi vơi”.

 

Thật thấm thía những nỗi niềm rất riêng được anh trải lòng qua những câu thơ tưởng như nhẹ nhàng mà đau tận ruột gan, tưởng như chỉ là chuyện đã qua với chút tâm sự bùi ngùi mà sẽ còn đeo đẳng đến tận cùng nỗi đau người đàn ông trong cuộc: “Nghĩa khắng khít một thời/ Tình tròn đầy một cuộc/ Ai nỡ nào chia đôi”.

Nhiều bài thơ khác trong Thanh âm mùa cũng mang một âm điệu buồn như vậy. Buồn và cô đơn ngay từ cái tên bài thơ: Vì sao tôi đợi chốn này, Người xưa người sau, Thì thôi, Một mình, Chuyện buồn tôi, Niềm riêng tôi… Có cảm giác như Lê Trường An đã bê nguyên một trời buồn của thế giới thực anh từng trải qua, từng chịu đựng, từng hy vọng thoát khỏi nó vào thế giới thơ bồng bềnh hư ảo những câu thơ của nỗi cô đơn, dù anh nói cùng người hay tự nói cùng mình: “Cô đơn là nghĩa tận cùng/ Đôi khi dòng lệ nuốt thầm vào trong/ Có còn chi nữa mà mong/ Cũng trong một cuộc xoay vòng thế thôi!” (Nói cùng tôi).

Chông chênh buồn, khi người đàn ông tuổi 30 nhìn lại cuộc đời mình, đã nhận ra mình… tròn một kiếp hồn mơ đầy giọt đắng:  “Thực hư vốn không lời/ Hồn mơ tròn một kiếp/ Giọt đắng vẫn còn rơi” (Tâm sự ngoài 30).

Nỗi buồn, nỗi cô đơn ấy, thật tình không thể sẻ chia cùng ai, không thể chia sẻ cùng dòng sông, cơn gió, biển khơi… Và với em thì lại càng không thể, bởi kể với em về nỗi buồn thì nỗi buồn chẳng chút vơi đi mà còn biến thành… cơn đau khôn nguôi: “Tôi kể nỗi buồn tôi với em/ Tưởng buồn vơi đi mấy đỗi/ Chẳng ngờ từ đây bão nổi/ Rồi đau, đau mãi không thôi” (Chuyện buồn tôi).

Tôi vẫn nghĩ, trong cuộc đời mỗi người đều mong muốn hạnh phúc, khát khao những niềm vui, nhưng, chính nỗi buồn mới đủ sức gạn lọc gột rửa tâm hồn con người, để nhận ra được vẻ đẹp của cuộc sống và yêu người yêu đời này hơn. Ở Lê Trường An tôi đã bắt gặp sự đồng cảm ấy, và chợt nhận ra, nỗi buồn mang trong hồn cốt nó cái Đẹp đã gột rửa tâm hồn Lê Trường An, đem tâm hồn chất chứa sự buồn đau ấy đến với thơ.

Trong cuộc độc hành trên con đường thơ ấy, Lê Trường An có lẽ đã tìm ra được nhiều niềm vui, sự an ủi, nhận ra được bao điều để anh gửi gắm vào thơ. Để yêu, để tin vào tình yêu hạnh phúc và biết ơn đời. Dù viết về điều gì, viết về ai, nội kính yêu hay mẹ tảo tần, hay cho những đứa con anh hết lòng yêu thương dạy dỗ, cho những người đàn bà anh đã từng gắn bó hay đang yêu, Lê Trường An cũng đều viết bằng một giọng thơ chân thật, giản dị: “Rồi một ngày ba lại dắt tay con/ Đi trên những cánh đồng xưa cũ/ Có lẽ lúc đó ba đã già/ Và con cũng không còn bé dại/ Cánh đồng sẽ bé lại/ Ngoan hiền những cỏ và hoa…” (Những cánh đồng ba đã đi qua).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh âm của cô đơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO