Trần Trung Sáng và cảm thức phố ;

TRƯƠNG TÂM THƯ 02/07/2019 15:24

Trần Trung Sáng là một người tài hoa. Anh là nhà văn, họa sĩ, nhà báo, và lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn riêng. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, anh tổ chức cuộc triển lãm tranh nghệ thuật mang chủ đề Ký ức phố phường tại Đà Nẵng. Đây cũng là dịp kỷ niệm 20 năm anh triển lãm tranh lần thứ nhất.

Trần Trung Sáng. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Trần Trung Sáng. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Trần Trung Sáng người Hội An, Quảng Nam. Anh đam mê nghệ thuật từ thiếu thời, và đã có thơ, truyện ngắn đăng ở các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Anh cũng có tranh trong các bộ sưu tập trong và ngoài nước. Hồi niên thiếu (trước 1975) Trần Trung Sáng từng thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhưng bỏ dở. Về sau, anh chủ yếu tự học và may mắn được sống gần, học hỏi các bộ môn nghệ thuật từ những đàn anh ở Đà Nẵng… Chính thức bước vào nghề báo tại tòa soạn Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (1988 - 1994), sau đó anh chuyển qua các báo khác và hiện nay là tạp chí Văn Hiến Việt Nam.

Trần Trung Sáng hiện là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng văn xuôi. Anh đã ấn hành khoảng 10 tác phẩm văn xuôi. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Đêm trắng phập phù (tập truyện, Nxb Hội nhà văn, 2008), Nữ hoàng nhạc Twist (tiểu thuyết, Nxb Lao Động 2011), Những cuộc hẹn bên lề (tập truyện, Nxb Hội nhà văn 2017), Hạt bụi bay xa (ký sự nhân vật, Nxb Đà Nẵng 2018)…

- Anh giới thiệu 40 tác phẩm thể hiện bằng chất liệu giấy báo, có thể nói là với một phong cách khá phóng túng và mới lạ. Phong cách này có gì khác so với chính anh của lần triển lãm trước đây?

- Nghệ thuật hiện đại đã có nhiều bước nhảy vọt rất bất ngờ. Sau 20 năm kể từ lần triển lãm lần thứ nhất, đến nay là cả một chặng đường dài, do đó ở mảng tranh dán giấy, tôi đã thường xuyên theo dõi, tích lũy học hỏi được khá nhiều về các xu hướng, trào lưu mới trong và ngoài nước. Cái mới lạ, phóng túng ở đây, tôi muốn nói là khi thể hiện bằng chất liệu giấy tôi không quá trói buộc mình vào hai chữ “dán giấy” suông, mà đôi khi trên tác phẩm xen kẽ cả kỹ thuật ấn họa, chì sáp, acrylic…

Ký ức ga chợ Hàn.
Ký ức ga chợ Hàn.

Dù vậy, nói cho cùng, tôi vẫn thấy thú vị nhiều hơn với chất liệu giấy báo, bởi phong cách này tôi luôn thấy phù hợp, gần gũi với sở trường của mình. Loại tranh này, với những tác phẩm có kích cỡ lớn cần có sự chuẩn bị công phu về phác thảo, chất liệu giấy màu, các kỹ xảo phụ trợ… Song với các bức tranh cỡ nhỏ, cảm xúc đến rất nhanh, tôi thường thể hiện nó với bất cứ thứ gì có được trong tay, không lệ thuộc, trói buộc mình vào bất cứ điều kiện nào. Do đó, những bức tranh loại này, như Ký ức ga chợ Hàn, Mèo và trăng xanh, Bài thơ về nàng Maja, Ngày mới, Pháo hoa 3… đối với tôi thú vị như những bài thơ tự do, mong manh, không vần điệu.
Ký ức chợ Cồn.
Ký ức chợ Cồn.

- Tác phẩm nào anh yêu thích, gắn với nghiệp văn hoặc nghề báo?

- Phần lớn những bức tranh của tôi thường ra đời đồng hành với một bài thơ, một truyện ngắn hoặc một ký sự của chính mình. Chẳng hạn, tranh Mèo và trăng xanh là từ truyện ngắn Những con mèo trên mái ngói; tranh Bài thơ về nàng Maja là từ bài thơ Chiều thứ 7 nhớ nàng Maja khỏa thân (cả hai đều in trên báo Quảng Nam cuối tuần); Ký ức Ga chợ Hàn từ ký sự Thành phố tiếng còi tàu (in trên Tạp chí Non Nước)…

Mèo và trăng xanh.
Mèo và trăng xanh.
Trong đó, tôi thích nhất bức tranh Ký ức ga chợ Hàn, bởi đó là một nơi chốn đầy ắp kỷ niệm của một Đà Nẵng xưa, nay đã mất. Nơi ấy, khi còn là một nhà ga bỏ phế đã trở thành một quán rượu bình dân, một thời nhóm thân hữu chúng tôi thường lui tới rượu chè đàn đúm, khi thì với họa sĩ Lê Đình Sung, khi thì học giả Nguyễn Văn Xuân… Đặc biệt, trong thời gian đó, nơi đây, tôi thường gặp và chơi đùa với một cậu bé chừng hơn 10 tuổi suốt ngày hí hoáy vẽ tranh, tham gia các lớp năng khiếu thiếu nhi. Sau khi địa chỉ ấy bị xóa bỏ, cậu bé ấy cùng gia đình đi đâu không rõ… Và cho đến khi gặp lại, tôi thật bất ngờ biết ra: cậu bé ấy nay là họa sĩ thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí nổi tiếng hàng đầu tại TP.Hồ Chí Minh.

“Đêm pháo hoa rạng rỡ lồng trong cái tĩnh lặng mênh mông huyền ảo của đôi mèo ngắm trăng bên cửa sổ. Âm thanh huyễn hoặc chừng vang vọng từ cây đàn bỏ quên trong bóng tối thời gian. Những đường phố, những mái nhà, thực ảo, chiếc cầu mộng du trên dòng sông ký ức… Cái đẹp hiện thực siêu thực trong tranh của Sáng đến dịu dàng như một cơn mưa mùa hạ; nghệ sĩ tạo nên “cái có” từ “cái không”. Vì, tất cả đều mong manh, vô tích, mang vẻ đẹp của “nhạn quá trường không/ ảnh trầm hàn thủy …” (Nhạn bay trên không/ Bóng chìm đáy nước - thiền sư Nghĩa Hoài/Hương Hải), của màu xanh con nước mùa trăng!”.(Nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Phương Kỳ).

Nghệ thuật tranh dán (collage) đã xuất hiện từ xa xưa trong các nền nghệ thuật ở phương Đông cũng như Tây. Chúng góp phần đáng kể tạo nên vẻ đẹp tân kỳ của tranh hiện đại với sự sáng tạo của các danh họa phương Tây hồi đầu thế kỷ 20. Tranh collage tiếp cận với vẻ đẹp bình dị, nó sử dụng những vật liệu đơn sơ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày nên mang đậm hơi thở cuộc sống...

- Nói thật, anh đam mê và thành danh với nghệ thuật hội họa và văn chương, nhưng nghề báo gắn bó với anh và có lẽ là nghề nghiệp chính để kiếm sống. Liệu việc anh sử dụng giấy báo cũ trong tranh dán giấy có nói lên điều gì?

- Hai mươi năm trước, cuộc triển lãm lần thứ nhất tôi cũng chọn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1999). Lần đó, chủ đề tôi chọn chủ đề “Nhân vật và sự kiện”, thuần mang ý nghĩa báo chí. Do đó, cũng chọn việc thể hiện chất liệu giấy báo cũ để làm tranh cho dễ ấn tượng. Tình cờ, điều đó không ngờ trở thành cái duyên với tôi. Suốt mấy chục năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến tranh tôi, mọi người đều nhớ ngay đến tranh giấy báo. Lần này, với chủ đề “Ký ức phố phường”, tôi có khai thác đề tài đa dạng hơn, chú ý nhiều hơn về kỹ thuật và các kỹ xảo phụ trợ, song ý nghĩa của nó vẫn để khẳng định: Một người làm báo vẽ tranh thì phải có chút gì đó gần gũi với đời sống báo chí.

- Có nhà phê bình đánh giá: “Trên cái suy tàn và phát triển của phố phường, Trần Trung Sáng chọn một giọng điệu nhẹ nhàng thể hiện trong một thủ pháp nghệ thuật vừa gợi vừa tả… để diễn đạt những biến động trong tâm thức anh về chốn yêu thương”. Vậy anh nghĩ thế nào về sự đô thị hóa, và sự đánh mất các di sản của đô thị?

- Dĩ nhiên theo xu hướng của xã hội, con người luôn hướng về phía trước, ngày càng vươn đến cuộc sống tiện nghi, hiện đại là không thể tránh khỏi. Các đô thị của đất nước ta cũng vậy, đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng…, đôi lúc đã vô tình hoặc cố ý đánh mất những di sản vô cùng quý giá không thể nào tìm lại được. Với tình cảm của một người sáng tác nghệ thuật, tôi cho là cần phải đánh thức những ký ức bị lãng quên, đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phát triển của tương lai… Chủ đề Ký ức phố phường của cuộc triển lãm lần này với tôi nằm trong ý nghĩa đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trần Trung Sáng và cảm thức phố ;
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO