Võ Thi Nhung bước qua “Dốc chiều lửng gió”

NGUYỄN THỊ THU THỦY 09/08/2020 04:08

Lớn lên từ mảnh đất nắng gió miền Trung nhưng khăn gói theo chồng xuôi đất Bắc, Võ Thi Nhung (Hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng) luôn chùng chình trong niềm nhớ quê, dùng dằng nỗi trong Nam ngoài Bắc. Thơ ca đến với chị như một người bạn để giãi bày, chia sẻ.

Bìa tập thơ “Dốc chiều lửng gió”.
Bìa tập thơ “Dốc chiều lửng gió”.

Nếu ở tập đầu tay “Mùa hoa bách hợp”(2014), thơ chị phảng phất nét hồn nhiên, chất phác, rụt rè; thì “Dốc chiều lửng gió” (NXB Hội Nhà văn, đầu năm 2020) rất trải đời. Mỗi đêm trở trời, chị thao thức vì lo cha mẹ tuổi già, sức yếu, tự trách mình bất hiếu vì lấy chồng xa. Chị nhớ nhất hương mùi của mẹ trong ngày ba mươi: “Hương mùi từ độ xa xưa/ Thơm từ tay mẹ như vừa hôm qua/ Con đò lỡ đậu bến xa/ Chiều ba mươi nhớ quê nhà rưng rưng” (Hương mùi của mẹ). Chị gửi tâm sự qua cảnh vật, đếm từng nhịp bước từng mùa trong năm. Với chị, mùa đông là mùa dài nhất, cô đơn nhất bởi: “Anh về bến không rồi/Em đường trần mê lụy/Chơ vơ giữa cuộc người (Sầu đông). Mùa đông đất Bắc sẽ đỡ lạnh hơn rất nhiều nếu có đôi bàn tay nắm chặt, truyền cho chị hơi ấm. Có lúc, đối diện với nỗi đau của đời mình, Thi Nhung không dưới một lần: “Ước gì chỉ là chiêm bao” (Trống vắng). Nhưng một Thi Nhung ta gặp, không để cho nỗi buồn quật ngã bởi chị đã sớm nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời. Triết lý đó đã được Thi Nhung bừng ngộ: “Thì ra… ở trọ cõi trần/Thì mây, thì khói vũ vần sẽ tan” (Bến chiều)…

Biết là vậy, nhưng khi đối diện với đêm dài vò võ, tâm trạng của tác giả lại đầy mâu thuẫn. Chị tự ti khi nhận ra mình không còn trẻ, cái tuổi đang đuổi xuân đi: “Ta như một cánh hoa tàn/Hương nào đủ ướp mùa sang với đời/Trầu têm đã héo rũ rồi/Chỏng chơ duyên quện bình vôi góc nhà” (Gió bấc). Tâm lý này quen thuộc với đàn bà trung niên, bởi càng thấy thời gian trôi, họ càng chua chát khi nghĩ mình già đi không chỉ ở thể xác mà cả tâm hồn. Lối ví von phận mình là cánh hoa tàn, lá trầu héo ấy khiến độc giả rưng rưng. Đọc Võ Thi Nhung, ta hòa cùng giai điệu thủ thỉ của một người phụ nữ đang kể chuyện mình, chuyện đời; song đôi lúc sa đà trong cảm xúc nên đôi câu thơ chưa được gọt giũa. Để dễ dàng tìm sự đồng điệu với độc giả, Thi Nhung khéo léo chọn thể tự do, bởi sự phóng khoáng của thể thơ này giúp tác giả chuyển tải nỗi lòng mình tự nhiên, chân thành nhất. Tuy vậy, ta không bỏ qua chùm thơ lục bát trong “Dốc chiều lửng gió” bởi cách gieo vần mềm mại, nữ tính: “Đất trời cứ mãi giao duyên/Nụ xuân cũng đủ ướt mềm môi em/Giao thừa bung ánh sao đêm/Bỗng dưng thấy chợt say men quá chừng” (Giao thừa). 

Cảm nhận tâm sự Võ Thi Nhung, người đọc tìm thấy tiếng lòng của chính mình bởi thơ chị gần gũi, chân thành biết bao...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Võ Thi Nhung bước qua “Dốc chiều lửng gió”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO