Mùa lá trở sân trường

HỒ CAO MỸ DIỆP (Lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Tiên Phước) 19/11/2020 16:38

(QNO) - Bàn tay thầy cô tự những buổi đầu cầm tay nắn nót từng nét chữ đã giúp em bay vào vùng trời tri thức và tự viết nên câu chuyện về cuộc đời mình.

Cây bàng trong sân trường (ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Cây bàng trong sân trường (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Mùa thu chín, lá trở mình trên cây bàng già cỗi. Miên man qua giấc mộng đêm hè, những chiếc lá lặng lẽ gọi nhau hóa thân trong bộ đồng phục mới. Lạ lùng và thân thương. Đời lá mà hình như cũng rất… người! Đó là tâm trạng của những cô cậu học trò lớp 11 bỗng chốc “trở mình” thành học sinh cuối cấp, bỗng trở nên “mít ướt” khi nhớ lại những câu văn phập phồng xúc cảm: “Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra…” (Lý Lan).

Chẳng cần đọc câu thần chú “Vừng ơi! Mở cửa ra” như trong truyện cổ tích, một hành trình dài được mở ra từ những bước chân đầu tiên: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp… Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” (Thanh Tịnh).

Thế giới kỳ diệu ấy trong em là những thầy cô giáo tâm huyết, những cuốn sách chưa từng đọc và những người bạn cùng nhau học tập và lớn lên. Thi thoảng “em nhớ em của ngày xưa” gắn với những vật dụng đời học trò đáng nhớ: bút chì, bút máy, rồi bút bi. Bàn tay thầy cô tự những buổi đầu cầm tay nắn nót từng nét chữ, cho em sự tự tin để viết nên câu chuyện về cuộc đời mình.

Mùa phượng cứ thế níu nhau về, xuyến xao. Thế rồi chợt đến, chợt đi, có những điều làm sao nói hết. Chúng em nhận ra “lời cảnh báo" của thầy cô, chính là "ba năm cấp ba trôi qua nhanh lắm!”.

Thời gian trôi qua kẽ tay, ở đó, chúng em tiến gần hơn với "phiên bản" trưởng thành của mình. Biết yêu mình, yêu người, học cách chấp nhận và yêu thương những điều chưa hoàn hảo. Một chiếc cặp đã sờn vì được sử dụng trong nhiều năm? Một bộ sách giáo khoa đã cũ? Hay một giờ học đôi khi chưa được thú vị lắm vì lý do nào đấy... là những điều hết sức bình thường! Trường học dạy em biết cảm thông, sẻ chia và thấu hiểu để thầy cô và học trò gieo vào tâm hồn nhau những hạt giống hạnh phúc, “sỏi đá cần nhau, con người cần nhau”.

Wabi Sabi - triết lý đi tìm vẻ đẹp của sự bất toàn còn nhắc nhở em rằng: Thầy cô cũng là những người chưa hoàn hảo, nhưng sẽ yêu thương học trò theo cách hoàn hảo nhất của riêng mình. Và thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới!

Những ngày này, em chậm rãi học cách lắng nghe dư ba của tiếng trống trường đọng lại. Khắc khoải và bàng bạc khắp cả một miền nhớ. Nghệ sĩ tài hoa họ Trịnh từng viết: “Mỗi ngày bước đến là mỗi lần ta bỏ lại một quá khứ nho nhỏ phía sau lưng”. Còn em vẫn luôn tin rằng trong ngăn kéo của quá khứ nho nhỏ ấy, sẽ luôn là thước phim quay cận cảnh khuôn mặt hiền từ của những thầy cô giáo tâm huyết, những người bạn cùng nhau học tập và lớn lên trong suốt 3 năm THPT và bao nhiêu kỷ niệm.

Chiều nay em gặp một cựu học sinh về thăm trường, anh bảo: “Mấy đứa sẽ chẳng biết được mình từng được sống một khoảng trời thiên đường, cho đến khi tiếng trống của bài thi môn cuối cùng kết thúc!”.

Có lẽ, kỷ niệm là tín hiệu nhắc nhớ mỗi người đang sống và cần phải sống tốt cho hiện tại. Dẫu biết rằng ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua những trạng thái “trở mình”, “trút lá” cho tâm hồn. Nhưng em, vẫn rưng rưng những dòng cảm xúc lấp lánh: Hằng năm cứ vào cuối thu…”.

 Ôi, em đã chạm mùa lá trở cuối cùng của tuổi học trò!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa lá trở sân trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO